Mặc dù người lao động Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên gặp những vướng mắc về pháp luật nhưng đến nay, các cơ quan chức năng của Chính phủ chưa có những biện pháp hiệu quả và cần thiết để hỗ trợ kịp thời cho họ.
Các nghiên cứu, khảo sát trong thời gian qua cho thấy người lao động di cư nói chung và người lao động Việt Nam ở nước ngoài nói riêng gặp rất nhiều khó khăn và rủi ro trước, trong và sau khi đi lao động ở nước ngoài.
Rất nhiều người lao động do thiếu hiểu biết nên tin tưởng rằng đi lao động ở nước ngoài là cách để có thể đổi đời, đặc biệt là khi các công ty môi giới thường đưa ra những hứa hẹn và viễn cảnh hấp dẫn. Do số người có nhu cầu đi lao động như vậy rất lớn trong khi nhu cầu của thị trường lao động có hạn nên dẫn đến tình trạng người lao động phải chấp nhận trả những khoản tiền quá cao hoặc bị lừa đảo trong quá trình xin đi lao động.
Mặc dù người lao động Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên gặp những vướng mắc về pháp luật nhưng đến nay các cơ quan chức năng của Chính phủ chưa có những biện pháp hiệu quả và cần thiết để hỗ trợ kịp thời cho họ ngoại trừ việc một số người lao động từ nước ngoài trở về đã được trợ giúp pháp lý (TGPL) bởi các Trung tâm TGPL nhà nước ở các tỉnh. Các Đại sứ quán của Việt Nam ở nước ngoài đến nay chưa có bộ phận hoặc cán bộ chuyên trách về TGPL cho người lao động Việt Nam.
Nguồn nhân lực các Ban quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài thuộc Cục Quản lý lao động ngoài nước hiện nay rất mỏng và không có nghiệp vụ TGPL cho người lao động. Cụ thể, Ban quản lý lao động tại Malaysia có 4 cán bộ trên tổng số 100.000 lao động; Hàn Quốc thì 3 cán bộ/55.000 lao động; Đài Loan có 4 cán bộ/82.000 người lao động; Nhật Bản: 2 cán bộ/26.000 lao động; Cộng hoà Séc: 1 cán bộ/20.000 lao động,…
Ngoài ra, ở cả Đại sứ quán và Ban quản lý lao động đều chưa có quỹ để chi trả chi phí mời luật sư thực hiện TGPL cho người lao động khi họ có vướng mắc pháp luật. Ở Malaysia, nhiều người lao động Việt Nam bị truy tố hình sự nhưng không có luật sư bào chữa.
Việc TGPL cho người lao động Việt Nam tại nước ngoài hiện nay chủ yếu do các tổ chức phi chính phủ của các nước đó thực hiện nên không có tính hệ thống và chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu của người lao động.
Bên cạnh các khó khăn về kinh phí, các tổ chức phi chính phủ này cũng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm người phiên dịch. Chẳng hạn, khi các tổ chức giúp đỡ người lao động nhập cư ở Malaysia, Đài Loan đề nghị các cơ quan đại diện ngoại giao cung cấp phiên dịch để luật sư có thể giúp đỡ người lao động trong quá trình tố tụng thì các cơ quan này thường không bố trí được. Đến nay, Đại sứ quán và Ban quản lý lao động ở các nước hầu như chưa chủ động hợp tác với các tổ chức TGPL ở nước sở tại để thực hiện TGPL cho người lao động.
Cẩm Vân