Hướng về cơ sở, gắn với thực tiễn chấp hành pháp luật

(PLO) - Mỗi lần nhìn lại một năm thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) đều thấy rõ một điều, sự bền bỉ, kiên trì và trách nhiệm mới đưa được pháp luật vào từng ngõ ngách của cuộc sống và ý thức người dân, để pháp luật phát huy được hiệu lực trong thực tiễn.
Gắn với thực tiễn chấp hành pháp luật
“Thông qua PBGDPL, cán bộ, nhân dân được tìm hiểu, học tập pháp luật thuận lợi, kịp thời hơn; nhận thức pháp luật của nhân dân có chuyển biến rõ nét. Ở nhiều địa phương, tình hình vi phạm pháp luật, khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp, sai pháp luật có chiều hướng giảm”. 
Đánh giá tuy ngắn gọn nhưng là sự ghi nhận đáng quí của các Bộ, ngành, địa phương về hiệu quả công tác “đưa pháp luật vào cuộc sống”, nhất là trong điều kiện xã hội hội nhập, sự phát triển như vũ bão của công nghệ, sự tràn ngập của thông tin và những luồng văn hóa, tư tưởng đa dạng; đặc biệt là hệ thống pháp luật không ngừng được hoàn thiện để đáp ứng yêu cầu hội nhập và bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân.
Trợ giúp pháp lý cho người dân tại Trung tâm tư vấn pháp luật, Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
 Trợ giúp pháp lý cho người dân tại Trung tâm tư vấn pháp luật,
Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Để có được kết quả này, những người làm công tác PBGDPL đã phải lựa chọn các nội dung pháp luật liên quan đến cuộc sống của các tầng lớp nhân dân, thực hiện đúng yêu cầu chọn điểm chỉ đạo và đối tượng ưu tiên PBGDPL phù hợp với nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội trong từng thời kỳ, gắn công tác PBGDPL với thực tiễn chấp hành pháp luật. 
Không chỉ chú ý đến những nội dung pháp luật phục vụ cho cuộc sống hàng ngày mà trong các đợt cao điểm diễn ra sự kiện chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng (bầu cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp, các lễ hội lớn, hội nghị quốc tế lớn diễn ra tại Việt Nam), những nội dung pháp luật có ý nghĩa liên quan luôn được tập trung tuyên truyền với cường độ cao để góp phần đem đến thành công cho các sự kiện.
Từ tính chất và đặc thù công tác tuyên truyền, PBGDPL đòi hỏi có đội ngũ cán bộ tâm huyết, kiên trì, có kinh nghiệm, khả năng để người nghe “thẩm thấu” những nội dung pháp luật được tuyên truyền, áp dụng được vào cuộc sống thành ý thức chấp hành pháp luật. 
Vì thế, Bộ Tư pháp đã luôn phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương kiện toàn tổ chức và lực lượng cán bộ làm công tác PBGDPL ở Trung ương và địa phương có bước phát triển đáng kể cả về tổ chức, việc nâng cao năng lực, nghiệp vụ PBGDPL cho cán bộ thực hiện PBGDPL được chú trọng. Việc thành lập tổ chức pháp chế tại các Bộ, ngành, bố trí cán bộ pháp chế tại các doanh nghiệp nhà nước, việc thành lập Phòng PBGDPL chuyên trách thuộc Sở Tư pháp ở cấp tỉnh, nhiều Phòng Tư pháp được thành lập lại ở cấp huyện đã tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác PBGDPL được củng cố thêm một bước.
Hội đồng phối hợp công tác PBGDPL các cấp được kiện toàn và củng cố, đi vào nền nếp, hoạt động có chiều sâu và hiệu quả hơn. Với 1.049 báo cáo viên pháp luật trung ương, 5.686 báo cáo viên cấp tỉnh, 16.395 báo cáo viên cấp huyện, 104.833 tuyên truyền viên cấp xã, 603.788 hòa giải viên và sự tham gia đông đảo của đội ngũ luật sư, luật gia, giáo viên dạy môn Giáo dục công dân, Pháp luật tham gia thực hiện công tác PBGDPL, công tác PBGDPL đang được triển khai đến từng cơ quan, đơn vị, tổ chức địa bàn cơ sở, hộ gia đình và mỗi cá nhân. 
Điểm đáng chú ý trong kiện toàn tổ chức và củng cố nguồn nhân lực làm công tác PBGDPL ở địa phương là nhiều tỉnh, thành phố đã xây dựng được nhóm nòng cốt thực hiện PBGDPL rất hiệu quả, như Đắk Lắk đã xây dựng được 2.212 nhóm nòng cốt với 15.547 thành viên tạo nên mạng lưới PBGDPL rộng khắp ở tất cả các thôn, xóm, bản, làng.... Các lực lượng đã phát huy được sức mạnh tổng hợp trong PBGDPL những năm gần đây, đóng góp đáng kể trong việc đưa pháp luật vào cuộc sống, tạo chuyển biến rõ nét trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các thành viên trong xã hội. 
