Trong khi nhiều thành phố, địa danh du lịch khác vẫn bị phàn nàn vì vấn nạn "đô thị hoá" quá mức, đánh mất dần bản sắc truyền thống, thì Hội An, đô thị cổ bên bờ sông Hoài luôn đứng vững trong lòng du khách trong và ngoài nước bởi sức sống bền bỉ của một nền văn hoá trong vẻ ngoài tĩnh lặng. Nhân dịp Những ngày Hội An tại TP.HCM lần đầu được tổ chức, Anh hùng lao động Nguyễn Sự, Bí thư Thành uỷ TP.Hội An đã có cuộc trò chuyện với PLVN..
Một góc Hội An. Ảnh Đ.S |
Ngay ngày đầu khai mạc, Những ngày Hội An tại TP.HCM đã thu hút đông đảo người dân tham gia. Tuy nhiên, ông có nghĩ rằng như thế là khá muộn cho một cuộc "tiếp thị" Hội An đến với người dân một thành phố có nhu cầu du lịch cao như TPHCM?
- Khi tổ chức một sự kiện, luôn cần có sự chuẩn bị, tính toán kĩ lưỡng về nhiều yếu tố: Nội lực, sự tham gia của các đối tượng... Chúng tôi đã tổ chức Ngày Hội An tại Hà Nội, Ngày Hội An tại Đà Nẵng, và khi cảm thấy "vững" rồi thì tiến đến TP.HCM, tính về thời gian thì có vẻ muộn, nhưng đây thực sự là thời điểm chín muồi.
Tổ chức sự kiện này, Hội An mong muốn giúp những người xa quê có dịp gần gũi, hướng về quê hương, lớp trẻ gốc gác Hội An nhưng sinh ra và lớn lên tại TP.HCM có dịp hiểu hơn về quê cha đất tổ, khơi gợi lòng tự hào để họ sống tốt hơn, cống hiến phụng sự cho quê hương, đất nước.
Hoạt động này cũng là một lời tri ân của Hội An dành cho TP.HCM: mỗi đường phố, mỗi con người Hội An biết ơn người dân TP.HCM cho mỗi bước phát triển của mình, cho sự kiện được Unesco công nhận Di sản văn hoá và nhiều điều tốt đẹp khác...
Được biết, hoạt động này cũng là nằm trong một chương trình lớn nhằm quảng bá du lịch Hội An, thưa ông?
- Đúng vậy, như tôi đã nói, Hội An đang có một chiến dịch quảng bá hình ảnh mình đến người dân cả nước. Hội An, tuy là điểm đến được yêu thích, nhưng thực ra đến nay, trong số du khách đến với Hội An, người nước ngoài vẫn chiếm ưu thế - hơn 80%.
Chúng tôi mong muốn rằng thông qua những hoạt động như thế này, người dân trong nước nói chung và TP.HCM nói riêng sẽ có cơ hội tiếp cận, phát hiện ra những nét đẹp văn hoá của Hội An, để biết đến Hội An như một điểm đến an toàn, đẹp và lạ để chiêm ngưỡng và tìm hiểu.
Thưa ông, rất nhiều du khách trong nước đã đến Hội An, khen đẹp, nhưng chỉ lưu lại một thời gian rất ngắn rồi đi. Có vẻ như với nhiều người, Hội An còn khá nhỏ bé để khám phá?
- Thật ra, chính sự nhỏ bé, thanh lịch và trầm tĩnh đã làm nên một Hội An rất riêng. Nhưng chúng tôi cũng hiểu rằng, có lẽ như thế là chưa đủ. Theo kế hoạch sắp tới, thành phố Hội An sẽ được mở rộng. Lâu nay chỉ riêng phố cổ được chú trọng.
Hiện các làng nghề, biển đảo chung quanh Hội An cũng sẽ được vun đắp, xây dựng thành những điểm đến thú vị không kém đối với du khách.
Liệu điều này có khiến Hội An bị phá vỡ cảnh quan kiến trúc và vẻ đẹp truyền thống của mình?
