Thực tiễn giảng dạy môn Giáo dục công dân nói riêng và hoạt động tuyên truyền pháp luật cho học sinh, sinh viên cho thấy, để trung hòa được hai điểm này là không hề dễ chút nào. Và đôi khi, những bài giảng luật thực tế ngoài đời, không sách vở lại “ở lại” với trẻ em, học sinh nhiều hơn sách vở.
Giá như không chỉ là lý thuyết
Đó là mong muốn của một học sinh khi nói về môn Giáo dục công dân hiện nay. Còn nhớ, cách đây không lâu, trong một cuộc gặp gỡ nhân dịp đầu năm giữa lãnh đạo TP HCM và thiếu nhi, em Nguyễn Dương Kim Hảo, một học sinh lớp 9 tại thời điểm đó – người được ví như là “cậu bé vàng” với nhiều sáng tạo đã trình bày những trăn trở của mình về giáo dục.
Theo em Hảo, các giờ học môn Giáo dục công dân hiện nay quá nặng về mặt lý thuyết. Để cho học sinh dễ dàng tiếp thu một môn học luôn được cho là khô cứng này, Hảo góp ý, nên giảm bớt những bài học trên lý thuyết, sách vở, cần tăng cường thêm nhiều bài học về giới tính, dạy cho học sinh các kỹ năng sống, các kỹ năng mềm cần thiết cho cuộc sống hàng ngày.
Câu chuyện của Hảo cho thấy, dù rằng em được may mắn là học môn Giáo dục công dân trong Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, quận Tân Bình, TP HCM thầy không bao giờ đặt nặng vấn đề học lý thuyết cho học sinh, mà luôn mở rộng thêm kiến thức qua quá trình sống thực tế của học sinh. Nhưng khi làm bài kiểm tra, đề thi luôn ra theo một khuôn mẫu chung, nên em và các bạn luôn có chung một cảm nhận là khô cứng khi học.
“Theo em, các kiến thức về pháp luật, về các tổ chức quốc tế rất cần thiết cho bộ môn, cho từng học sinh. Chính vì vậy, em nghĩ môn học này cần trang bị thêm cho học sinh những kiến thức từ thực tế, là những bài học để học sinh nên người, chứ không phải chỉ là những bài học lý thuyết trên sách vở” – Hảo đề xuất.
Sau sự kiện từ “cậu bé vàng” Nguyễn Dương Kim Hảo, một hiệu ứng lan truyền đã được nhiều học sinh và thầy, cô giáo trên toàn quốc hưởng ứng. Đã có rất nhiều ý kiến được đưa ra nhằm góp phần tăng hứng thú học tập tích cực của người học đối với môn Giáo dục công dân hiện nay, mà trong số đó quan điểm của ThS Bùi Thị Cần công tác tại Trường Đại học Vinh đăng tải trên một tờ báo, đã thu hút được nhiều sự quan tâm.
Theo đó, ThS Bùi Thị Cần cho rằng, thực trạng học tập môn Giáo dục công dân của học sinh THPT hiện nay cho thấy, có một bộ phận không nhỏ các em không thích học, chán học Giáo dục công dân, nguyên nhân là do mất hứng thú học tập. Tình trạng chán học, không thích học do mất hứng thú học này đã ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả học tập của các em nói riêng và chất lượng Giáo dục công dân ở bậc THPT nói chung.
|
Clip dài 4 phút của anh công an được học sinh thích thú truyền cho nhau xem |
“Tình trạng lớp học môn Giáo dục công dân tương đối trầm ở các trường THPT khá phổ biến hiện nay. Khi khảo sát ngẫu nhiên các lớp THPT, chúng tôi nhận thấy tỷ lệ phát biểu ít, chiếm quá 52%, rồi đến tỷ lệ những học sinh chưa bao giờ phát biểu khá cao (xấp xỉ 41%), còn lại lượng học sinh hăng hái phát biểu không đáng kể” - ThS Bùi Thị Cần đưa ra con số.
Trò ngán, thầy chán, lãnh đạo xem nhẹ
Nhìn chung, nguyên nhân chủ yếu của sự chán, lười học của học sinh THPT qua khảo sát điều tra ở một số trường THPT là xuất phát từ nhiều lý do. “Khá nhiều học sinh cho rằng môn Giáo dục công dân đơn thuần chỉ là môn học chính trị thuần túy hay chỉ là môn học bổ trợ thêm kiến thức. Cộng thêm với việc học sinh sợ bị chê cười khi phát biểu sai, chưa tự tin vào năng lực của mình, chưa hiểu rõ tác dụng của việc phát biểu xây dựng bài; do cá nhân chưa chuẩn bị bài, đến phương pháp giảng dạy của giáo viên Giáo dục công dân chưa gây hứng thú tới học sinh.
