Nhằm quảng bá, tôn vinh hình ảnh về cây sâm Ngọc Linh tạo nhiều dấu ấn cho du khách và người dân địa phương, những ngày đầu tháng 8/2019 vừa qua, UBND tỉnh Quảng Nam đã tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 3 - năm 2019 với chủ đề “Tỏa sáng Ngọc Linh”…
Cây tiền tỷ!
Ngày 12/9/2015 Chính phủ đã phê duyệt đề án “Bảo tồn và phát triển cây Sâm Ngọc Linh- Sâm Việt Nam” đến năm 2030, với tổng mức đầu tư lên đến trên 9.000 tỷ đồng. Tháng 6/2017, Sâm Ngọc Linh chính thức được Chính phủ công nhận sản phẩm quốc gia. Từ ngày được Chính phủ thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, đồng thời công nhận Ngọc Linh trở thành sản phẩm quốc gia, thương hiệu và giá trị cây này tăng lên rất cao. Tại huyện Nam Trà My (thủ phủ sâm Ngọc Linh) cây sâm đã phát triển ở 7 xã với hơn 1.500 hộ tham gia trồng.
|
Sản phẩm sâm Ngọc Linh |
Theo ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, cây sâm Ngọc Linh bản địa đã trở thành cây tiền tỷ của người dân. Trong phiên chợ sâm mới đây nhất, sâm củ tươi có giá dao động 60 - 120 triệu đồng/kg; lá sâm tươi giá bán hơn 9 triệu đồng/kg; sâm giống bán ra hơn 300.000 đồng/cây. Cây sâm đã thực sự đổi đời cho nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây, không ít hộ đồng bào đã trở thành tỷ phú cũng nhờ sâm.
Đến nay, đã có 4 tổ chức thuê dịch vụ môi trường rừng thuộc lâm phận của Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ngọc Linh (gồm Công ty Cổ phần Thương mại Dược - Sâm Ngọc Linh Quảng Nam, Công ty TNHH Sâm Sâm, Công ty Cổ phần Dược phẩm Hoa Thiên Phú, Công ty Cổ phần Nguyên liệu giấy miền Trung) để trồng sâm Ngọc Linh (diện tích 44,47ha) với hơn 1,1 triệu cây giống; tổng vốn đầu tư gần 133 tỷ đồng. Ngoài ra, còn có 2 đơn vị sự nghiệp sử dụng dịch vụ môi trường rừng để trồng sâm Ngọc Linh là Trung tâm Phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu Quảng Nam (thuộc Sở NN-PTNT) và Trung tâm Sâm Ngọc Linh của huyện Nam Trà My, diện tích gần 11ha với 247.000 cây giống.
Đặc biệt, một số huyện miền núi của tỉnh có khí hậu tương đồng như Nam Giang, Đông Giang, Tây Giang, Phước Sơn, Bắc Trà My… cũng đã và đang nghiên cứu di thực sâm Ngọc Linh về trồng ở địa phương mình. Dù trước đó, một số nơi như huyện Phước Sơn hay Tây Giang đã thực hiện nhưng hiệu quả hầu hết không như mong muốn.
|
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thăm vườn sâm Ngọc Linh |
Cụ thể, năm 2004, cây sâm Ngọc Linh được huyện Tây Giang di thực về trồng tại vườn sâm Ngọc Linh ở xã biên giới Ch’Ơm (Tây Giang), tổng diện tích khoảng 2ha dưới tán rừng nguyên sinh (số lượng 10.000 cây). Năm 2012 huyện Tây Giang chuyển giao vườn sâm di thực lại cho Công ty CP Thương mại dược Sâm Ngọc Linh. Tuy nhiên, qua theo dõi, cây sâm di thực tại vườn không đạt năng suất như cây sâm vùng Trà Cang (Nam Trà My). Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Quảng Nam nhìn nhận, do sâm Ngọc Linh là loài cây quý nên ai cũng muốn di thực để gây giống. Tuy nhiên điều kiện sống của loài cây này rất khắt khe chỉ phù hợp với vùng nhất định, rất khó di thực để mở rộng không gian sống nên không thể vội vã được. Ông Lê Muộn chia sẻ thêm, Viện Dược liệu đã di thực về trồng thử nghiệm ở một số địa điểm có điều kiện gần tương đồng với đỉnh Ngọc Linh (Tam Đảo, Sa Pa) nhưng kết quả cũng không khả quan, cây sâm sống và sinh trưởng, phát triển rất kém. Theo ông Muộn, điều này càng nhấn mạnh, thủ phủ sâm Ngọc Linh tại Quảng Nam trở thành điểm đến duy nhất.
