Không biết có phải đảm bảo cho “khoản vay” không có thế chấp hay vì nhìn thấy anh D có khả năng kinh tế mà Linh “nổ” một lèo, rằng mình là con ruột một cán bộ cao cấp ở Bộ Quốc phòng, còn bố vợ cũng là một quan chức có tiếng ở Trung ương.
Thấy gia đình Linh có thanh thế, bản thân Linh có vẻ ngoài tử tế nên anh D tâm sự muốn tìm một công việc ổn định, nếu là quân nhân chuyên nghiệp thì càng tốt. Nhận lời nhờ cậy của anh D, Linh ra giá 350 triệu đồng gọi là chi phí ngoại giao. Hai bên thỏa thuận anh D phải “đặt cọc” cho Linh số tiền 100 triệu đồng.
Thấy lấy tiền của bạn quá dễ dàng, Linh nghĩ thêm chiêu trò mới để anh D phải chi nhiều hơn số tiền đã thỏa thuận. Theo đó, Linh nói với anh D có thể “chạy” cho anh D lên hàm Đại úy (thay vì Trung úy như thỏa thuận trước đó), đổi lại anh D phải chi thêm 100 triệu đồng.
Tin lời Linh, anh D lại tiếp tục đồng ý và giao tiền. Cứ cách vài ngày Linh lại điện thoại hối thúc anh D để có tiền lo việc “đại sự”. Linh mua bộ quần áo quân nhân, quân hàm Đại úy quân đội và biển hiệu đeo ngực áo trôi nổi trên đường Lê Duẩn của một người không quen biết với giá 250 ngàn đồng giao anh D để “làm tin”. Tổng cộng sau 5 lần trao đổi, Linh đã chiếm đoạt của bạn học cũ 460 triệu đồng.
Cũng trong thời gian học đại học tại chức, Linh quen và thân với anh Trương Trọng H (SN 1971, ở quận Thanh Xuân). Tin tưởng khả năng xin việc của Linh, anh H. đã giao cho Linh 2 bộ hồ sơ và gần 100 triệu đồng để nhờ xin cho 2 người thân vào làm việc ở cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, trong quá trình “chạy” việc làm cho người thân, anh H còn 2 lần cho Linh vay hơn 200 triệu đồng nữa. Nói là vay, nhưng thực tế nếu Linh xin được việc cho hai người thân của anh H thì số tiền này cũng là tiền để anh H “trả công” cho Linh đã giúp đỡ.
Quá trình điều tra làm rõ, ngoài anh D, anh H, Linh còn chiếm đoạt hơn 300 triệu của hai nạn nhân với chiêu “chạy” vào làm tại một trại tạm giam. Đặc biệt, Linh còn lừa cả bạn của người yêu để chiếm đoạt 120 triệu đồng của 3 bị hại với thủ đoạn nói xin được việc làm tại một số cơ quan nhà nước.
Tiến hành giải quyết vụ án, các cơ quan tố tụng xác định từ giữa năm 2014 đến đầu năm 2015, Bùi Mạnh Linh đã lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng hơn 680 triệu đồng của 4 bị hại. Tại phiên tòa cũng như tại Cơ quan điều tra, Linh khai nhận do cần tiền tiêu xài nên bịa chuyện có bố làm “quan” lớn để nhận tiền của các bị hại. Đối với những quyết định tiếp nhận, tuyển dụng của một số cơ quan nhà nước Linh dùng làm “mồi nhử” các bị hại, Linh khai tự soạn thảo, in ra và đóng dấu.
Cơ quan điều tra xác định Bùi Mạnh Linh có hành vi làm giả tài liệu, con dấu. Song, do thấy bị cáo chưa sử dụng nên không đề cập xử lý.