Tạo thuận lợi cho người dân
Tại Hà Nội, kết quả công tác Tư pháp năm vừa qua đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động chỉ đạo, điều hành của chính quyền Thành phố, góp phần tích cực trong xây dựng và phát triển mọi mặt của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Trong đó phải kể đến những kết quả nổi bật trong công tác PBGDPL như: đã tuyên truyền, phổ biến pháp luật phục vụ bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; tích cực chỉ đạo tham gia Cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND” do Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Quốc hội tổ chức. Kết quả: TP. Hà Nội là đơn vị đứng thứ nhất cả nước về số lượng người tham gia dự thi với 97.203 người tham gia.
Sở Tư pháp đã tham mưu UBND TP.Hà Nội tăng cường tuyên truyền chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm pháp luật trong phòng chống dịch bệnh, tổ chức cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật về phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thu hút hơn 1 triệu người dự thi. Cùng với đó là các hoạt động hưởng ứng Ngày pháp luật bằng nhiều hình thức thiết thực.
Đặc biệt, theo chia sẻ của Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP.Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong thực hiện các thủ tục hành chính (TTHC), các quận, huyện trên địa bàn tiếp tục duy trì thực hiện tốt phần mềm đăng ký khai sinh điện tử có kết nối với hệ thống cấp số định danh cá nhân cho trẻ em ngay khi đăng ký khai sinh. Thực hiện Đề án liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hưởng chi phí mai táng/hưởng mai táng phí, kết quả đã giải quyết hơn 35.000 trường hợp.
Đối với việc cấp phiếu LLTP, năm 2021, Sở đã giải quyết xong và cấp 46.726 phiếu LLTP, trong đó, hồ sơ tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ bưu chính và trực tuyến chiếm 84%. Hiện Sở đang tham mưu cho Thành phố nghiên cứu xây dựng đề án thí điểm về việc thực hiện thí điểm cơ chế “Giao doanh nghiệp bưu chính công ích thực hiện việc tiếp nhận, hướng dẫn, số hóa, trả kết quả giải quyết hồ sơ LLTP”.
Ngoài ra, Thành phố đang xây dựng, triển khai các đề án: Đề án thực hiện thí điểm liên thông thủ tục công chứng, đăng ký quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất và thuế; Đề án liên thông thủ tục hành chính đăng ký nuôi con nuôi trong nước – cấp phiếu lý lịch tư pháp và Đề án phát triển Văn phòng Thừa phát lại trên địa.
Năm 2022, Lãnh đạo Sở cho biết sẽ tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, bám sát chỉ đạo của Bộ Tư pháp và Thành ủy, triển khai nhiệm vụ công tác theo phương châm “5 rõ” và hướng mạnh về cơ sở. Chú trọng thực hiện tốt công tác giải quyết TTHC, phục vụ công dân, triển khai hiệu quả công tác PBGDPL, trợ giúp pháp lý, thực hiện nghiêm công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, qua đó giúp người dân tin tưởng, đồng thuận với các hoạt động, công tác quản lý điều hành của các cơ quan nhà nước. Kiện toàn, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của Ngành tư pháp; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông, đơn giản hóa các thủ tục hành chính; xây dựng, nâng cao tỷ lệ Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4; xây dựng CSDL trong các lĩnh vực công tác của Ngành…
Còn tại Bắc Ninh, năm vừa qua UBND tỉnh đã tiếp tục tăng cường chỉ đạo toàn diện công tác tư pháp, pháp chế nhằm triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước liên quan đến cải cách tư pháp, cải cách hành chính, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật... Cùng với đó là sự nỗ lực, chủ động đổi mới trong thực hiện các nhiệm vụ của các cán bộ, công chức Sở Tư pháp tỉnh nên công tác tư pháp đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Trong đó phải kể đến việc các Sở, ngành, UBND các cấp đẩy mạnh việc rà soát, đơn giản hóa TTHC; thực hiện đơn giản hóa thành phần hồ sơ và cắt giảm thời gian giải quyết TTHC.
Theo nhấn mạnh của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Bắc Ninh Hồ Nguyên Hồng, việc ứng dụng công nghệ thông tin ngày càng được quan tâm và tăng cường, đáp ứng một phần công tác chỉ đạo, điều hành. Sở đã đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các TTHC, 100% TTHC của Sở được thực hiện tại Trung tâm hành chính công tỉnh, trong đó có 3 TTHC mức độ 3 và 74 TTHC mức độ 4. Cùng với đó, cán bộ của Sở tích cực hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện các TTHC trực tuyến hoặc tại Trung tâm Hành chính công tỉnh. Từ 01/01/2021 đến hết ngày 15/11/2021 Sở đã tiếp nhận và trả kết quả trước và đúng thời hạn 8.323 hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở. Từ 01/10/2021, thực hiện việc cấp phiếu LLTP theo cơ chế “5 tại chỗ” tại Trung tâm Hành chính công tỉnh.
