Hy vọng hồi sinh
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Cao Xuân Thu Vân, các cấp ủy, đảng, chính quyền luôn không ngừng quan tâm, triển khai nhiều giải pháp hiệu quả nhằm bảo tồn nghệ thuật cải lương và nghệ thuật Đờn ca tài tử. Đến nay, Nhà hát Cao Văn Lầu – đơn vị biểu diễn nghệ thuật cải lương chuyên nghiệp của tỉnh vẫn tồn tại và đáp ứng tốt nhu cầu phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương cũng như nhu cầu hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân.
Đặc biệt, trong những năm gần đây, sân khấu cải lương đã được gắn kết với phát triển du lịch của tỉnh, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác quảng bá giới thiệu các sản phẩm văn hóa đặc trưng, tiêu biểu, thu hút đông đảo du khách đến Bạc Liêu trải nghiệm và thưởng thức.
Xu thế hội nhập hiện nay đã tạo những cơ hội cũng như thách thức đối với sân khấu cải lương của cả nước nói chung và tỉnh Bạc Liêu nói riêng, đồng thời là cơ hội để quảng bá, giới thiệu cải lương với bạn bè thế giới, cũng như có thêm "mảnh đất mới" cho cải lương phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là những thách thức rất lớn mà nghệ thuật cải lương, nghệ thuật Đờn ca tài tử và bất kỳ loại hình nghệ thuật nào khác cần phải vượt qua nếu không muốn bị mai một hoặc biến mất. Do đó, sân khấu cải lương bắt buộc phải tìm cách thu hút lại công chúng của mình, nhất là giới trẻ.
Bà Cao Xuân Thu Vân nhận định, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp để bảo tồn, phát triển nghệ thuật cải lương và nghệ thuật Đờn ca tài tử với hy vọng xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm nghệ thuật cải lương của khu vực; sân khấu cải lương Bạc Liêu trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng, tiêu biểu của tỉnh.
Phát huy nội lực
Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương cho biết để bảo tồn, phát triển nghệ thuật cải lương, và Đờn ca tài tử, trước hết, tỉnh tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, các tầng lớp nhân dân về giá trị, sự đóng góp của nghệ thuật cải lương, Đờn ca tài tử vào kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc; nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của các tổ chức, mỗi cá nhân trong việc giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật độc đáo của Nam Bộ.
Cùng đó, tỉnh phát huy vai trò của các nghệ sĩ đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân tham gia truyền dạy nghệ thuật cải lương tại Nhà hát Cao Văn Lầu, tạo điều kiện cho họ nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, tiếp tục lưu giữ, truyền dạy cho các thế hệ sau.
Tỉnh thành lập, phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Bồi dưỡng và Truyền nghề sân khấu cải lương thuộc Nhà hát Cao Văn Lầu; xây dựng chương trình truyền dạy nghệ thuật cải lương cụ thể, phù hợp với từng đối tượng tham gia, đảm bảo hiệu quả, chất lượng.
Đặc biệt, tỉnh thường xuyên tổ chức các hội thi, hội diễn, liên hoan, giao lưu sân khấu cải lương, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, diễn viên, học viên học hỏi, nâng cao kỹ năng biểu diễn, thực hành nghệ thuật, đáp ứng tốt về nguồn lực phục vụ nhu cầu phát triển sân khấu cải lương tỉnh trong thời gian tới.
Mặt khác, Bạc Liêu duy trì và nâng cao chất lượng biểu diễn phục vụ nhân dân, biểu diễn thực cảnh tại Nhà hát Cao Văn Lầu, đáp ứng tốt nhu cầu hưởng thụ cho các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Ngoài tham gia các hội thi, hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp cấp khu vực, toàn quốc, Nhà hát Cao Văn Lầu xây dựng kế hoạch biểu diễn định kỳ hàng quý 1 vở cải lương để truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình của tỉnh và các tỉnh, thành phố trong khu vực.
Tỉnh duy trì tổ chức, đăng cai, tham gia Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ ba tỉnh Bạc Liêu – Sóc Trăng – Cà Mau và tham gia giao lưu, liên hoan, hội thi nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ khu vực, các tỉnh, thành phố cũng như toàn quốc. Đồng thời, tỉnh xây dựng kế hoạch tổ chức sưu tầm, kiểm kê, bảo tồn giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ trên địa bàn tỉnh 1 lần/năm.
Bạc Liêu củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các câu lạc bộ, nhóm Đờn ca tài tử; đưa hoạt động Đờn ca tài tử vào sinh hoạt tại trung tâm văn hóa - thể thao các huyện, thị xã, thành phố, xã, phường, thị trấn, nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khóm. Đồng thời, tỉnh thực hiện xã hội hóa trong việc vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nghệ thuật Đờn ca tài tử (Quỹ Lê Tài Khí) tạo điều kiện cho công tác bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật này. Các đơn vị chuyên môn tổ chức cho giới trẻ (từ cấp tiểu học) tiếp cận với Đờn ca tài tử thông qua các bài ngắn, nhẹ nhàng, làn điệu vui tươi… để giúp các em làm quen với làn điệu cổ truyền rồi dần đi đến yêu thích Đờn ca tài tử.
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, tỉnh quan tâm đầu tư mua sắm, bổ sung trang thiết bị phục vụ biểu diễn nghệ thuật cải lương cho Nhà hát Cao Văn Lầu; xây dựng các hạng mục công trình phục vụ nhu cầu sân khấu thực cảnh trong khuôn viên Nhà hát Cao Văn Lầu, góp phần nâng cao hiệu quả phục vụ nhân dân và khách tham quan du lịch.
Bà Trần Thị Lan Phương cho biết, tỉnh đầu tư, lựa chọn những kịch bản, vở diễn đặc sắc, chất lượng để biểu diễn phục vụ khách du lịch, xây dựng sân khấu cải lương trở thành sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách trong và ngoài nước, để Bạc Liêu trở thành trung tâm sân khấu cải lương của khu vực, là một trong những điểm đến thưởng thức và trải nghiệm nghệ thuật cải lương tiêu biểu, đặc sắc của cả nước.
Từ đó, tạo điều kiện cho các nghệ sĩ, diễn viên nâng cao đời sống vật chất, an tâm cống hiến, không ngừng sáng tạo, nâng cao hiệu quả thực hành và truyền dạy nghệ thuật cải lương cho các thế hệ trong, ngoài tỉnh, góp phần phát triển sân khấu cải lương của tỉnh cũng như tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hoạt động của Nhà hát Cao Văn Lầu.