Cũng theo ông Muộn, trước tiên vùng di thực sâm Ngọc Linh phải đáp ứng về mặt khí hậu thổ nhưỡng, đầu tiên, vùng núi đó phải có độ cao hơn 1.500m, đất mặt có tầng mùn dày, đủ ẩm, độ che phủ lớn. “Sở NN-PTNT chủ trương tập trung phát triển sâm Ngọc Linh theo quy hoạch ở vùng xuất xứ Nam Trà My. Diện tích quy hoạch bảo tồn và phát triển khoảng 16.000ha, trong đó chỉ có 6.000ha thuận lợi ở độ cao 1.500 - 2.000m, ưu tiên phát triển vùng đã được cấp chỉ dẫn địa lý”, ông Muộn nói.
Nỗ lực giữ gìn thương hiệu sâm quý
Cũng chính vì giá trị của sâm Ngọc Linh nên thời gian qua, không khó để tìm thông tin về việc rao bán tràn lan sâm Ngọc Linh thông qua các mạng xã hội như Facebook, Zalo… Tuy nhiên, chất lượng, không phải ai cũng có thể kiểm chứng. Thông qua lời rao bán sâm Ngọc Linh trên Facebook, PV liên hệ và tiếp cận được một cộng tác viên bán hàng của một công ty tại tỉnh Quảng Nam chuyên rao bán sâm Ngọc Linh. Thế nhưng, khi hỏi, người này cũng không biết đang bán những củ tam thất hay sâm Trung Quốc. Mãi đến khi phát hiện những củ mà công ty đưa ra không phải sâm Ngọc Linh, người bán chọn nghỉ việc.
Điều này cũng được ông Trịnh Minh Quý, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn sâm Ngọc Linh xác nhận, việc bán hàng giả ảnh hưởng rất nhiều đến thương hiệu của sâm Ngọc Linh. Có rất nhiều người đã gửi ảnh cho ông, nhờ xác nhận có phải sâm thật hay giả. Hầu hết những hình ảnh đó cho thấy chỉ có tam thất, sâm Lai Châu hoặc Trung Quốc. Vì thế, khi mua sâm Ngọc Linh, nhất thiết phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, cầm tận tay mới biết được sâm thật hay giả.
|
Cây sâm Ngọc Linh |
Theo ông Trịnh Minh Quý, tại phiên chợ sâm Ngọc Linh hàng tháng, tổ kiểm định đã phát hiện 2 trường hợp chuẩn bị đưa sâm giả vào phiên chợ. Hai trường hợp đã bị công an xử lý, cấm vĩnh viễn không được buôn bán, vào phiên chợ. “Trước đây, tam thất hoang thường được sử dụng để giả sâm Ngọc Linh bởi vì nó giống đến hơn 90% so với sâm Ngọc Linh nên người mua thường bị nhầm lẫn. Vì bây giờ người tiêu dùng biết cách phân biệt nên các đối tượng đã tinh vi hơn. Thay vì dùng tam thất, họ lấy những củ sâm Trung Quốc, Lai Châu trà trộn. Những loại này rất khó phân biệt”, ông Quý nói.