Đóng góp vào sự phát triển của địa phương
Là một trong những tỉnh phía Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh nhưng Sở Tư pháp Bình Dương đã có nhiều mô hình, giải pháp nhằm đơn giản hoá các thủ tục, giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp như phiên dịch mẫu Tờ khai yêu cầu cấp phiếu LLTP song ngữ Việt-Anh và Việt-Trung, xây dựng các clip hướng dẫn đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến; gửi mail hướng dẫn đăng ký cấp phiếu LLTP trực tuyến đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh…
Bên cạnh đó, Sở cũng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ với việc xây dựng, duy trì, khai thác, sử dụng, quản lý 21 phần mềm ứng dụng chuyên ngành trong quản lý các lĩnh vực công tác tư pháp; ứng dụng chữ ký số cá nhân; thực hiện trao đổi 100% văn bản điện tử (trừ văn bản mật), đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt thông qua việc thanh toán trực tiếp tại quầy một cửa và thanh toán qua Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Do ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19, năm vừa qua là một năm phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức với tất cả các ngành trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh, trong đó có công tác tư pháp. Tong năm tới, để tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội, với chức năng tham mưu giúp UBND TP quản lý nhà nước trong hoạt động bổ trợ tư pháp trên địa bàn, Sở Tư pháp đã yêu cầu các tổ chức hành nghề công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, thừa phát lại, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại… căn cứ tính chất hoạt động chuyên môn để xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch, phương án tại đơn vị. Thường xuyên tự đánh giá, tổ chức thực hiện Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động an toàn trong phòng, chống dịch tại các Văn phòng làm việc của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ trên địa bàn TP.Hồ Chí Minh. Chủ động thực hiện các biện pháp quản lý điều hành cần thiết, sắp xếp nhân sự hợp lý, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận yêu cầu, hồ sơ; thực hiện công khai thông tin rộng rãi để người dân, doanh nghiệp biết, lựa chọn thời gian, cách thức nộp hồ sơ phù hợp; chủ động thu xếp lịch hẹn giải quyết, trả kết quả hồ sơ tránh tình trạng tập trung đông người…
Tại Tuyên Quang, kết quả công tác tư pháp năm vừa qua trên các lĩnh vực hầu hết đều đảm bảo yêu cầu về chất lượng, hiệu quả, như: Tiếp tục thực hiện và tham mưu với chính quyền tỉnh thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Luật ban hành VBQPPL; 100% văn bản thẩm định đảm bảo tiến độ, chất lượng. Công tác PBGDPL được triển khai có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả hoạt động hòa giải ở cơ sở được duy trì, nâng cao, tỷ lệ hòa giải thành tăng. Công tác xử lý thông tin, lập hồ sơ LLTP và cấp phiếu LLTP được xử lý dứt điểm, kịp thời. Công tác quản lý nhà nước về hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp, xử lý vi phạm hành chính tiếp tục được tăng cường.
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh được triển khai thường xuyên, hiệu quả. Công tác cải cách hành chính trong lĩnh vực tư pháp tiếp tục được đẩy mạnh, năm 2020 chỉ số cải cách hành chính của Sở Tư pháp đạt 98,65%, là năm thứ 7 liên tục dẫn đầu các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý nhà nước thuộc UBND tỉnh.
Trong năm 2022, Giám đốc Sở Tư pháp Tuyên Quang Nguyễn Thị Thược cho biết ngành Tư pháp của tỉnh sẽ tập trung tham mưu giúp chính quyền địa phương hoàn thiện hệ thống pháp luật; kịp thời thể chế hóa và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ trong đó chú trọng vào các vấn đề liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành Tư pháp. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa VBQPPL; hoàn thiện, nâng cao chất lượng Cơ sở dữ liệu VBQPPL của tỉnh để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiếp cận, tìm hiểu, áp dụng pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và công tác quản lý hệ thống pháp luật của cơ quan nhà nước.
Tham mưu UBND tỉnh ban hành và tổ chức triển khai có hiệu quả Kế hoạch thực hiện Chương trình và các Đề án về PBGDPL giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và chất lượng các dịch vụ công trong lĩnh vực hành chính tư pháp, bổ trợ tư pháp. Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác chỉ đạo, điều hành của Sở/Ngành Tư pháp; xây dựng, nâng cấp, triển khai và duy trì các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và phần mềm ứng dụng; ưu tiên tập trung nguồn lực triển khai các nhiệm vụ trọng tâm của Sở/Ngành tư pháp.