Tuy nhiên, vẫn còn đó những tồn tại, hạn chế đòi hỏi phải tiếp tục đổi mới để công tác này thực sự là một phần tất yếu trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN và nhiều nỗ lực khắc phục của các Bộ, ngành rất đáng được ghi nhận.
Hiệu quả PBGDPL còn thấp
Sau nhiều thành quả được ghi nhận, công tác PBGDPL chính thức được thể chế hóa bằng Luật PBGDPL năm 2012 có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. Chỉ trong năm đầu triển khai thi hành Luật, các cơ quan, địa phương đã tổ chức hơn 762 nghìn cuộc tuyên truyền pháp luật cho gần 75 triệu lượt người; phát hành miễn phí trên 39,4 triệu tài liệu tuyên truyền, phổ biến pháp luật, qua đó góp phần tác động tích cực đến ý thức pháp luật của người dân, tổ chức.
Trên cơ sở Luật, các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật PBGDPL, các Bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Luật, kiện toàn Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp; tổ chức triển khai các đề án về PBGDPL được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong năm 2013.
Đặc biệt, Bộ Tư pháp đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ, phối hợp với Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương chỉ đạo việc tổ chức thực hiện “Ngày Pháp luật” 9/11 đầu tiên trong toàn quốc với chủ đề “Toàn dân xây dựng, thi hành và bảo vệ Hiến pháp vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” mà cao điểm là Lễ công bố “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa XHCN Việt Nam”. Những hoạt động ấy tạo được sức lan tỏa lớn, đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược từ xây dựng, hoàn thiện pháp luật sang tổ chức thi hành pháp luật.
Tuy nhiên, chất lượng PBGDPL trong cả nước chưa đồng đều, hiệu quả còn thấp, nguồn lực, kinh phí phục vụ công tác PBGDPL gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số Bộ, cơ quan lại chưa quan tâm đến công tác PBGDPL, nhất là phổ biến những chính sách pháp luật mới liên quan trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp.
Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp mới được tái lập nên hoạt động chưa thực sự hiệu quả. Với tư cách là cơ quan chịu trách nhiệm quản lý nhà nước về công tác PBGDPL, Bộ Tư pháp thẳng thắn thừa nhận chính công tác PBGDPL của Bộ, ngành Tư pháp còn thiếu sự chỉ đạo nhằm gắn kết với việc triển khai các trọng tâm công tác trong năm (như trọng tâm công tác năm vừa qua là việc xã hội hóa giám định tư pháp, mở rộng triển khai thí điểm Thừa phát lại...).
Càng gần đối tượng cần PBGDPL càng tốt
Trước những bất cập trên, những người làm công tác PBGDPL rất trăn trở và luôn đau đáu tìm cách tháo gỡ. Xuất phát từ đặc thù của công tác PBGDPL trong Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam, Đại tá Hàn Mạnh Thắng – Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Văn phòng Bộ Quốc phòng – khẳng định, hoạt động PBGDPL vốn được coi là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị tư tưởng, góp phần quan trọng vào xây dựng QĐND Việt Nam.
Chia sẻ về những giải pháp của ngành đối với công tác PBGDPL, ông Thắng nhấn mạnh, điều quan trọng đặc biệt là sự thống nhất nhận thức của các cấp lãnh đạo, chỉ huy trong toàn quân, từ đó có sự quan tâm triển khai việc tổ chức quản lý và thực thi pháp luật trong Quân đội. Đáng chú ý hơn là Bộ Quốc phòng đã tổ chức các tủ sách pháp luật, ngăn sách pháp luật tại Phòng Hồ Chí Minh đầy đủ ở các đơn vị sao cho đến ”càng gần chiến sĩ càng tốt”.
Hàng năm, Hội đồng phối hợp PBGDPL Bộ Quốc phòng đều có kế hoạch biên soạn tài liệu giáo dục pháp luật cung cấp cho các tủ sách pháp luật của các đơn vị, kết hợp với các cơ quan thuộc khối xây dựng kinh tế biên soạn, phát hành những cuốn sách có nội dung là các văn bản luật gắn liền với cuộc sống, sinh hoạt, công tác của cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân.
Là cơ quan quản lý nhà nước nhiều mảng hoạt động liên quan đến doanh nghiệp, Bộ Công Thương đặc biệt chú trọng công tác phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật liên quan chức năng quản lý nhà nước của Bộ một cách thường xuyên đến tất cả các doanh nghiệp và các đối tượng trong ngành Công Thương trên phạm vi cả nước để các đối tượng luôn có ý thức chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước, kịp thời áp dụng.
Theo Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương Nguyễn Anh Sơn, công tác này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau như viết đề cương giới thiệu, tổ chức các hội thảo, các lớp tập huấn, các cuộc tọa đàm, biên soạn và xuất bản sách, ấn phẩm phục vụ công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, phát tờ rơi, tóm tắt các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực quản lý của Bộ trên website của Bộ, tham gia công tác giảng dạy và chuẩn bị hệ thống câu hỏi sát hạch các lớp đào tạo thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ…
Về phần mình, Bộ Tư pháp cho biết sẽ đẩy mạnh và tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức thực hiện PBGDPL theo các chương trình, đề án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời nghiên cứu đề xuất việc tăng cường xã hội hóa hoạt động này, có biện pháp tăng cường kinh phí, điều kiện bảo đảm cho công tác PBGDPL.
Cùng với tập trung tuyên truyền, phổ biến Hiến pháp năm 2013, Bộ cũng hướng tới những văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành, nhất là những văn bản liên quan đến những lĩnh vực bức xúc, nhạy cảm với đời sống xã hội; pháp luật về phòng, chống tham nhũng theo các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng; pháp luật liên quan đến hoạt động khai thác trên các vùng biển.