Nỗi lo của sinh viên Gen Z thời đại học tự chủ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây, trường đại học đã không còn là tháp ngà với “cánh cửa xa vời vợi”. Tuy nhiên, sinh viên thời đại học tự chủ ngoài đối diện với học phí, với nghề nghiệp là muôn vàn nỗi lo khác…
Các bạn trẻ Gen Z cần một hành trang vững vàng trước làn sóng AI. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: T.Ư Đoàn)
Các bạn trẻ Gen Z cần một hành trang vững vàng trước làn sóng AI. (Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: T.Ư Đoàn)

Khi học phí tăng

Cộng đồng mạng từng rưng rưng với cuốn sổ tay “nuôi đại học” với nét chữ đơn sơ, giản dị ghi chép lại những khoản chi phí nuôi con gái học đại học của một phụ huynh miền sông nước. Người con đăng tải kèm lời chia sẻ: “Có bạn nào biết cha mẹ mình nuôi mình đi học đại học tốn bao nhiêu tiền không? Nay dọn nhà tự nhiên phát hiện ra ngồi khóc một buổi. Tại ra trường 5 năm rồi thấy chưa có làm gì được cho cha mẹ mà lâu lâu còn bào thêm”.

Đi kèm với đó là những hình ảnh chụp lại cuốn sổ tay ghi chi tiết tiền học phí, tiền học thêm tiếng Nhật, mua giáo trình… trong từng năm học đại học của con. Hết năm nhất, chi phí đi học hết 62,5 triệu đồng. Tổng 3 năm đầu hết 184,6 triệu đồng và sau 4 năm học đại học số tiền ba mẹ đầu tư cho con gái hết 260,35 triệu đồng.

Nhiều người để lại lời chia sẻ xúc động với sự hy sinh, lam lũ của bố mẹ để con cái được học hành tử tế, có công ăn việc làm ổn định. “Mẹ mình cũng ghi lại cẩn thận, số nợ mình có đang là 70 triệu với 4 năm học học phí và 2 năm phí sinh hoạt vì 2 năm cuối mình tự đi làm được. Mẹ ghi vậy chứ không có đòi, còn mình lấy động lực ra trường đi làm mang tiền về cho bố mẹ”...

Về vấn đề học phí đại học, ông Võ Nhật Vinh, Trường kỹ sư CESI (Nice, Pháp) chia sẻ: Có thể nói, cùng với tự chủ đại học, học phí đại học sẽ tăng lên đáng kể sau khi Nghị định 81/2021 về cơ chế thu, quản lý học phí được áp dụng, cũng như sau khi các trường thực hiện tự chủ tài chính. Đơn cử, học phí các chương trình đào tạo tiêu chuẩn tại nhóm trường thành viên Đại học Quốc gia TP HCM năm nay dự kiến dao động vào khoảng 20 đến 30 triệu đồng/năm, chiếm 20% đến 31% GDP đầu người của Việt Nam năm 2022 (hơn 4.100 USD). Học phí các năm tiếp theo có thể tiếp tục tăng hơn 10% mỗi năm, trong khi mức tăng trưởng GDP đầu người chỉ vào khoảng 1,72%/năm - theo dự báo của Ngân hàng Thế giới (World Bank).

Báo cáo của World Bank tại một hội thảo hồi tháng 4 cho biết, chi ngân sách nhà nước cho giáo dục đại học ở Việt Nam thấp nhất thế giới (0,23%). Nguồn thu tài chính của các trường chủ yếu đến từ học phí (tức là đóng góp của các hộ gia đình), chiếm 70 - 80% và tỷ lệ này sẽ còn tăng. Ông Vinh bày tỏ: “Nhưng học phí đại học ở Việt Nam liệu có thể giảm, hoặc ít nhất không tăng không? Tôi cho là không thể. Ngân sách nhà nước không bảo đảm bao cấp cho toàn hệ thống, mô hình tự chủ tài chính của các trường là tất yếu và học phí tăng cũng là điều hợp lý.

