Hàng loạt cây cầu xuống cấp
Dù đã xảy ra hơn một tháng nhưng vụ sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) vẫn là thảm hoạ giao thông khiến nhiều người kinh sợ mỗi khi nhắc lại. Ngày 9/9/2024, cầu Phong Châu nối liền huyện Tam Nông và huyện Lâm Thao bị sập khiến 8 người và phương tiện mất tích, giao thông gián đoạn. Cho đến thời điểm hiện tại, vẫn còn 4 người mất tích chưa được tìm thấy. Có thể thấy, vụ sập cầu Phong Châu là sự cố giao thông rất lớn, để lại thiệt hại cả về người và tài sản với tỉnh Phú Thọ.
Dù nguyên nhân sập cầu được công bố chính thức là do ảnh hưởng của cơn bão số 3 cộng với mưa lũ phức tạp nhưng vụ việc này cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về hiểm hoạ từ những cây cầu yếu, xuống cấp. Ngay tại Phú Thọ, ngoài cầu Phong Châu vẫn còn rất nhiều cây cầu nằm trên các tuyến tỉnh lộ đã cũ, yếu nhưng nhiều năm chưa được sửa chữa, nâng cấp, hàng ngày phải “cõng” hàng loạt xe trọng tải lớn. Điều này khiến nhiều người dân lo lắng, bất an mỗi khi phải đi qua, nhất là trong mùa lũ.
Hà Nội là đầu mối giao thông vận tải của cả nước, những năm qua, thành phố đã tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp hạ tầng giao thông giúp cho cho mạng lưới giao thông kết nối tốt từ trung tâm ra ngoại thành đến các tỉnh lân cận. Tuy nhiên, tình trạng cầu tạm, cầu yếu, cầu dân sinh đã xuống cấp vẫn không tránh khỏi. Theo Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện nay trên địa bàn Thành phố còn 144 cây cầu yếu, cầu cũ, nhỏ không còn đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân; 55 cây cầu đã xuống cấp nghiêm trọng, mất an toàn giao thông, cần được xử lý trong năm 2024 - 2025.
Phần lớn những cây cầu này tập trung ở khu vực nông thôn, ngoại thành nhưng ngay trong nội thành cũng còn những cây cầu bị “lãng quên” theo thời gian, chưa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp. Đơn cử như cầu Long Biên, sau hơn 120 năm đưa vào khai thác vận hành, đến nay, nhiều hạng mục trên cầu đã xuống cấp nghiêm trọng.
Cần sớm có phương án bảo vệ những cây cầu
Hiện chưa có một thống kê nào về số lượng những cây cầu tạm, cầu yếu, cầu dân sinh đã xuống cấp ở các địa phương trên cả nước. Tuy nhiên, hầu hết các địa phương đều tồn tại những cây cầu có tuổi đời cả chục năm nhưng kinh phí sửa chữa lại eo hẹp, không kịp thời khiến công trình xuống cấp, hư hỏng nặng. Tình trạng này không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng. Những cây cầu yếu kém có thể trở thành mối đe dọa cho người tham gia giao thông, đặc biệt là trong điều kiện thời tiết xấu hoặc khi lưu lượng phương tiện quá tải.
Trước tình trạng trên, nhiều địa phương đã xây dựng kế hoạch tổng thể để rà soát, đánh giá hiện trạng các cây cầu và có phương án xử lý kịp thời như đầu tư cải tạo, sửa chữa nhằm đảm bảo an toàn cho người dân.
Tại Hà Nội, song song với việc thống kê, thẩm định danh mục 144 cây cầu yếu, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đề xuất nguồn kinh phí sửa chữa thay thế với 50% từ ngân sách thành phố, 50% từ ngân sách các quận, huyện.
Mới đây, Sở Giao thông vận tải Quảng Trị đã hoàn tất việc rà soát và kiểm tra các cầu, các vị trí xung yếu, ngầm, tràn trên toàn tỉnh. Theo thống kê, Quảng Trị hiện có tới 104 cây cầu yếu phải giới hạn tải trọng, điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và gây mất an toàn cho các công trình cầu giao thông. Do đó, Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện rà soát, báo cáo Cục Đường bộ Việt Nam để xin kiểm định, làm cơ sở cho việc lập kế hoạch sửa chữa hoặc cải tạo, nâng cấp, nhằm đảm bảo an toàn cho kết cấu các công trình cầu và khai thác hiệu quả.