Nỗ lực kết nối giao thông với cảng biển

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hệ thống cảng biển ở Việt Nam được đánh giá đang phát triển với những cảng biển quy mô lớn, hiện đại, năng suất khai thác cao. Tuy nhiên, vấn đề giao thông kết nối với cảng biển vẫn còn yếu.
Hệ thống giao thông kết nối cảng biển cần được quan tâm đầu tư.
Hệ thống giao thông kết nối cảng biển cần được quan tâm đầu tư.

Hệ thống giao thông chưa tương xứng với quy mô cảng

Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đang lấy ý kiến Dự thảo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, Bộ GTVT cho rằng, hệ thống cảng biển Việt Nam đã định hình với quy mô tổng chiều dài trên 90km, đầy đủ các công năng xếp dỡ, năng lực thông qua đạt khoảng 750 triệu tấn/năm. Cảng biển Việt Nam đã được đầu tư với nhiều bến cảng có quy mô lớn, hiện đại, năng suất khai thác cao tương đương các cảng biển trong khu vực và trên thế giới.

Các cảng biển chính trên cả nước đã đầu tư, nâng cấp, cải thiện căn bản về năng lực, chất lượng dịch vụ đảm bảo tiếp nhận tàu biển trọng tải từ trên 30.000 đến hàng trăm ngàn tấn. Điển hình, bến cảng tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã tiếp nhận được các tàu biển trọng tải đến trên 214.000 tấn (trên 18.000Teus), cảng biển Hải Phòng tại Lạch Huyện tiếp nhận tàu trọng tải đến 145.000 tấn (sức chở khoảng 13.500 Teu).

Tuy nhiên, Bộ GTVT thừa nhận, trong khi hệ thống cảng biển được phát triển trải dài từ Bắc vào Nam, mạng lưới vận tải biển khá đa dạng và phong phú thì giao thông kết nối cảng biển lại phát triển chưa tương xứng.

Hiện nay, kết nối giao thông tới các cảng biển là hệ thống đường bộ, chủ yếu là các kết nối thông qua các quốc lộ. Chất lượng các kết nối đường bộ được đánh giá cơ bản là tốt. Song, thực tế là việc kết nối cảng biển với các tuyến cao tốc còn ít.

Điển hình như khu vực cảng biển Hải Phòng. Đây là cảng biển được xếp loại đặc biệt ở khu vực phía Bắc, nhưng đang đối mặt với “điểm nghẽn” về hạ tầng giao thông kết nối. Do chủ yếu vận tải đường bộ nên tuyến đường nội đô Nguyễn Văn Linh thường xuyên ùn tắc do lưu lượng xe quá lớn. Hạ tầng giao thông đường bộ trong thành phố kết nối đến cảng cũng chưa hoàn thiện. Trong khi đó, phí sử dụng đường cao tốc Hải Phòng - Hà Nội đoạn Đình Vũ - QL10 cao nên các xe chở hàng container hạn chế đi vào cao tốc.

Tại khu vực miền Nam, kết nối giao thông tới các cảng biển là hệ thống đường bộ, chủ yếu là các kết nối thông qua các quốc lộ. Trong khu vực này có nhiều cảng biển nằm sâu trong đất liền. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho việc trung chuyển hàng hóa, nhưng cũng tạo áp lực lớn về giao thông kết nối. Khu vực các cảng biển thường xuyên bị ách tắc bởi các xe trọng tải lớn.

Để giải quyết vấn đề này, cần tập trung đầu tư các tuyến kết nối với các cảng biển như đường cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các tuyến đường đô thị TP Hồ Chí Minh. Cùng đó, cần kết hợp với các giải pháp quy hoạch di dời cảng ra khỏi khu vực dân cư, đô thị.

Hoàn thiện hạ tầng kết nối với cảng biển

Theo Dự thảo quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhiều cảng biển lớn từng được kết nối với đường sắth như cảng Cửa Lò, cảng Sông Hàn, cảng Quy Nhơn, cảng Sài Gòn. Hiện tại, chỉ có 2 cảng biển có nhánh đường sắt kết nối trực tiếp đến là cảng Hải Phòng (khu bến Hoàng Diệu), cảng Cái Lân (Quảng Ninh).

Dù vậy, theo đánh giá của Bộ GTVT, nhánh đường sắt vào cảng Hải Phòng chỉ là khu bến Hoàng Diệu, hiện không còn là khu bến có khối lượng hàng thông qua lớn nhất do chủ trương di dời và hạn chế tĩnh không của cầu Bạch Đằng. Đồng thời đường sắt cũng chưa ra đến cầu cảng. Chiều dài đoạn đường cũng ngắn, không hiệu quả. Khu bến Đình Vũ, Chùa Vẽ có khối lượng hàng thông quan lớn hơn nhưng chưa có đường sắt kết nối. Phương án kết nối kéo dài đường sắt từ cảng Hải Phòng ra Chùa Vẽ, Đình Vũ không khả thi do hạn chế về không gian và giao cắt với đường bộ, đồng thời cũng không phù hợp với quy hoạch không gian của thành phố.

Với đường thủy nội địa, hiện nay đã cơ bản hình thành các tuyến đường thủy kết nối tới các cảng biển. Thế nhưng, hiện trạng các tuyến này chưa đạt tới cấp yêu cầu làm ảnh hưởng tới cỡ tàu khai thác cũng như lượng hàng thông qua.

Ngoài ra, việc liên kết giữa kết cấu hạ tầng cảng biển với đường thủy còn tồn tại bất cập là chưa xây dựng đầy đủ được các bến thủy nội địa trong vùng nước cảng biển nhằm phục vụ việc gom và rút hàng tại các cảng biển. Do đó, cần bổ sung thêm nhiều các bến thủy nội địa nằm trong vùng nước cảng biển. Hy vọng rằng sau khi Bộ GTVT ban hành quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, bến phao, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thì vấn đề hạ tầng kết nối với cảng biển sẽ được đầu tư mạnh mẽ.

Đọc thêm