'Nở rộ' nhiều thủ đoạn lừa đảo qua mạng xã hội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Dù liên tục được Cơ quan chức năng tuyên truyền, cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng nhưng gần đây, số người, số vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng vẫn tăng cao.
Với thủ đoạn lừa đảo của mình Sang và đồng bọn đã chiếm đoạt tài sản của 03 bị hại với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. (Ảnh chụp trước 27/4/2021)
Với thủ đoạn lừa đảo của mình Sang và đồng bọn đã chiếm đoạt tài sản của 03 bị hại với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. (Ảnh chụp trước 27/4/2021)

Thời gian vừa qua, trên địa bàn TP Huế xảy ra nhiều vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức yêu cầu bị hại cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng đặc biệt là mật khẩu và mã OTP. Mặc dù thủ đoạn không mới và đã được các phương tiện thông tin đại chúng cảnh báo nhưng nhiều bị hại thiếu cảnh giác vẫn bị các đối tượng lợi dụng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, vào ngày 17/7/2021, chị Nguyễn Thị T (SN 1992, trú tại phường An Đông, TP Huế) bán vé máy bay thông qua mạng xã hội facebook. Sau đó, đối tượng đã dùng một tài khoản facebook liên hệ chị T đặt mua vé. Khi 2 bên thỏa thuận mua vé, đối tượng yêu cầu chị T cung cấp thông tin tài khoản và mã OTP để chuyển khoản thanh toán, chị T làm theo và ngay lập tức tài khoản của chị bị trừ 13,5 triệu đồng.

Với thủ đoạn này, chị Nguyễn Thị Dư B (SN 2003, trú tại phường Phú Hậu, TP Huế) là người kinh doanh quần áo trên facebook. Đối tượng đã dùng tài khoản facebook đặt mua áo quần và yêu cầu chị B cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng để thanh toán dưới hình thức chuyển khoản.

Sau đó, đối tượng đã chuyển cho chị 1 đường link và hướng dẫn chị nhập thông tin tài khoản ngân hàng để thanh toán. Do tin tưởng, chị B đã nhập thông tin tài khoản ngân hàng vào đường link và cung cấp mã OTP cho đối tượng, chỉ trong tích tắc, tài khoản của chị đã bị mất số tiền 5,3 triệu đồng.

Đặc biệt, trong 06 tháng đầu năm 2021, số lượng các vụ lừa đảo trên không gian mạng có xu hướng gia tăng. Công an TP Huế đã tiếp nhận 33 đơn tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn này. Số tiền các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng.

Bị hại tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với Cơ quan công an.

Bị hại tố giác hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với Cơ quan công an.

Trung tá Lê Ngọc Minh - Đội trưởng Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Huế cho biết: Thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng thực ra không mới, nhưng do cả tin, thiếu hiểu biết nên nhiều người dân vẫn “sập bẫy". Đáng nói là tội phạm có rất nhiều thủ đoạn khác nhau. Có thể nói ngoài thực tế có những thủ đoạn lừa đảo nào thì ở trên mạng cũng y như vậy. Thậm chí thủ đoạn của tội phạm mạng còn tinh vi hơn.

Tương tự, bằng thủ đoạn giả danh người thân, trong tháng 3/2021, Công an TP. Huế phá chuyên án 321L, bắt Nguyễn Minh Vũ (SN 1990) và Hoàng Thanh Sang (SN 2000) cùng trú tại tỉnh Quảng Trị với thủ đoạn hack facebook giả danh người thân của bị hại để nhận tiền từ nước ngoài gửi về.

Các đối tượng đã chuyển cho bị hại 1 đường link và yêu cầu nhập thông tin tài khoản, cung cấp mã OTP. Với thủ đoạn này Vũ và Sang đã chiếm đoạt tài sản của 03 bị hại với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.

Tang vật thu giữ của đối tượng Sang và Vũ.

Tang vật thu giữ của đối tượng Sang và Vũ.

Tháng 5/2021, Công an TP Huế phá chuyên án 521L bắt Nguyễn Đức Trung (SN 1995) và Nguyễn Đình Văn (SN 1995) cùng trú tại TP Đông Hà (tỉnh Quảng Trị) về hành vi sử dụng mạng xã hội facebook, zalo để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của 05 bị hại dưới hình thức đặt cọc để mua xe mô tô giá rẻ.

Một kiểu lừa khác là chiếm đoạt tài sản thông qua cho vay tín dụng, với thủ đoạn này các đối tượng sẽ kết bạn với nạn nhân thông qua facebook, zalo hoặc gọi điện thoại giả danh là nhân viên công ty tài chính, ngân hàng cho vay tín dụng với lãi suất ưu đãi hấp dẫn; sau đó yêu cầu bị hại nộp lệ phí làm hồ sơ vay để chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, một số trường hợp bị đối tượng hack facebook, zalo… chiếm quyền sử dụng; sau đó mượn tiền người quen rồi chiếm đoạt. Nhiều trường hợp đối tượng còn giả danh Công an, Viện kiểm sát, tòa án gọi điện thoại thông báo cho bị hại nói có liên quan đến vụ án, chuyên án đang điều tra để hù dọa làm cho người bị hại hoang mang, lo sợ để khai thác thông tin cá nhân.

Nguy hiểm hơn là thủ đoạn gửi quà từ nước ngoài về hoặc giữ giúp những tài sản có giá trị lớn. Khi bị hại nhận lời, sẽ có những cuộc gọi tự xưng là nhân viên hải quan, sân bay yêu cầu bị hại nộp các loại phí như phí dịch vụ, phí phát sinh trong quá trình vận chuyển từ nước ngoài về rồi sau đó chiếm đoạt.

"Để phòng ngừa các hoạt động lừa đảo qua mạng internet, mạng viễn thông, người dân cần cập nhập các phương thức, thủ đoạn mới của loại tội phạm này để cảnh giác. Hạn chế truy cập các trang web lạ, không chia sẻ thông tin, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản các dịch vụ trên internet. Đồng thời, báo ngay cho ngân hàng và Cơ quan Công an khi nhận thấy các dấu hiệu lừa đảo để phong tỏa tài khoản, ngăn ngừa đối tượng rút tiền, tẩu tán, đồng thời xác minh, làm rõ kẻ lừa đảo" - Trung tá Lê Ngọc Minh nhắn nhủ.

Đọc thêm