Sau một thời gian dài trì hoãn, cuối cùng phiên tòa xét xử những tội ác của chế độ diệt chủng Khmer Đỏ cũng diễn ra tại Campuchia vào cuối tháng 11 vừa qua.
Ba cựu quan chức cao cấp của tập đoàn tội ác này là Nuon Chea (Phó Chủ tịch đảng của Pol Pot), cựu Chủ tịch nước Khieu Samphan và cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ieng Sary bị cáo buộc phạm các tội ác diệt chủng, tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người. Hơn 30 năm sau ngày chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, công lý đang dần được đòi lại cho các nạn nhân của chế độ diệt chủng ghê tởm này.
Chân dung những sát nhân
Khi bị đưa ra xét xử lần này, cả 3 bị cáo đều đã ở độ tuổi xấp xỉ 80. Chúng là những sát nhân khét tiếng, đứng đầu cuộc diệt chủng làm chết và mất tích ít nhất 2,5 triệu người ở Campuchia (31% dân số Campuchia khi đó), chưa kể hàng ngàn người Việt Nam khác cũng phải chết thảm dưới bàn tay tội ác của chúng.
Nuon Chea, biệt danh “anh Hai,” được coi là “nhà tư tưởng” của Pol Pot. Đối tượng này từng giữ những chức vụ then chốt trong Chính phủ Campuchia dân chủ như Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội. Y là nhà đạo diễn “cánh đồng chết” Choeung Ek, nơi có ít nhất 20 ngàn người bị Khmer Đỏ thảm sát. Chính hắn trực tiếp chỉ đạo tra tấn và hành quyết những cán bộ bị tình nghi chống lại Pol Pot bị giam cầm ở nhà tù khét tiếng Toul Sleng (hay còn gọi là S-21).
Trong vòng 3 năm 8 tháng, chế độ Khmer Đỏ do Pol Pot và Nuon Chea cầm đầu đã giết hại khoảng 2,2 triệu người bằng cách bắt họ lao động đến kiệt sức, bỏ đói, hoặc hành quyết bằng những nhát cuốc bổ lên đầu và nhiều thủ đoạn giết người tàn bạo khác. Một trong những hành động tàn ác của Nuon Chea còn để lại dấu vết là hai ngày trước khi Khmer Đỏ sụp đổ, y đã ra lệnh giết hết tù nhân còn lại trong nhà tù S-21, kể cả trẻ em. Hơn 19 năm sau khi Khmer Đỏ sụp đổ, năm 1998 hắn đầu hàng Chính phủ Campuchia và năm 2007, y bị bắt với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và chống lại loài người.
Các bị cáo Nuon Chea, Khieu Samphan, Ieang Sary và Ieng Thirit. |
Khieu Samphan là nhân vật thứ 5 trong tập đoàn tội ác Khmer Đỏ. Y thường được gọi với biệt danh “anh Năm” và giữ chức Chủ tịch Chủ tịch đoàn nhà nước Campuchia Dân chủ. Y chính là một trong những tay chân đắc lực nhất của Pol Pot trong việc chỉ đạo các vụ diệt chủng ghê rợn. Tuy nhiên, cũng phải 19 năm sau khi chế độ Khmer Đỏ sụp đổ, Khieu Samphan mới đầu hàng Chính phủ Campuchia và mãi tới năm 2007 y mới bị bắt.
Ieng Sary là một nhân vật đầy quyền uy trong chế độ diệt chủng tại xứ Chùa Tháp. Ai cũng biết sau Pol Pot chính là Ieng Sary, do đó các nạn nhân đều coi hắn là kẻ đồng phạm với Pol Pot, là nhân vật số hai của Khmer Đỏ chịu trách nhiệm về tội ác của chế độ này.
Là người hoạch định chính sách diệt chủng, y chủ trương tàn sát Việt kiều, đánh phá giết hại người Việt ở biên giới Việt Nam - Campuchia, mà đỉnh điểm là vụ thảm sát Ba Chúc ở huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang). Chưa có vụ thảm sát nào, chưa có tội ác nào kinh hoàng và rùng rợn như thế. Vùng đất nhỏ bé này đã phải chịu đựng 30 lần tấn công của Khmer Đỏ.
Lũ sát nhân đã thảm sát 3.157 người Việt Nam vô tội từ ngày 18 - 30/4/1978, với đủ mọi cách giết người ghê tởm nhất. Ieng Sary từng bị Toà án Nhân dân Campuchia kết án tử hình vắng mặt năm 1979 nhưng y vẫn tự do sau khi đầu hàng chính phủ năm 1996. Năm 2007, hắn bị bắt với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.
Ngoan cố nhưng khó thoát tội
Tại tòa, cả 3 cựu quan chức Khmer Đỏ đều ngoan cố chối tội, tuy nhiên Trưởng công tố viên quốc tế người Anh, ông Andrew Cayley cho biết dù một số tài liệu đã bị hủy hoại qua năm tháng nhưng tòa đã có trong tay nhiều văn kiện, bằng chứng cho thấy cả 3 bị cáo này đều có liên quan trực tiếp đến những tội ác. Thủ lĩnh của Khmer Đỏ là Pol Pot đã qua đời, tuy nhiên ông Cayley cảnh báo: “3 bị cáo không thể đổ hết lỗi cho Pol Pot”.