- Chúng tôi không chủ trương đô thị hoá một cách ồ ạt. Việc làm của chúng tôi là phục dựng các làng nghề, phát triển du lịch biển.
Các làng nghề, làng quê của chúng tôi không phải được dựng lên để biểu diễn cho du khách xem mà hoạt động thực sự, trong đó người dân vừa sinh sống bằng nghề truyền thống, từ những sản phẩm do chính tay mình làm ra, vừa có nguồn thu nhập thêm từ du lịch. Chúng tôi còn phát triển du lịch biển bằng những làng biển, những rặng san hô...
Hội An đang hướng đến trở thành thành phố sinh thái. Lộ trình sẽ như thế nào, thưa ông?
- Đây là kế hoạch lâu dài của Hội An. Chúng tôi đã khởi động ngay từ thời điểm này, và thời hạn phấn đấu sẽ là năm 2030. Là một thành phố sinh thái, có nghĩa là sống nương tựa vào thiên nhiên, con người tác động vào thiên nhiên rất ít, giữ gìn thiên nhiên trong sạch toàn diện.
Hội An có những làng quê xanh ngắt, 15 km đường biển và nhiều hòn đảo. Thực ra Hội An đã đi những bước đầu tiên của một thành phố sinh thái từ cách đây khá lâu: Xã đảo Tân Hiệp - Cù Lao Chàm suốt 4 năm nay người dân đã tuyệt đối không sử dụng túi ni lông. Trong phạm vi phố Cổ, nhiều năm rồi người dân hoàn toàn chỉ đi bộ và xe đạp. Có nghĩa là không hề có khói xe trong phố.
Chúng tôi đang khắc phục những tiêu chí còn thiếu, như nâng cao ý thức trồng cây xanh cho mỗi người dân, giảm tối đa những yếu tố xây dựng làm ảnh hưởng đến cảnh quan.
Tất cả nhằm hướng đến năm 2030, Hội An sẽ trở thành một thành phố giữa vườn hoa.
Còn con người, đóng vai trò như thế nào trong sự phát triển một Hội An bền vững?
- Du khách đến với Hội An không chỉ là đến với một đô thị cổ với kiến trúc xây dựng cổ điển và độc đáo... Hội An còn thật duyên dáng bởi nếp sống người dân hiền hoà, thanh lịch. Trầm tĩnh, nhưng lại luôn mới mẻ. Chúng tôi tự hào rằng trong suốt 400 năm hình thành và phát triển, sự tiếp cận và giao thoa với nhiều nền văn hóa đã khiến người dân Hội An có một tư duy mở.
Du khách đến hoàn toàn có thể đẹp lòng với cách đón tiếp, ứng xử và lối sống của người Hội An. Không ít du khách quốc tế lẫn trong nước đến đây, đầu tiên là say vì cảnh, sau đó là mến cái tình đằm thắm mà... tình nguyện trở thành cư dân Hội An luôn.
Nhưng trên hết, chúng tôi luôn tâm niệm rằng, mọi hoạt động của mình, trước hết cho chính Hội An, cho sự phát triển nguyển bản, đẹp đẽ và bền vững của Hội An, sau đó mới vì du khách.
Xin cảm ơn ông.
* Những ngày Hội An tại TP.HCM diễn ra trong hai ngày 10 và 11/2, tại khu Đông Hồ - Kì Hòa 1, phục dựng mô phỏng không gian kiến trúc Hội An xưa với những kiến trúc quen thuộc của khu phố cổ như tam quan đình chùa, cổng nhà cổ, mái ngói rêu phong... Cùng với các hoạt động triển lãm, trưng bày hình ảnh, tranh, tư liệu về Hội An, trình diễn nghệ thuật ẩm thực Hội An với các món ăn nổi tiếng như mì Quảng, Cao Lầu, bánh đậu xanh, yến sào Hội An... Đêm phố cổ Hội An đầu thế kỉ XX được tái hiện với các trò chơi dân gian như bài chòi, đập nồi, đánh cờ, thả hoa đăng... |
Ngọc Mai (thực hiện)