Nở rộ lừa đảo đặt phòng: Ai bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời gian vừa qua, không ít du khách bức xúc lên tiếng về việc bị lừa khi đặt phòng qua mạng thông qua các ứng dụng và không nhận được sự trợ giúp gì từ phía đơn vị có trách nhiệm.
Một homestay tại Đà Lạt bị “mượn” ảnh để lừa đảo du khách thuê phòng.
Một homestay tại Đà Lạt bị “mượn” ảnh để lừa đảo du khách thuê phòng.

Mất tiền đặt phải phòng “ảo”

Mới đây, anh H, ngụ tại TP HCM đã lên tiếng bức xúc khi bị lừa đặt phòng trên một ứng dụng, sau đó bị “đem con bỏ chợ”, mất số tiền không nhỏ mà không nhận được câu trả lời thỏa đáng.

Theo anh H chia sẻ, dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, dự định đưa gia đình đi Đà Lạt nên anh đã lên web Hotels.com đặt Villa Tico Đà Lạt với 6 phòng ngủ 3 đêm với giá 17.550.000 đồng cho cả gia đình từ mùng 3 đến mùng 6 Tết. Sau đó anh đã thanh toán liền và nhận được xác nhận đặt phòng thành công. Ngày mùng 3 lên đến Đà Lạt, anh Hải tìm đến địa chỉ có khách sạn nói trên nhưng không thể nào tìm được, dù đã chạy xe nhiều vòng suốt cả con đường.

Gọi điện thoại đến đơn vị thầu villa cho thuê là T.T, anh Hải nhận được câu trả lời rằng đơn vị này đã trả lại cho chủ nhà từ lâu, đồng thời hiện nay không hề làm việc với phía ứng dụng đặt hàng Hotels.com nói trên và yêu cầu anh Hải liên lạc với Hotels.com để giải quyết vấn đề giữa hai bên.

Tuy nhiên, nhiều lần liên lạc với Hotels.com, anh Hải không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Đơn vị này không có số điện thoại cũng như trụ sở tại Việt Nam để liên lạc. Trả lời email, Hotels.com nói chung chung rằng nếu anh Hải liên lạc với khách sạn cho thuê và nếu phía bên kia đồng ý trả lại tiền thì Hotels.com sẽ tiến hành hoàn trả.

Trong khi đó, bản thân đơn vị “mang tiếng” cho thuê là T.T lại trả lời mình không hề đăng tải thông tin cho thuê phòng, không nhận tiền từ anh Hải. Chính vì thế, số tiền của anh Hải dường như “bốc hơi”, không ai nhận trách nhiệm xử lý cho anh.

Cũng mới đây, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long đã lên mạng “bóc phốt” một ứng dụng chuyện đặt phòng vì đã không có động thái hỗ trợ anh khi anh bị lừa đảo đặt phòng thông qua ứng dụng này.

Theo đó, anh Nguyễn Ngọc Long có đặt một khách sạn ở Đà Lạt nghỉ qua đêm, nhưng sau khi thanh toán, đến địa chỉ thì cũng không... tìm ra khách sạn vì căn nhà trong địa chỉ đã bỏ hoang lâu rồi. Liên lạc với ứng dụng này qua hotline, anh Long nhận được lời hứa hẹn sẽ “kiểm tra”, sau đó là những tin nhắn tự động.

Anh Long và người nhà phải tự lặn lội tìm phòng khác và nhận được cuộc gọi hỗ trợ từ Traveloka sau... 6 ngày, đề nghị cùng “giải quyết” bằng cách hoàn tiền. Theo anh Long, vấn đề là anh đã không nhận được sự trợ giúp có trách nhiệm ngay ở thời điểm cần thiết.

Giải quyết thế nào?

Thời điểm du lịch bùng nổ từ Tết Nguyên đán cho đến nay, không ít khách hàng phản hồi câu chuyện bị lừa đảo đặt phòng. Nhiều trường hợp, các trang Facebook giả mạo được lập ra, lấy hình ảnh từ các khách sạn khác để câu khách, dùng các chiêu trò giảm giá để khách đặt phòng, thanh toán trước, sau đó... không hề có khách sạn nào tồn tại ở địa chỉ nói trên cả.

Dịp Tết vừa qua, ông Lê Anh Kiệt - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin Đà Lạt cho biết, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng đã nhận được 2 đơn trình báo của du khách về việc bị lừa đảo đặt phòng Đà Lạt qua một quảng cáo trên Facebook, tổng số tiền của hai khách bị lừa đảo là hơn 7 triệu đồng. Sự việc tương tự cũng từng xảy ra vào các mùa Tết trước đó.

Nguy hiểm hơn là các hình thức lừa đảo đặt phòng thông qua các ứng dụng đặt phòng đã kể trên. Bởi hầu hết các ứng dụng này đều phổ biến, giao dịch nhiều, dẫn đến khách hàng tin tưởng và sẵn sàng đặt cọc hàng chục, vài chục triệu để nhận được căn phòng như ý ở những thời điểm cao điểm. Việc các ứng dụng này chậm trễ hoặc “phủi tay” trong việc hỗ trợ khách hàng đã khiến khách hàng thiệt thòi, ảnh hưởng nhiều về vật chất lẫn tinh thần.

Theo các chuyên gia, khi đặt phòng trên các nền tảng mạng xã hội không chuyên về giao dịch phòng ở như Facebook, khách hàng cần cẩn thận kiểm tra chéo kĩ lưỡng xem thực sự phòng ở có thật, uy tín hay không bằng cách dùng công cụ tìm kiếm hình ảnh trên Google xem hình ảnh có phải “chính chủ”.

Việc đặt phòng thông qua các ứng dụng chuyên nghiệp từ trước đến nay được coi là “an toàn” hơn, nhưng thời gian qua đã lộ diện một số bất cập. Theo đó, nếu khách sạn đánh mất tài khoản trên ứng dụng đặt phòng, để kẻ gian lợi dụng, hoặc khách sạn đã ngưng hoạt động nhưng chính chủ hoặc nhân viên lợi dụng lừa đảo khách hàng, thì người thuê phòng cũng dễ dàng bị rơi vào bẫy.

Đáng ra, là đơn vị đăng tải thông tin cho thuê, nhận hoa hồng từ tiền thuê phòng, thì các ứng dụng phải chịu trách nhiệm chăm sóc, hỗ trợ và xử lý sự cố cho khách hàng, nhưng như đã thấy, khi có sự cố, một số đơn vị đã chọn cách bỏ rơi khách hàng của mình. Nếu ứng dụng đặt phòng của nước ngoài, không có trụ sở hoặc văn phòng đại diện trong nước, thì người thuê phòng gặp sự cố cũng khó mà biết kêu ai.

Chính vì thế, lời khuyên được đưa ra là người thuê phòng nên cân nhắc khi chọn thuê, kiểm tra thông tin, cảnh giác với những mức giá cho thuê rẻ bất ngờ so với thị trường, và nếu được, nên chọn phương án nhận phòng thanh toán để giảm thiểu các rủi ro có thể xảy ra.

Đọc thêm