Nới lỏng chính sách visa - “đòn bẩy” cần thiết cho du lịch

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Chính sách visa lâu nay vẫn được xem là “nút thắt cổ chai” đối với ngành Du lịch để thu hút khách quốc tế. Bởi vậy, đề xuất của Chính phủ về việc nâng thời hạn tạm trú đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực đang được dư luận đón nhận tích cực, kỳ vọng sẽ tháo gỡ bớt rào cản cho ngành Du lịch.
Du khách nước ngoài thăm khu du lịch Tràng An - ảnh Vân Tùng
Du khách nước ngoài thăm khu du lịch Tràng An - ảnh Vân Tùng

“Chìa khóa” quan trọng

Trong chương trình Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, Nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, Xuất cảnh, Quá cảnh, Cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Nội dung sửa đổi đáng chú ý là đề xuất sửa đổi các quy định của luật để tiếp tục tạo điều kiện hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh Việt Nam.

Cụ thể, Chính phủ đề xuất nâng thời hạn thị thực điện tử từ 30 ngày lên 3 tháng, có giá trị một lần hoặc nhiều lần; nâng thời hạn tạm trú từ 15 ngày lên 45 ngày đối với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo các quy định khác. Chính phủ cũng đề xuất mở rộng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ; giao Chính phủ quyết định danh sách cụ thể các nước, vùng lãnh thổ trên cơ sở bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, phù hợp với chính sách đối ngoại và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Nới lỏng chính sách thị thực là “nỗi niềm mong mỏi” của ngành Du lịch Việt Nam kể từ khi chính thức mở cửa hoàn toàn sau đại dịch vào tháng 3/2022.

Trên thực tế, một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đã có chính sách thị thực cởi mở và được xem là một trong những chiến lược hút khách quốc tế hiệu quả. Đơn cử, từ năm 2022, Thái Lan liên tục cập nhật chính sách gia hạn thị thực, tạo điều kiện cho khách nhập cảnh bằng hình thức trực tuyến, nâng thời hạn miễn thị thực lên tới 45 ngày. Từ tháng 4, tuy Thái Lan chỉ miễn thị thực do du khách từ khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trong 30 ngày, nhưng Chính phủ cũng cho phép du khách có thể làm thủ tục gia hạn thời gian lưu trú một lần thêm 30 ngày nữa. Một ví dụ thành công khác là Singapore miễn visa cho công dân 162 nước. Du khách nước ngoài có thể lưu trú tới 90 ngày và có thể tiếp tục gia hạn thêm từ 30 đến 89 ngày. Gần đây, Singapore còn công bố chính sách “visa tinh hoa” với thị thực có thời hạn 5 năm.

Như vậy, chính sách nâng thời hạn tạm trú đối với người nhập cảnh diện đơn phương miễn thị thực để tạo thuận lợi hơn nữa cho du khách quốc tế đến Việt Nam, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của ngành Du lịch nước nhà trong khu vực. Trong bối cảnh du lịch Việt Nam từ đầu năm đến nay đang có những tín hiệu phát triển tích cực, đề xuất nới lỏng thị thực được kỳ vọng sẽ “mở khoá” cho thị trường khách quốc tế sớm hoàn thành mục tiêu 8 triệu lượt khách trong năm, thậm chí còn đột phá hơn.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết Ủy ban nhất trí với việc nâng thời hạn cấp chứng nhận tạm trú tại cửa khẩu cho người nhập cảnh theo diện đơn phương miễn thị thực từ 15 lên 45 ngày. Điều này phù hợp thực tế khi nhu cầu vào Việt Nam dài ngày tăng lên, nhất là đối với người nước ngoài vào đầu tư, làm việc, du lịch… Quy định 45 ngày là đạt mức trung bình của các nước trong khu vực. Theo ông Tới, cũng có ý kiến đề nghị nâng thời hạn lên tối đa 60 ngày để có thể linh hoạt hơn trong việc cấp chứng nhận tạm trú.

Tăng sức hút với dòng khách quốc tế tiềm năng

Theo các chuyên gia, lợi ích của việc thay đổi chính sách visa trước mắt sẽ tác động đến những thị trường gần, trong khu vực châu Á. Đối với những thị trường ở xa hơn và có sức chi trả cao, Việt Nam cần thêm nhiều yếu tố khác như có đường bay thuận tiện, hạ tầng tốt, tận dụng cơ hội và ưu thế, đẩy mạnh xúc tiến và quảng bá thương hiệu du lịch quốc gia,… Đặc biệt là đối với những thị trường mới nổi như Ấn Độ, Trung Đông, Đông Âu gia tăng.

Hiện nay, sự phục hồi du lịch ở châu Á đang được định hình bởi hai dòng khách chính là du khách Trung Quốc và du khách Ấn Độ. Theo số liệu của nền tảng đặt phòng trực tuyến Agoda, từ tháng 1/2019 tới tháng 5/2023, lượt tìm kiếm khách sạn của khách Ấn Độ tại bốn quốc gia Thái Lan, Singapore, Indonesia và Việt Nam có mức tăng lần lượt là 147%, 215%, 256% và 390%. Có thể thấy, Việt Nam đang là điểm đến được quan tâm hàng đầu đối với du khách Ấn Độ tại khu vực Đông Nam Á.

Ông Omri Morgenshtern, Giám đốc điều hành của Agoda cho biết, trong năm 2019, Việt Nam không xuất hiện trong danh sách điểm đến được khách Ấn Độ tìm kiếm nhiều nhất do trước đó không có đường bay thẳng giữa hai nước. Tuy nhiên, đến nay, việc kết nối giữa hai quốc gia đã thuận tiện hơn nhiều, mỗi chuyến bay chỉ kéo dài 4 -5 giờ. “Việt Nam nằm trong top 5 điểm đến của năm nay và chưa từng xuất hiện trong danh sách năm 2019”, Morgenshtern nói.

Bên cạnh đó, sức chi của khách Ấn Độ cũng đã tăng lên. Dữ liệu năm 2022 của Agoda cho thấy khách Ấn Độ đã chi cho chỗ ở khi du lịch quốc tế nhiều hơn 30% so với trước dịch và cao hơn 20% so với mức trung bình của khách Trung Quốc. Du khách Ấn Độ còn có xu hướng ở tại những khách sạn cao cấp và những thương hiệu uy tín, nổi tiếng, bởi đa phần khách Ấn Độ có nhu cầu ra nước ngoài du lịch đều thuộc diện khá giả, trong khi khu vực trung lưu của nước này tập trung chủ yếu vào du lịch nội địa.

Đọc thêm