Do đó, để san sẻ gánh nặng đại học với phụ huynh, không ai khác ngoài những đứa con. Vấn đề là tạo cơ chế thuận lợi cho những đứa con đã ngoài 18 tuổi tự chịu trách nhiệm với quyết định đầu tư cho tương lai của mình.

Theo ông Vinh, để giảm gánh nặng cho các gia đình nuôi con học đại học, Nhà nước có thể đứng ra kết nối các nhu cầu lại với nhau bằng những chính sách cụ thể. Trường học có nhiệm vụ đào tạo kiến thức và kỹ năng trước khi giới thiệu cho doanh nghiệp, giám sát quá trình học tập tại trường. Doanh nghiệp đào tạo và sử dụng nhân sự theo chương trình đã lên kế hoạch và được nhà trường phê duyệt.

Và cánh cửa đại học rộng mở

Sinh viên trước nhiều áp lực thời đại học stuwj chủ. Ảnh minh họa PV

Sinh viên trước nhiều áp lực thời đại học stuwj chủ. Ảnh minh họa PV

Theo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT), hơn một triệu thí sinh tốt nghiệp THPT, chỉ khoảng 660.250 em đăng ký xét tuyển đại học, trong đó 610.000 đã trúng tuyển đợt 1 (92,7%), tính đến ngày 28/8.

Năm 2001, Clark Kerr, chuyên gia hàng đầu về Lịch sử Đại học Mỹ đã nhìn lại suốt hai thế kỷ 19 và 20 và khẳng định: bắt đầu từ cuối thế kỷ 20, đại học sẽ không còn là “tháp ngà” của các “bậc thầy và học giả”. Đại học sẽ càng ngày mở rộng thành một bộ phận chung của toàn xã hội để phụng sự các mục tiêu quốc gia: tăng trưởng kinh tế, nâng cao tiêu chuẩn sống, thiết lập các tiêu chuẩn quản trị, khẳng định ưu thế về công nghiệp và quân sự.

Theo nhà tư vấn giáo dục Lang Minh, tại Việt Nam, tình trạng “tháp ngà” vẫn còn ở những năm đầu thế kỷ 21 do đại học vẫn hoạt động phần lớn bằng ngân sách nhà nước, buộc phải giới hạn nghiêm ngặt chỉ tiêu đầu vào (phân bổ ngân sách theo lượng sinh viên).

Cơ chế này dẫn đến cuộc sàng lọc khắc nghiệt. Các kỳ thi đầu vào lại được đánh giá hoàn toàn học thuật dựa trên cách phân ban (A, B, C, D), dẫn đến tình trạng cả dư luận lẫn người làm chính sách đều coi đại học là nơi thuần túy phát triển học thuật.

Vì nhiều lý do, yêu cầu tự chủ đại học trở thành tất yếu. Để tự chủ được, nhất là về tài chính (tăng giá học phí), trường đại học phải đáp ứng các kỳ vọng chung của xã hội và kỳ vọng của khách hàng đầu vào - phụ huynh - và khách hàng đầu ra - doanh nghiệp.

Và nhà trường, trước sức ép về nhu cầu nhân sự ngày càng cao của doanh nghiệp - buộc phải tự chủ tạo ra các phương án tuyển sinh sao cho phù hợp nhất. Ví dụ các trường về kinh tế kinh doanh sẽ ưu tiên điểm IELTS bởi tiếng Anh là thước đo khả năng hội nhập kinh tế toàn cầu. Tương tự các ngành về lập trình sẽ yêu cầu điểm đầu vào môn Toán nhân hệ số cao, bởi ngành này đòi hỏi tư duy thuật toán tốt. Đã có những đề xuất đầu tiên cho việc đưa Tin học thành một môn thi có hệ số điểm cao đối với các ngành kỹ thuật. Việc đa dạng phương án tuyển sinh vừa thu hút được nhiều học sinh có tiềm năng chi trả mức học phí tăng cao, vừa sàng lọc để thuận tiện cho kết quả đầu ra, thay vì phương án phân ban cứng nhắc trong quá khứ.