Các tội ác đang được xem xét tại tòa là kết quả của một kế hoạch do các bị cáo và các thủ lĩnh Khmer Đỏ khác thực hiện một cách có tổ chức. Ông Cayley nhấn mạnh, phiên tòa này gửi đi một thông điệp mạnh mẽ trên khắp thế giới rằng "nếu người nào đưa một đất nước tới một thảm họa như đã từng xảy ra ở Campuchia, thì quá khứ sẽ không bao giờ buông tha người đó".
Trong khi đó, người phát ngôn của tòa án miêu tả đây là một mốc quan trọng trong lịch sử Campuchia. Các công tố viên cũng tuyên bố trước tòa rằng người dân Campuchia đã phải trải qua những "khổ đau cùng cực" dưới sự thống trị của chế độ Khmer Đỏ. Một công tố viên nhấn mạnh: "Khmer Đỏ đã biến Campuchia trở thành một trại nô lệ khổng lồ, biến cả một dân tộc trở thành những tù nhân sống trong một chế độ dã man mà đến tận ngày nay vẫn là điều khó tin. Khmer Đỏ đã cưỡng bức công dân lao động và tàn sát dã man các trí thức, các thành phần trung lưu cũng như bất cứ ai được cho là kẻ thù của chế độ này”.
Nhiều nhân chứng sống và cả những nạn nhân may mắn sống sót cũng đã tham dự phiên tòa với thái độ hết sức căm phẫn những bị cáo trên. Những người sống sót vẫn mang trong mình vết thương lòng không bao giờ có thể lành hoặc chữa khỏi. Dù luật sư bào chữa có nêu lý do về sức khỏe yếu của các bị cáo nhưng những người dự phiên tòa và hàng triệu người đang dõi theo phiên tòa đều mong muốn các bị cáo sẽ phải nhận những bản án thích đáng với hành động mà chúng gây ra.
Một điểm đáng chú ý của phiên xử lần này là các công tố viên đã mời một số nhân chứng là người từng bị bắt làm việc cho Khmer Đỏ và nay sẵn sàng đứng ra làm chứng về những tội ác của chế độ diệt chủng này. Việc mời những nhân chứng này sẽ càng phơi bày nhiều hơn nữa những tội ác ghê tởm của Khmer Đỏ và khiến các bị cáo khó có cơ hội chối tội.
“Sự công bằng của lịch sử”
Trong những ngày xét xử của phiên tòa đầu tiên này, các công tố viên đã trình bày toàn bộ hồ sơ vụ án, mặc dù tòa đã quyết định phân bổ làm nhiều phiên tòa nhỏ. Hiện tại, các bị cáo chỉ bị xét xử về tội cho cưỡng bức di dân và tội ác chống lại loài người. Theo các luật sư, việc phân ra từng hồ sơ như vậy có thể giúp nạn nhân có hy vọng đạt được bản án nhanh chóng. Thế nhưng trong khi đó có nhiều tội khác lại không được xử ngay, và không ai dám chắc những tội đó có được xử trong tương lai hay không.
Một số người thì lại lo ngại về tính khách quan của tòa án vì hiện có nhiều cựu thành viên Khmer Đỏ tham gia các cấp chính quyền ở Campuchia. Họ đặt vấn đề: “Tội diệt chủng của Khmer Đỏ còn tàn bạo hơn cả tội ác của Đức Quốc xã thời thế chiến II, song quá trình xét xử các nhân vật cầm đầu cuộc diệt chủng khủng khiếp tại Campuchia phải mất nhiều năm mới được tiến hành”. Năm 2006, tòa án xét xử các tội ác của Khmer Đỏ mới được LHQ và Campuchia phối hợp thành lập sau thời gian thương thảo kéo dài giữa hai bên, nhưng đến nay mới chỉ có một đối tượng bị xét xử và bị kết án 35 năm tù là Kaing Guek Eav (biệt danh Dutch, Giám đốc nhà tù khét tiếng Tuol Sleng).
Vì thế, phiên tòa xét xử các tội ác của Khmer Đỏ đã gặp nhiều chỉ trích vì sự chậm trễ. Truyền thông quốc tế có mặt tại Phnom Penh nhận xét "phần lớn các bị cáo đều già yếu, và người ta quan ngại rằng việc những tên này có thể qua đời khi mà phiên tòa còn dang dở.”
Đánh giá về Khmer Đỏ cũng như tội ác diệt chủng của chế độ này, trong buổi tiếp Đoàn đại biểu Hội hữu nghị Việt Nam - Campuchia mới đây, Thủ tướng Campuchia Hun Sen tuyên bố ủng hộ phiên tòa, coi “đây là sự công bằng của lịch sử, và công lý đang được thực thi ngày hôm nay bắt nguồn từ chiến thắng lịch sử ngày 7/1/1979, khi đó nhân dân Campuchia với sự giúp đỡ kịp thời của quân tình nguyện Việt Nam đã lật đổ chế độ diệt chủng Khmer Đỏ”. Thủ tướng Hun Sen đã cảm ơn Việt Nam giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ, đem lại sự hồi sinh cho nhân dân Campuchia.
Theo Pháp luật & Thời đại