Nỗ lực ổn định thị trường xăng dầu trước áp lực giá và nguồn cung trong năm 2022

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Năm 2022 là năm đầy biến động đối với thị trường xăng dầu. Giá xăng tại thị trường trong nước ghi nhận tới 16 lần tăng giá, giảm 14 lần, có thời điểm vượt mốc 30.000 đồng/lít.
Thị trường xăng dầu đã trải qua một năm "dị biệt" chưa từng có. (Ảnh minh họa)
Thị trường xăng dầu đã trải qua một năm "dị biệt" chưa từng có. (Ảnh minh họa)

Nguồn cung dán đoạn, giá tăng cao

Năm 2022 cũng ghi nhận thị trường dầu mỏ nói chung và thị trường sản phẩm xăng dầu nói riêng biến động hết sức dị thường sau hàng chục năm. Mặc dù giá dầu thô không cao như các năm trước đây nhưng giá sản phẩm xăng dầu, đặc biệt mặt hàng diesel tăng cao đỉnh điểm. Đây là biến động rất khó lường với một biên độ giá lên rất cao trong khoảng thời gian rất ngắn.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá xăng dầu liên tục tăng cao nhưng từ tháng 7 đến tháng 10, giá liên tục đi xuống với biên độ cao. Thực tế là giá vốn cao còn giá bán ở mức thấp đã khiến các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bị lỗ kéo dài, dẫn tới thiếu hụt xăng dầu cục bộ.

Ngoài ra, nhu cầu hồi phục sau dịch COVID-19 của Việt Nam cũng rất lớn với sản lượng tiêu thụ xăng dầu tăng cao. Trong khi đó, dự báo sản lượng xăng dầu từ đầu năm của doanh nghiệp lại thấp.

Đến giữa năm việc cung ứng xăng dầu vẫn chưa thể trở lại trạng thái bình thường. Tại thị trường phía Nam, miền Tây, nguồn cung xăng dầu trở nên căng thẳng khi tình trạng các cây xăng đồng loạt treo biển hết xăng, hình ảnh người dân đứng xếp hàng dài tại các cây xăng. Sau đó, tình hình này lan ra cả Hà Nội và một số tỉnh thành phía Bắc. Cảnh tượng này thật khó có thể tưởng tượng nổi với một đất nước xuất khẩu dầu mỏ và mở cửa ở mức độ sâu rộng như Việt Nam.

Hơn thế nữa, trong năm 2022, tình trạng lộn xộn trong cấp phép, kinh doanh xăng dầu lần đầu tiên bộc lộ những yếu điểm gây tác động lớn đến đời sống người dân và hoạt động của doanh nghiệp trên toàn quốc khi tình trạng đứt gãy nguồn cung kéo dài trong nhiều tháng liên tiếp ở các tỉnh, thành phố.

Những vi phạm về cung ứng, dự trữ xăng dầu cũng như những vấn đề bất cập liên quan đến chi phí, chiết khấu cho doanh nghiệp xăng dầu cũng phát lộ.

Đơn cử, Công ty TNHH thương mại và du lịch Xuyên Việt Oil có địa chỉ tại TP.HCM, trong 3 tháng đầu năm 2022 có tổng khối lượng thực tế nhập khẩu với xăng là 26.950m3; dầu các loại là 282.320m3/tấn. Lượng nhập trên thấp hơn nhiều so với hạn mức nhập khẩu tối thiểu được phân giao là 30.000m3 với xăng; 400.000m3/tấn với dầu.

Công ty TNHH thương mại và dịch vụ tổng hợp Hòa Khánh là doanh nghiệp xăng dầu lớn tại Đà Nẵng, tổng khối lượng thực tế nhập khẩu cả xăng và dầu đều bằng 0, trong khi hạn mức nhập khẩu tối thiểu được phân giao là 6.000m3/tấn với xăng, dầu các loại.

