Nỗ lực đảm bảo nguồn cung xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thực trạng thiếu xăng dầu cục bộ chưa có dấu hiệu ngừng lại khi ngoài Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam thì một số tỉnh phía Bắc cũng đã gặp tình trạng khó khăn tương tự.
Với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị, việc mua bán xăng dầu kỳ vọng sẽ được “hạ nhiệt” sau ngày 11/11.
Với sự vào cuộc của nhiều cơ quan, đơn vị, việc mua bán xăng dầu kỳ vọng sẽ được “hạ nhiệt” sau ngày 11/11.

Các bộ, ngành vào cuộc

Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Lê Minh Khái gửi Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc rà soát, điều chỉnh các loại chi phí định mức trong giá cơ sở xăng dầu.

Phó Thủ tướng giao Bộ Tài chính căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, quy định tại các nghị định về kinh doanh xăng dầu và các quy định pháp luật, chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan bám sát diễn biến thị trường để chủ động tính toán, xem xét, quyết định điều chỉnh các loại chi phí liên quan trong công thức tính giá cơ sở xăng dầu theo thẩm quyền và quy định hiện hành.

Đồng thời, Phó Thủ tướng yêu cầu cần đảm bảo không đứt gãy nguồn cung xăng dầu trong nước, không để xảy ra trục lợi, buôn lậu, vi phạm pháp luật; hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng đã có văn bản gửi các bộ, ngành, UBND các tỉnh để đề nghị phối hợp đồng bộ, đảm bảo cung ứng nguồn xăng dầu. Trước đề nghị của Bộ Công Thương, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn về việc tổ chức giao thông trên địa bàn tỉnh, thành phố hỗ trợ công tác bảo đảm nguồn cung cho thị trường xăng dầu nội địa.

Văn bản của Bộ Công Thương cũng đề nghị các địa phương xem xét phân luồng, tạo điều kiện cho các phương tiện chở xăng dầu tiếp cận, cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ, đặc biệt là trong các khung giờ cao điểm. Trước đề nghị này, UBND TP Hà Nội cũng đã có văn bản yêu cầu các Sở phối hợp để tạo điều kiện tốt nhất cho việc cung ứng xăng dầu trên địa bàn.

Theo đó, Sở Công Thương Hà Nội cũng đã gửi Sở Giao thông Vận tải đề nghị cấp phép cho 114 xe téc chở xăng dầu hoạt động 24/24h để cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng. UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Quỹ Đầu tư và phát triển thành phố nghiên cứu, xem xét đề xuất của Sở Công Thương về việc cho doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu vay vốn ưu đãi lãi suất thấp theo đúng quy định hiện hành.

Đáng chú ý, vấn đề chi phí xăng dầu sẽ tiếp tục được gỡ trong kỳ điều hành ngày mai (11/11) khi Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương về việc điều chỉnh chi phí định mức để tính giá cơ sở xăng dầu áp dụng từ ngày 11/11.

Tại văn bản này, Bộ Tài chính thông báo giá xăng dầu kỳ điều chỉnh ngày 11/11 sẽ được cộng thêm chi phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về cảng Việt Nam. Cụ thể, xăng nền để phối trộn xăng E5RON92 tăng 290 đồng/lít lên 640 đồng/lít; Xăng RON95 tăng 720 đồng lên 1.280 đồng/lít; Dầu diesel 0,05S tăng 160 đồng, lên 730 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 660 đồng lên 1.740 đồng/lít.

Doanh nghiệp tăng nguồn cung

Đại diện Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cho biết, để đảm bảo nguồn hàng cho quý IV/2022, Petrolimex đã chủ động tạo nguồn cho thị trường nội địa dự kiến đạt gần 3 triệu m3/tấn tương ứng khoảng 140% so với sản lượng phân giao tối thiểu của Bộ Công Thương. Ngoài ra, Petrolimex cũng đã nỗ lực để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao tại 2.700 cửa hàng trực thuộc và cấp nguồn cho hệ thống cửa hàng thương nhân nhượng quyền theo tiến độ và số lượng đã ký kết từ trước.

Theo Petrolimex, hiện tại nhiều tỉnh, thành, người dân dồn về các cửa hàng xăng dầu của Petrolimex tăng đột biến. Ở TP Hồ Chí Minh, trong một số ngày tháng 10 sản lượng xăng dầu xuất bán tăng đến 2,4 lần so với trước đây. Tại Hà Nội, trong những ngày đầu tháng 11, lượng xăng dầu xuất bán tăng trung bình từ 35 đến gần 40% so với tháng 10.

Đặc biệt, 2 - 3 ngày gần đây, việc mua xăng ở Hà Nội xuất hiện thêm khó khăn nên Petrolimex đã phải làm việc với cường độ rất căng trong mọi công đoạn từ khâu tạo nguồn đến vận chuyển xăng dầu từ kho cảng về các cửa hàng và phân phối đến tay người tiêu dùng. Đặc biệt, để giúp cho khách hàng có thêm nhiều thời gian mua hàng, Petrolimex đã thực hiện việc bán hàng 24/24h đến hết ngày 13/11/2022.

Công ty Cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn cũng cho biết, Công ty đã tăng công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất lên 112% từ đêm 5/11 sau khi tập trung đánh giá độ tin cậy, cơ khí và thiết bị. Đây là lần quyết định nâng lên mức công suất lớn nhất của nhà máy kể từ khi vận hành tới nay và cũng là lần nâng công suất thứ 5 của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trong năm nay. Trong 10 tháng qua, Công ty đã xuất bán gần 6,6 triệu m3 xăng dầu, cung cấp cho các đầu mối tiêu thụ vượt hơn 450.000m3 so với khối lượng đã cam kết.

Đại diện một cửa hàng kinh doanh xăng dầu tư nhân cho biết, việc tạm dừng phục vụ mỗi ngày là việc chẳng đặng đừng vì mặc dù chấp nhận bán lỗ, hệ thống tư nhân cũng vẫn tìm kiếm nguồn hàng nhưng chỉ được cấp nhỏ giọt nên không đủ để phục vụ khách hàng như trước đây. Do đó, vị này hy vọng, với những nỗ lực từ các bộ, ngành và doanh nghiệp đầu mối, tình hình bán lẻ xăng dầu sẽ “hạ nhiệt” sau kỳ điều chỉnh ngày 11/11.

Đọc thêm