Nỗ lực xóa bỏ linh vật ngoại lai khỏi văn hóa Việt

(PLO) - Từ những năm 2014, ngành Văn hóa Việt Nam đã phải nỗ lực để “loại trừ” các linh vật ngoại lai ra khỏi các di tích. Bằng chứng là hàng năm các cơ quan chức năng và các nhà văn hóa đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm về các linh vật Việt nhằm mục đích giải mã ý nghĩa văn hóa của các linh vật cũng như xóa bỏ linh vật ngoại lai ra khỏi đời sống tinh thần văn hóa của người Việt.
Linh vật Việt được xuất hiện trong triển lãm mang tính ứng dụng cao và được nhiều người ưa chuộng.

Linh vật của người Việt dường như đã bị lãng quên

Nhằm góp phần làm rõ hơn nữa về linh vật Việt, mới đây, trong khuôn khổ kỷ niệm Ngày Di sản văn hóa Việt Nam, tại Bảo tàng Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội, Hội Di sản văn hóa Việt Nam đã phối hợp triển lãm “Linh vật Việt” và tọa đàm về chủ đề này.

Từ xưa đến nay, linh vật được xem như một phần “linh hồn” của nghệ thuật tạo hình nước Việt. Và dường như từ trong tâm thức, người Việt cũng coi các linh vật là “hiện thân” của những con vật huyền thoại hoặc có thật được thần linh hóa. Để rồi từ đó, con người sáng tạo, sử dụng nó như một ý tưởng văn hóa để truyền đạt ý tưởng, niềm tin tâm linh và tín ngưỡng, tôn giáo.

Linh vật trong nghệ thuật tạo hình Việt Nam có nhiều loại như: Rồng, phượng, nghê, lân, sư tử, hổ, ngựa, voi, chó, rùa, cá… Mỗi linh vật trong quá trình hình thành, phát triển vừa thể hiện bản sắc riêng phù hợp với truyền thống văn hóa, vừa mang đặc điểm, phong cách nghệ thuật đặc trưng riêng của mỗi thời kỳ... Chính vì lẽ đó, trong triển lãm lần này còn trưng bày các sản phẩm tượng linh vật Việt do các nhà điêu khắc, nghệ nhân của Hà Nội phục dựng và sáng tạo trong thời gian qua.

Tại triển lãm trong khuôn khổ buổi tọa đàm, bà Bùi Hương Thủy - Phó Trưởng Phòng Quản lý di sản Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội phát biểu: “Ở thời điểm hiện tại, hệ thống tranh tượng, phù điêu tại các di tích hoặc các bộ sưu tập tư nhân vẫn còn lưu giữ khá nhiều hình ảnh các linh vật. Tuy nhiên, những năm qua, do có sự hội nhập mạnh mẽ với thế giới, những biểu tượng linh vật của người Việt dường như đã bị lãng quên trong đời sống xã hội, để thay vào đó là các sản phẩm biểu tượng linh vật ngoại lai, không phù hợp với thuần phong mỹ tục”.

Đưa linh vật đến gần với người Việt

Hưởng ứng Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam, Phòng Quản lý di sản - Bảo tàng Hà Nội, nhóm Đình làng Việt tổ chức triển lãm “Linh vật Việt” giới thiệu hơn 200 hình ảnh linh vật sưu tầm tại các di tích kết hợp với hiện vật của Bảo tàng Hà Nội và các sản phẩm phục dựng linh vật do nghệ nhân, nhà điêu khắc của Hà Nội thực hiện.

Với lối trưng bày sinh động, hiện đại, kết hợp với tương tác 3D về linh vật, triển lãm tạo được ấn tượng và hấp dẫn người xem. Đồng thời, triển lãm cũng đã giới thiệu những linh vật có sáng tạo, mang tính ứng dụng cao của giới chuyên môn, điều đó dường như đáp ứng nhu cầu của người dân trong thời buổi hiện đại. Qua đó, các chuyên gia cũng bày tỏ mong muốn linh vật Việt sẽ trở nên gần gũi và truyền tải thông điệp về linh vật Việt chính là sự lựa chọn hàng đầu đời sống tâm linh hiện tại của người Việt, để dần dần thay thế cho những mẫu vật ngoại lai, phi bản sắc đang “trà trộn” trong văn hóa linh vật Việt góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trước đó, tháng 8/2014, Bộ VH-TT&DL ban hành Công văn số 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Chính vì lẽ đó, thời gian qua cùng với các địa phương cả nước, ngành di sản của Thủ đô đã vào cuộc mạnh mẽ tuyên truyền vận động người dân không sử dụng biểu tưởng linh vật không phù hợp, thực hiện nghiêm túc Luật Di sản văn hóa tại các di tích. 

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ trong suốt nhiều năm qua, sự tiến bộ trong mỗi lần triển lãm và giới thiệu linh vật Việt đến với công chúng nhằm tăng sự ưa chuộng và lựa chọn linh vật Việt để gắn bó với đời sống tinh thần của dân tộc. Và hơn tất cả, qua mỗi cuộc triển lãm và giới thiệu linh vật Việt chúng ta đã góp phần nâng cao hơn nữa nhận thức của cộng đồng về những linh vật đặc biệt trong đời sống văn hóa.

Đọc thêm