Nghị quyết 28 nêu rõ sẽ sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí, đặc biệt là việc giảm số năm đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới chỉ còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp cho người lao động, tạo điều kiện cho người lao động cao tuổi có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
Nghị quyết yêu cầu thiết kế gói BHXH ngắn hạn cho 2 đối tượng sau: Gói BHXH ngắn hạn cho người tham gia BHXH tự nguyện, giúp họ linh hoạt lựa chọn tham gia và thụ hưởng.
Gói BHXH cho người lao động làm việc ở khu vực phi chính thức: Lao động phi chính thức thường mang đặc điểm là việc làm bấp bênh, không ổn định, thu nhập thấp, và đôi khi thời gian làm việc dài. Nhóm lao động này thường không ký hợp đồng lao động và khả năng được đóng BHXH rất hạn chế.
Do đó nghiên cứu thiết kế gói BHXH ngắn hạn với mức đóng, mức hưởng, phương thức giao dịch phù hợp với đối tượng này nhằm đẩy nhanh quá trình gia tăng số lao động tham gia BHXH trong khu vực phi chính thức
Theo Nghị quyết 28, từ năm 2021, thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu. Đối với những ngành nghề đặc biệt, người lao động được quyền nghỉ hưu sớm, hoặc muộn hơn 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu theo quy định chung.
Nghị quyết cũng đề ra việc sửa đổi quy định về mức đóng, căn cứ đóng BHXH. Theo đó, sẽ thay đổi quy định về căn cứ đóng BHXH của khu vực doanh nghiệp ít nhất khoảng 70% tổng tiền lương và các khoản thu nhập khác có tính chất lương của người lao động để khắc phục tình trạng trốn đóng, đóng không đủ BHXH, ảnh hưởng đến khả năng cân đối Quỹ BHXH và quyền lợi của người lao động.
Nghiên cứu điều chỉnh tỷ lệ đóng vào Quỹ BHXH theo hướng hài hòa quyền lợi giữa người sử dụng lao động và người lao động với mục tiêu mở rộng diện bao phủ BHXH.
Bên cạnh đó, thực hiện điều chỉnh lương hưu độc lập tương đối trong mối tương quan với tiền lương của người đang làm việc. Thực hiện điều chỉnh trợ cấp hưu trí xã hội theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước; lương hưu cơ bản được điều chỉnh chủ yếu dựa trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng, khả năng của Quỹ BHXH và ngân sách nhà nước; quan tâm điều chỉnh thỏa đáng đối với nhóm đối tượng có mức lương hưu thấp và nghỉ hưu trước năm 1995 nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch lương hưu giữa người nghỉ hưu ở các thời kỳ.
Ngoài ra, sẽ ưu tiên đầu tư vào trái phiếu chính phủ, nhất là trái phiếu chính phủ dài hạn; tăng cường công tác đánh giá, dự báo tài chính, hiệu quả đầu tư các quỹ BHXH; đa dạng hóa danh mục, cơ cấu đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững và hiệu quả; nghiên cứu từng bước mở rộng sang các lĩnh vực có khả năng sinh lời cao, từng bước và có lộ trình đầu tư một phần tiền nhàn rỗi của Quỹ thông qua ủy thác đầu tư tại thị trường trong nước và quốc tế bảo đảm an toàn, bền vững.
Nghị quyết 28 còn yêu cầu sửa đổi cách tính lương hưu theo hướng giảm tỷ lệ tích lũy, bảo đảm khả năng cân đối quỹ hưu trí trong dài hạn, phù hợp với thông lệ quốc tế. Có lộ trình điều chỉnh kéo dài thời gian tham gia BHXH thực tế, bảo vệ quyền lợi của người hưởng chế độ hưu trí theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng và chia sẻ phù hợp.
Đồng thời, phải có quy định phù hợp để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH một lần. Sửa đổi các quy định để khuyến khích người lao động tham gia BHXH thời gian dài hơn, từng bước tăng tuổi nghỉ hưu bình quân, tăng tỷ lệ giảm trừ tiền lương hưu đối với người lao động muốn nhận chế độ hưu trí sớm.
Đối với thủ tục đóng BHXH, Nghị quyết xác định phải đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục đăng ký, đóng, hưởng BHXH, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ BHXH theo hướng thân thiện, công khai, minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.