Như vậy, hai câu chuyện nổi bật của kỳ xét tuyển đại học đợt 1 năm 2023 đánh dấu giáo dục đại học Việt Nam đã tiến sâu vào giai đoạn phổ cập thay cho tình trạng “tháp ngà”. Đại học mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh tỉ lệ thuận với nhu cầu tiếp cận các cơ hội về kinh tế tri thức của người dân. Tới đây, xu hướng trọng đầu ra (thay vì đầu vào) sẽ ngày càng biểu hiện rõ nét.

Từ thực tế, PGS.TS Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM cho biết, hành trình tự chủ đại học trong thời gian qua đã ghi nhận được nhiều kết quả rất tích cực, đặc biệt là chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao.

Kết quả này phản ánh thông qua 3 minh chứng: Số lượng công bố quốc tế tăng nhanh; số lượng chương trình được kiểm định quốc tế tăng lên; số trường đại học trên bảng xếp hạng quốc tế cũng tăng.

Theo PGS.TS Vũ Hải Quân, tiến trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam thời gian qua đã gặp những thách thức rất lớn, hầu hết liên quan đến tài chính đại học gồm: Nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí. Chính sách cho sinh viên vay còn rất hạn chế, kể cả đối tượng, quy trình thủ tục, định mức và thời hạn vay. Một số quy định về pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa thúc đẩy tự chủ đại học. Mất cân đối trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo khi có ít sinh viên chọn ngành khoa học, kỹ thuật công nghệ bao gồm cả bậc sau đại học.

Để giải quyết những thách thức trên, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM kiến nghị. Thứ nhất: tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đại học. Theo ông Quân, bên cạnh nguồn đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người thông qua các đề tài, dự án. Thực tế, các phòng thí nghiệm chỉ hoạt động hiệu quả khi nó được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi.

Đồng thời, Nhà nước cần có lộ trình điều tiết ngân sách đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4 - 5 năm). Trong trường hợp chưa tăng được học phí, Nhà nước nên cấp bù phần ngân sách chưa được tăng. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng.

Về chính sách tín dụng cho sinh viên vay, ông Vũ Hải Quân đề xuất một số số giải pháp cụ thể như: Mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên. Điều chỉnh mức cho vay nhằm bảo đảm cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí. Giảm lãi suất cho vay, điều chỉnh theo hướng tăng thời gian cho vay. Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên.

Thứ ba, theo ông Hải Quân, cần tăng đặt hàng đào tạo, nghiên cứu. Giáo dục vẫn cần sự điều tiết, vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong việc gắn đào tạo và nghiên cứu với các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Việc này giúp tạo ra sự hài hòa trong nhu cầu của người học, chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong tương lai gần và tránh “khủng hoảng thừa” và “khủng hoảng thiếu”.

Ông Hải Quân cho rằng, các ngành đề xuất được đặt hàng đào tạo gồm: Các ngành thuộc nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, nhóm ngành Khoa học Xã hội, nhóm ngành Văn hóa - Nghệ thuật và một số lĩnh vực khác như Nông - Lâm nghiệp, Địa chất, Hải dương học…

Sinh viên phải học thật và những kỹ năng cảm xúc không thể thay thế

Một dự báo cho thấy, 85% số việc làm mới ở năm 2030 là những công việc chưa từng tồn tại. Do đó, sinh viên chỉ có học cách tự học kỹ năng mới, có thái độ học tập đúng, học thực chất, hiểu vấn đề, mới giúp các bạn trẻ yên tâm đi tới.

Ông Lê Văn Thành, Kiến trúc sư giải pháp, Google cho rằng, để chiến thắng trong cuộc cạnh tranh với “người máy” hay các nền tảng AI, GenZ cần trang bị thêm những kỹ năng không thể tự động hóa được. Theo đó, trong một thế giới sống gấp càng đòi hỏi kỹ năng hiểu và quản trị cảm xúc của chính mình và đồng cảm với người xung quanh. Nếu chúng ta đánh mất kỹ năng rất người này thì sẽ sớm bị máy móc thay thế.

Đọc thêm