Nỗi lo nhập siêu sau 7 tháng

(PLVN) -  Nhập siêu vẫn tiếp tục diễn ra sau 7 tháng đầu năm. Điều này bắt đầu dấy lên những lo ngại về cán cân thương mại hàng hóa năm 2021.
Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa tới đây dự báo khó khăn. (Ảnh minh họa)

Nhập siêu 2,7 tỷ USD

Sau 7 tháng năm 2021, kim ngạch xuất khẩu (XK) hàng hóa ước tính đạt 185,33 tỷ USD, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 27 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD (5 mặt hàng XK trên 10 tỷ USD), trong đó điện thoại và linh kiện có kim ngạch XK lớn nhất, đạt 29,4 tỷ USD; tiếp theo lần lượt là điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng; hàng dệt và may mặc; giày dép; gỗ và sản phẩm gỗ và phương tiện vận tải và phụ tùng…

Trong 7 tháng qua, cả 3 nhóm hàng công nghiệp chế biến, nhóm hàng nông, thủy sản và nhóm nhiên liệu khoáng sản đều có kim ngạch XK tăng trưởng dương so với cùng kỳ. Các thị trường XK truyền thống cũng tăng trưởng so với cùng kỳ. Hoa Kỳ vẫn là thị trường XK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 53,7 tỷ USD; tiếp đến là Trung Quốc, thị trường EU, Hàn Quốc...

Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu (NK) hàng hóa ước tính đạt trên 188 tỷ USD sau 7 tháng nhưng nhóm hàng cần NK chỉ đạt 24,97 tỷ USD; Nhóm hàng cần kiểm soát và hạn chế NK đạt 12 tỷ USD (riêng nhập ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng 91,5% về kim ngạch). Tương tự như XK, NK vẫn tăng cao ở các thị trường truyền thống.

Trung Quốc là thị trường NK lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 62 tỷ USD. Tiếp theo là thị trường Hàn Quốc tăng 20,6%. Thị trường Nhật Bản tăng 14,5%, thị trường EU tăng 20,8%, Hoa Kỳ tăng 10,6%.

Tính chung 7 tháng năm 2021, Việt Nam nhập siêu 2,7 tỷ USD. Trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,8 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 15,1 tỷ USD.

Bộ Công Thương nhận định, nhìn chung, hoạt động XK của hầu hết mặt hàng, nhóm hàng 7 tháng qua đều đạt mức tăng trưởng tích cực. Tuy nhiên, đà tăng trưởng này đang có phần chậm lại do dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tiêu cực đến các hoạt động sản xuất và kinh doanh của các doanh nghiệp (DN).

Khó cân bằng cán cân xuất nhập khẩu?

Cũng theo đánh giá của Bộ Công Thương, dự báo nhu cầu hàng hóa XK vẫn đang khá cao, việc các nước đang triển khai mạnh mẽ tiêm vắc xin và mở cửa trở lại đã làm tăng nhu cầu đối với các sản phẩm dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử của Việt Nam. Một số nền kinh tế tiếp tục triển khai các gói kích cầu, thông qua hỗ trợ trực tiếp cho người dân, qua đó thúc đẩy tiêu dùng các mặt hàng, trong đó có mặt hàng NK từ Việt Nam.

Theo chu kỳ, NK hàng hóa nguyên liệu sản xuất thường tăng vào đầu năm và giảm giai đoạn nửa cuối năm. Trong khi đó, nhu cầu đối với hàng hóa XK của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cao trong nửa cuối năm 2021, đặc biệt đối với ngành điện tử, máy móc thiết bị, đồ gỗ, hàng dệt may và thủy sản… Vì vậy cán cân thương mại được dự báo sẽ cải thiện trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hoạt động xuất nhập khẩu có thể bị ảnh hưởng tiêu cực do trên thế giới khu vực Đông Nam Á tiếp tục là tâm điểm với số ca nhiễm mới gia tăng nhanh chóng. Trong nước, dịch Covid-19 bùng phát ở nhiều địa phương là khu vực sản xuất hàng hóa lớn, có quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu đứng đầu của cả nước.

Một số tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg gây gián đoạn quá trình lưu thông, vận chuyển hàng hóa; việc thiếu container rỗng và giá cước vận chuyển tăng cao cũng là trở ngại cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa trong những tháng cuối năm nay.

Đại diện Bộ Công Thương bày tỏ sự lo lắng đối với các mặt hàng XK chủ lực như điện tử, dệt may và da giày... khi cho rằng với đà hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các thị trường lớn như Mỹ và châu Âu, cùng với xu thế dịch chuyển chuỗi sản xuất toàn cầu sau dịch bệnh, các doanh nghiệp có thể có thêm các đơn hàng XK mới.

Nhưng, trước tình hình dịch bệnh phức tạp, các doanh nghiệp Việt đã và đang phải cố gắng duy trì sản xuất cùng với nguy cơ rủi ro rất lớn là khách hàng quốc tế sẽ dừng, hủy đơn hàng để chuyển sang nước khác.

Chưa kể, số liệu XK 2 năm gần đây cũng cho thấy xu hướng giảm kim ngạch XK về cuối năm đang gia tăng. Cụ thể, năm 2019, kim ngạch XK tháng 9 giảm 9,8% so với tháng 8, kim ngạch tháng 10 giảm 4,1% so với tháng 9... Tương tự, năm 2020 - năm Việt Nam đạt con số xuất siêu kỷ lục hơn 19 tỷ USD, xu hướng giảm kim ngạch XK các tháng cuối năm cũng diễn ra tương tự.

Một chuyên gia kinh tế cho rằng, theo xu hướng trên thì việc trông chờ vào kim ngạch XK những tháng cuối năm để cân bằng cán cân thương mại trong năm 2021 sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là trong tình thế hiện nay, sản xuất đang không thuận lợi khi Covid-19 hiện diện ở nhiều trung tâm sản xuất lớn, nhiều doanh nghiệp không thể tổ chức sản xuất.

Đọc thêm