Ông Trịnh Minh Quý khuyến cáo thêm, sâm Ngọc Linh với các mắt thể hiện các năm tuổi; rễ thường rễ cọc chứ không theo chùm như củ tam thất. Trường hợp muốn chắc chắn, nên cắt 1 lát để thử vì sâm Ngọc Linh màu vàng, có vân tròn và không có nước, mủ chảy ra, khác với các loại khác.
Ông Hồ Quang Bửu, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết: “Tôi dám khẳng định, chưa hề có 1 củ sâm giả nào lọt vào phiên chợ hàng tháng của huyện Nam Trà My. Bởi, 1 củ sâm khi vào tới các gian hàng ở phiên chợ, phải trải qua 2 lần kiểm tra gắt gao của tổ kiểm định ngay ở cổng ra vào. Lần một, từ khi người dân tập kết sâm để chuẩn bị đưa xuống phiên chợ, xã sẽ kiểm định. Khi đưa vào sẽ trải qua một lần kiểm tra gắt gao nữa. Cuối cùng, khi khách mua xong, đưa ra để tổ kiểm định kiểm tra lại một lần nữa. Vậy nên rất đảm bảo”.
Cũng theo ông Bửu, để siết chặt quản lý trong việc buôn bán sâm Ngọc Linh, chính quyền huyện đã buộc các công ty, doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này phải cam kết bằng văn bản sẽ bán hàng thật. “Chỉ cần phát hiện một lần bán hàng giả, lập tức sẽ giao cho cơ quan chức năng xử lý. Ngoài ra, còn bị cấm tuyệt đối không được buôn bán hay ra vào phiên chợ nữa”, ông Bửu nói thêm.
Mở thêm cơ hội quảng bá!
Để phát triển bền vững sâm Ngọc Linh gắn với xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Nam Trà My, mỗi năm, cứ đến tháng 8, UBND tỉnh Quảng Nam lại tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh. Đây là năm thứ 3 hoạt động này diễn ra trong 3 ngày (1-3/8)
Theo ông Lê Trí Thanh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, không chỉ đơn thuần một lễ hội giới thiệu về sâm Ngọc Linh, hoạt động còn bảo tồn nguồn giống, tri ân và tái hiện lễ cúng nàng sâm của đồng bào Xê Đăng, với vũ điệu cồng chiêng kết hợp đàn đá theo phong tục truyền thống.
Lễ hội năm nay đã thu hút hơn 16.000 lượt khách đến tham quan, mua sắm và tham gia các hoạt động tại không gian lễ hội; trong đó có khoảng 6.000 lượt khách ngoại tỉnh và khách quốc tế. Đồng thời có hơn 50 đoàn khách du lịch, với ước tính khoảng 2.000 lượt khách đến tham quan vườn sâm giống Tắc Ngo và các điểm du lịch khác của địa phương như: suối Đôi, thác 5 tầng, thác Tây Du Ký, vườn tre khổng lồ, vườn quế cổ thụ, thác Trà Vân...
Bên cạnh các hoạt động trình diễn văn hóa truyền thống, các trò chơi dân gian và trưng bày triển lãm hình ảnh về sâm Ngọc Linh, tại lễ hội lần này UBND huyện Nam Trà My cũng đã tổ chức phiên chợ sâm Ngọc Linh lần thứ 23, với số lượng hơn 60 gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm trên lĩnh vực nông - lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các sản phẩm làm ra từ các làng nghề trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, không gian phiên chợ còn trưng bày, quảng bá, mua bán các sản phẩm thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của tỉnh đến từ các địa phương Tiên Phước, Bắc Trà My và Nam Trà My. Theo thống kê, trong những ngày diễn ra phiên chợ có hơn 2.500 lượt người đến tham quan, mua sắm, với doanh thu khoảng 10,5 tỷ đồng. Riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 110kg, thu về gần 10 tỷ đồng; trong đó có 1 cây sâm nặng 0,7kg được bán với giá 530 triệu đồng và 10 củ sâm có giá 200 - 300 triệu đồng./.