Phổ biến từ cơ sở, cho cơ sở
Từ nỗi lo thường trực về nguy cơ hoạt động PBGDPL rơi vào tính hình thức, phong trào, những người làm công tác PBGDPL đã xác định chỉ có đổi mới, nâng cao hiệu quả các hình thức, biện pháp PBGDPL hiện có, triển khai trên diện rộng những hình thức PBGDPL mới đang phát huy hiệu quả trên thực tế, kết hợp những cách làm truyền thống và hiện đại với việc chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin trong triển khai công tác PBGDPL mới có thể là một giải pháp mạnh để công tác PBGDPL “không chỉ là nói suông, hướng mạnh về cơ sở”. 
Cùng với những hình thức truyền thống, các Bộ, ngành, địa phương đã tiếp tục duy trì và đẩy mạnh hình thức tuyên truyền, PBGDPL thông qua hệ thống thông tin đại chúng để tận dụng những lợi thế “phổ cập, nhanh chóng, kịp thời, rộng khắp, hấp dẫn” của hình thức này để PBGDPL. 
Bên cạnh đó, các báo, đài Trung ương và địa phương đã tập trung phản ánh những vấn đề thực tế bức xúc của cuộc sống có liên quan đến pháp luật như: đất đai, xây dựng, thuế, an toàn giao thông, an toàn vệ sinh thực phẩm, vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí, phòng chống tham nhũng, phòng chống tệ nạn xã hội, hội nhập kinh tế quốc tế…Thông qua đó phát hiện, kiến nghị với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền những bất cập trong thực tiễn áp dụng pháp luật, những vấn đề còn bỏ ngỏ, thiếu sự điều chỉnh của pháp luật, góp phần hoàn thiện và tăng cường hiệu lực thi hành của pháp luật. 
Nhiều hình thức PBGDPL mới đã được sử dụng có hiệu quả như áp dụng các biện pháp tuyên truyền gắn với hoạt động phong trào của các tổ chức chính trị - xã hội đã góp phần kiềm chế và từng bước hạn chế, giảm vi phạm pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ và nhân dân trên địa bàn. Nhiều hình thức PBGDPL đang được thử nghiệm, bước đầu đem lại kết quả nhất định như phổ biến pháp luật định kỳ tại UBND xã, phường, thị trấn để trực tiếp nghe dân nói và đối thoại với nhân dân; lựa chọn nội dung pháp luật phù hợp đưa vào hương ước, qui ước để thực hiện và quan tâm kiểm tra, xử lý nghiêm túc những trường hợp không chấp hành... 
Đẩy mạnh hiệu lực của pháp luật
Kết quả nhiều nhưng còn không ít những tồn tại khiến hiệu quả, chất lượng công tác PBGDPL đôi khi vẫn bị coi là nguyên nhân của tình hình chấp hành pháp luật còn hạn chế. Theo nhiều cán bộ làm công tác PBGDPL, sự “cộng đồng trách nhiệm” của xã hội trong PBGDPL là rất quan trọng để tăng cường tính thực chất cho hoạt động này. 
Do đó, sau 5 năm triển khai Chương trình PBGDPL của Chính phủ giai đoạn 2008-2012, một trong những định hướng được đặt ra cho công tác PBGDPL từ năm 2014 và những năm tới là phát huy tính chủ động, sáng tạo, cộng đồng trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển năng lực PBGDPL theo định hướng chung của hệ thống thông tin pháp luật và PBGDPL; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện chính sách xã hội hóa hoạt động PBGDPL thông qua biện pháp thu hút mọi tổ chức, cá nhân có năng lực tham gia thực hiện PBGDPL; thu hẹp khoảng cách về chất lượng dịch vụ và khả năng đáp ứng nhu cầu trợ giúp pháp lý giữa nông thôn và thành thị, giữa đồng bằng và miền núi; tạo chuyển biến mới về hiệu quả thực thi pháp luật, là hành động thiết thực thực hiện khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”; nhân rộng các hình thức, mô hình có hiệu quả đã được thực hiện; xây dựng nguồn nhân lực vững mạnh cho công tác PBGDPL đáp ứng nhiệm vụ PBGDPL trong tình hình mới; tăng cường ứng dụng tin học đối với công tác PBGDPL...
Thực hiện được các định hướng này bằng những giải pháp cụ thể, đồng bộ, hy vọng trong giai đoạn phát triển mới của đất nước, công tác PBGDPL sẽ có sự chuyển biến căn bản, toàn diện, phù hợp với tình hình thực tiễn, từ phổ biến pháp luật đến giáo dục pháp luật, tiếp tục đáp ứng tích cực cho yêu cầu tăng cường, phát huy vai trò, hiệu lực của pháp luật trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Đọc thêm