Công ty Xuyên Việt Oil thì chỉ đáp ứng dự trữ 1 ngày với xăng và không có dự trữ với dầu. Đáng chú ý là tình trạng này cũng thường xuyên xảy ra với những doanh nghiệp này ở những năm trước, khi lượng dự trữ thực tế chỉ đạt được vài ngày…

Nỗ lực từ phía cơ quan chức năng

Để góp phần bình ổn thị trường xăng dầu trong nước, trong năm qua, Bộ Công Thương đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu như: chỉ đạo các thương nhân sản xuất xăng dầu và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu tăng lượng nhập khẩu và mua từ nguồn sản xuất trong nước để bảo đảm duy trì nguồn cung xăng dầu cung ứng cho thị trường; tăng công suất sản xuất tối đa có thể để cung ứng cho thị trường (đối với các thương nhân sản xuất).

Bộ này cũng kiến nghị Bộ Tài chính điều chỉnh các chi phí trong giá cơ sở xăng dầu cho phù hợp với thực tế phát sinh tại doanh nghiệp, đảm bảo doanh nghiệp hoạt động ổn định cung ứng xăng dầu cho thị trường.

Chính phủ cũng đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 2 Nghị quyết để giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn áp dụng trong năm 2022. Với xăng, dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay, dầu hỏa) và giảm 70% mức thuế BVMT đối với dầu hỏa, áp dụng từ ngày 1/4/2022 đến hết ngày 10/7/2022.

Tiếp đó, Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 được thông qua ngày 6/7/2022 quy định giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn xuống bằng mức sàn trong Biểu khung thuế, áp dụng từ ngày 11/7/2022 đến hết ngày 31/12/2022.

Khi thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15, giá xăng dầu trong nước đã có sự điều chỉnh giảm 2 kỳ liên tiếp so với kỳ điều hành liền trước. Tính chung trong tháng 4/2022, việc điều chỉnh giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đã làm giá xăng dầu giảm 0,59% so với tháng 3/2022.

Sau đó khi thực hiện giảm mức thuế BVMT đối với xăng, dầu, mỡ nhờn theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15, giá xăng dầu trong nước đã có nhiều kỳ giảm liên tiếp, trong đó ngay tại kỳ điều hành ngày 11/7/2022 khi Nghị quyết 20 có hiệu lực thì giá xăng dầu trong nước đã giảm sâu.

Tính chung, trong năm 2022, giá xăng dầu trong nước đã có 16 lần điều chỉnh tăng giá, 14 lần điều chỉnh giảm giá và 1 lần giữ nguyên mức giá bán lẻ.

Nhìn lại câu chuyện xăng dầu của năm 2022, Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên thừa nhận: Thị trường hàng hóa trong nước cũng chịu tác động của thị trường thế giới, giá một số hàng hóa nhất là các mặt hàng nhóm năng lượng, xăng dầu… có xu hướng tăng theo giá hàng hóa thế giới đã gây ảnh hưởng đến sức mua của toàn thị trường.

Thị trường xăng dầu vẫn diễn biến phức tạp. Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu chịu ảnh hưởng lớn từ biến động giá cả xăng dầu thế giới trong việc đảm bảo nguồn cung trên thị trường.

Theo vị Bộ trưởng, với các giải pháp được triển khai, đến hết 2022, thị trường xăng dầu đã không còn lâm cảnh thiếu hụt. Tuy nhiên, những rủi ro vẫn còn hiện hữu trong năm 2023.

Định hướng thị trường xăng dầu trong năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, sẽ phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước, đảm bảo các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc phương án nhập khẩu bổ sung đã được phân giao để bù đắp nguồn hàng thiếu hụt, không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh, bảo đảm an ninh năng lượng, không để xảy ra thiếu hụt nguồn cung trong mọi tình huống.

Tại kỳ điều chỉnh xăng dầu sắp tới, theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương), Liên Bộ Công Thương - Tài chính sẽ điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu vào ngày 1/2 thay vì ngày 21/1 như thường lệ.

Do kỳ điều hành xăng dầu ngày 21/1, trùng vào ngày nghỉ Tết Quý Mão (tức 30 tháng Chạp) nên theo quy định sẽ được lùi sang 1/2/2023.

Hiện, giá xăng bán lẻ như sau: Xăng E5RON92 có giá 21.352 đồng/lít; Xăng RON95-III có giá 22.154 đồng/lít; Dầu diesel 0.05S có giá 21.634 đồng/lít; Dầu hỏa có giá 21.809 đồng/lít; Dầu mazut 180CST 3.5S có giá 13.366 đồng/kg.

Đọc thêm