Thông tin từ “quê vải” Bắc Giang, vải thiều có ngày rớt giá chỉ 6.000 – 8.000 đồng/kg. Tại Hà Nội, giá vải dao động từ 10-12 nghìn đồng/1kg, loại ngon hơn 15.000 đồng/kg. Anh Tân, chủ hàng hoa quả tại chợ Cầu Lủ (quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) “dẻo miệng” quảng cáo với hy vọng khách chọn mua vải nhiều hơn: “Dù đông người bán, giá rẻ như nhau nhưng em vẫn bán được. Vải của em là vải Thanh Hà “xịn” vỏ mỏng, hạt nhỏ và rất ngọt, mỗi người mua 1 đến 3kg”.
Để “giải cứu” vải thiều, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức “Hội nghị vùng Đông – Tây Nam bộ về tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều năm 2014” tại TP.HCM nhằm hỗ trợ tiêu thụ vải thiều của tỉnh Bắc Giang và Hải Dương tại thị trường trong nước.
Giải pháp đưa ra là, địa phương sẽ thực hiện kết nối các doanh nghiệp trong Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất, thu mua, phân phối, chế biến nông sản, Hợp tác xã chợ, Ban Quản lý chợ, công ty kinh doanh chợ đầu mối tiêu thụ nông sản.
Về dài hạn, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình: Nghiên cứu đổi mới phương thức kinh doanh nông sản; đàm phán song phương và đa phương để tiếp tục mở rộng thị trường thông qua Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- Khu vực Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), Hiệp định Thương mại tự do – Liên minh Hải quan gồm 3 nước Nga, Belarus và Kazakhstan... Rồi xúc tiến thành lập các văn phòng đại diện, văn phòng xúc tiến thương mại ở các thị trường trọng điểm để chủ động, kịp thời cung cấp thông tin, đề xuất những chương trình hợp tác nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông sản…
Nghe ra thì các giải pháp “vĩ mô” nói trên đều “đúng cả”, song việc cần kíp lúc này là tìm đâu đầu ra, khi có khoảng hơn 190.000 tấn vải thiều của cả 2 tỉnh Hải Dương và Bắc Giang sẽ tập trung chín rộ vào tháng 6 và được đưa ra thị trường?
Không chỉ vải, các hoa quả khác cũng “rẻ hều”, như măng cụt còn 15.000 đồng/kg; mận 8.000-15.000 đồng/kg; dưa bở, dưa lê, dưa hấu đều có giá 10.000 đồng/kg… “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng” cho công sức người nông dân.
Thêm thông tin “héo ruột” từ tỉnh Tiền Giang. Tại các xã Mỹ Tịnh An và Quơn Long - những nơi có diện tích thanh long nhiều nhất ở huyện Chợ Gạo đang vào mùa thu hoạch rộ nhưng người trồng “méo mặt” vì giá giảm mạnh. Ông Nguyễn Văn Sáu (ngụ ấp Mỹ An B, xã Mỹ Tịnh An) buồn bã: “Đầu năm, thương lái tìm tới tận vườn mua thanh long ruột trắng, giá 20.000 - 23.000 đồng/kg, ruột đỏ 40.000 đồng/kg, có bao nhiêu mua hết bấy nhiêu. Vậy mà nay mọi chuyện đảo ngược khi giá thanh long giảm tới mức không thể ngờ: ruột trắng chỉ còn 2.000 - 4.000 đồng/kg, ruột đỏ chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg nhưng muốn bán cũng khó”.