Nỗi lo thực phẩm bẩn “núp bóng” hàng sạch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm thực phẩm tăng cao, cũng là lúc thực phẩm bẩn, thực phẩm nguồn gốc không rõ ràng trà trộn vào thị trường, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Thực phẩm bẩn “tràn lan”

Trong những ngày vừa qua, lực lượng chức năng liên tục phát hiện và triệt phá những kho hàng thực phẩm bẩn quy mô lớn “ẩn nấp” trong nhà dân hoặc trong các doanh nghiệp cung ứng nguyên liệu thực phẩm.

Cơ quan chức năng mới phát hiện một vụ vận chuyển gần 2 tấn nội tạng động vật bẩn đang trên đường di chuyển đi tiêu thụ tới các quán ăn, nhà hàng trên địa bàn Hà Nội. Số thực phẩm này có nguồn gốc từ nước ngoài, khi phát hiện đang trong quá trình phân hủy.

Tại TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, lực lượng chức năng cũng kiểm tra kho hàng của một công ty và phát hiện 25 tấn thực phẩm đang phân hủy, không có nguồn gốc xuất xứ.

Không chỉ nguyên liệu thực phẩm được cung cấp cho các nhà hàng quán ăn, thời điểm này, những sản phẩm thuộc dòng cao cấp, được tiêu thụ đắt hàng dịp Tết cũng có nguy cơ bị hàng giả, hàng lậu trà trộn rất cao. Như trong tháng 12, cơ quan chức năng đã triệt phá trên địa bàn TP Hà Nội một kho hàng lậu quy mô trên 90 tấn gồm các sản phẩm như dê muối, đùi lợn muối Tây Ban Nha, thịt xông khói... Cũng tại Hà Nội, một kho rượu gồm hơn 500 lít bị phát hiện không hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ tại một cơ sở kinh doanh rượu thủ công.

Ngoài ra, không ít vụ phát hiện những kho thực phẩm bẩn, không nguồn gốc như rau củ quả, trái cây nhập ngoại, các loại thực phẩm đóng gói có nguồn gốc từ nước ngoài...

Đáng lo ngại là con số bị phát hiện có thể mới chỉ là “phần nổi” của tảng băng. Nguy cơ người tiêu dùng gặp hàng lậu, hàng giả càng cao trong dịp Tết.

Hàng rởm “núp bóng” hàng ngoại

Những năm gần đây, nhu cầu tiêu thụ tăng, đời sống người dân được nâng cao, thị trường ngày càng phong phú về mẫu mã, chất lượng sản phẩm Tết. Trong số đó, các sản phẩm nhập ngoại được người dân khá ưa chuộng để tiêu thụ trong gia đình hoặc làm quà biếu bởi mẫu mã sang trọng, nguồn gốc “ngoại” tạo cảm giác cao cấp.

Tuy nhiên, đánh vào tâm lý này của người dùng, nhiều cơ sở đã tuồn vào thị trường những sản phẩm giả được sản xuất trong nước hoặc sản phẩm không rõ nguồn gốc “núp bóng” hàng ngoại. Các mặt hàng bị giả nhiều nhất có thể kể đến một số loại như bánh kẹo nhập ngoại, chocolate, rượu ngoại, các loại thực phẩm đóng gói như các loại hạt, nho khô, xúc xích, thị xông khói... như thời gian qua cơ quan chức năng đã khám phá tại một số kho hàng.

Nhiều sản phẩm không có nguồn gốc, chất lượng không đảm bảo nhưng vì có “mác” nhập ngoại nên bán ra thị trường với mức giá rất cao, từ một đến vài triệu đồng/sản phẩm. Người mua hàng mua bằng niềm tin hàng đắt tiền, nhập khẩu sẽ bảo đảm mà không ngờ mua về “tiền mất, tật mang”.

Hiện nay, việc kinh doanh, mua bán hàng hóa không chỉ được thực hiện tại các cửa hàng có địa chỉ cụ thể mà còn qua hình thức trực tuyến, vì thế, chất lượng sản phẩm càng khó kiểm soát hơn.

Đặc biệt dịp Tết, những người buôn bán thời vụ, không có cửa hàng cũng tham gia vào thị trường bán lẻ thực phẩm Tết. Ai ai cũng quảng cáo mình có nguồn hàng nhập ngoại, nguồn hàng tốt, hàng rẻ, chất lượng. Họ bỏ tiền quảng cáo trên Facebook, Tiktok hoặc buôn bán thông qua lực lượng người quen, bạn bè trên mạng và ngoài đời. Bản thân họ chưa hẳn đã nhập hàng hóa về bán mà là “cộng tác viên” của các nhà cung ứng, các kho hàng. Chính lực lượng bán hàng không chuyên, rao bán trung gian mà không nhập hàng này là “điểm khó” của cơ quan quản lý thị trường khi họ quá nhỏ lẻ, len lỏi khắp mạng xã hội, không biết quản lý thế nào.

Theo kế hoạch triển khai công tác đảm bảo an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán Quý Mão và Lễ hội Xuân 2023 do Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm ban hành mới đây, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo Cục Quản lý thị trường các tỉnh, thành phố cần tăng cường công tác phối hợp với các lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát thường xuyên tại các kho bãi, điểm tập kết hàng hóa gần biên giới, các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ đầu mối, kho chứa hàng đông lạnh, các đơn vị nhập khẩu kinh doanh thực phẩm đông lạnh,...

Đồng thời, Ban Chỉ đạo liên ngành yêu cầu xử lý nghiêm đối với thực phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ nhằm ngăn chặn vấn nạn thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn thường có chiều hướng gia tăng trong dịp cuối năm, lễ, Tết.

Lực lượng Quản lý thị trường cũng khuyến cáo người tiêu dùng khi mua thực phẩm nên chọn những thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm, không vì ham giá rẻ mà bị lừa mua những thực phẩm bẩn trà trộn, có nguy cơ gây hại cho bản thân và gia đình.

Đọc thêm