Tình trạng không chuẩn bị bài trước khi đến lớp vẫn tồn tại khá phổ biến. Ở hầu hết các trường lớp, học sinh thường khá bị động trong việc tự chuẩn bị bài ở nhà, kể cả khi giáo viên kiểm tra, các em vẫn có xu hướng làm hình thức đối phó” – theo ThS Bùi Thị Cần.
Cũng theo ThS Bùi Thị Cần, có một thực tế phải nhìn nhận khách quan đó là về mặt nhận thức, về tư tưởng, trong xã hội hiện vẫn còn có một bộ phận không nhỏ (trong đó thậm chí có cả những người có trách nhiệm lãnh đạo cả ở cấp cơ sở lẫn cấp cao hơn) chưa hiểu đúng vai trò, vị trí của môn Giáo dục công dân.
Vẫn còn có những nhận thức sai lầm nghiêng về hướng đồng nhất môn học này với việc tuyên truyền phổ biến chính sách, đường lối hoặc đơn thuần chỉ là môn học có vai trò “minh họa” thuần túy cho hệ tư tưởng. Chính vì không phân biệt được vai trò khoa học và vai trò “chính trị” nên dẫn tới tâm lý “xem nhẹ”, “coi thường”. Trong thực tế thậm chí có hiện tượng một số nơi đã sử dụng giáo viên không có chuyên môn Giáo dục công dân để giảng dạy.
Về phía người dạy, qua thực tế có thể nhận thấy, phần lớn giáo viên vẫn lên lớp bằng phương pháp truyền thống: Thầy đọc, trò chép, tạo cảm giác mệt mỏi, thụ động đối với học sinh trong việc tiếp nhận kiến thức.
Một số giáo viên lên lớp với tâm lý cho rằng môn của mình là môn phụ nên ít có sự quan tâm, đầu tư trong việc soạn giáo án, chuẩn bị bài lên lớp. Bên cạnh đó, việc thiếu những dẫn chứng sinh động trong thực tế cũng như thiếu những dụng cụ trực quan làm cho các tiết học trở nên khô khan, nhàm chán, không gây được sự hứng thú đối với học sinh. Hệ quả tất yếu là chất lượng tiết học có nhiều hạn chế…
Hãy để cây đời mãi mãi xanh tươi
Thực tế giáo dục cho thấy, không có môn học nào là khô cứng, nhàm chán, mà chỉ do người truyền thụ kiến thức có tâm huyết và chú tâm hay không mà thôi và môn Giáo dục công dân nói riêng hay hoạt động “nói luật cho trẻ em” nói chung cũng không là ngoại lệ.
Có câu rằng, “lý thuyết luôn xám xịt, còn cây đời thì mãi mãi xanh tươi”, thực tiễn việc giáo dục pháp luật cho trẻ em hiện nay cũng đúng là như vậy. Trong khi môn Giáo dục công dân trong nhà trường bị học sinh chán ngán thì cũng chính các em lại truyền nhau xem đoạn clip dài 4 phút ghi lại một chiến sĩ công an dạy các học sinh những kỹ năng phòng, chống xâm hại tình dục.
|
Trường THCS Lê Ngọc Hân phối hợp với đội CSGT số 4 - Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội tổ chức tuyên truyền pháp luật về trật tự, ATGT tới đông đảo học sinh |
Đây là buổi tuyên truyền kỹ năng phòng vệ cho học sinh tại Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên quận Phú Nhuận, trong khuôn khổ của chuyên đề tuyên truyền giáo dục pháp luật và hướng dẫn kỹ năng phòng chống tội phạm do phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP HCM phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM và các trường tổ chức. “Thầy giáo” trong đoạn clip là một chiến sĩ của Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP HCM.
Buổi truyền dạy kỹ năng những tưởng sẽ rất “khó nói” nhưng trái ngược lại không hề khô cứng, giáo điều mà được chuyển tải thành những ngôn ngữ rất bình dân và gần gũi với giới học sinh. Điều này cũng thấy rõ khi không gian đầy ắp những tràng cười vui vẻ, sảng khoái và thực sự thu hút được các em học sinh.
Nội dung được chiến sĩ công an tuyên truyền gồm 5 kỹ năng phòng vệ khi bị đối tượng xâm hại tình dục. Từng phương án anh đều phân tích những mặt hạn chế và những hướng xử lý an toàn nhất. Những chi tiết khiến các em học sinh không thể nhịn cười nhưng rất thực tế như “dùng vũ lực tấn công làm hư hỏng công cụ gây án”, hay đặc biệt hơn là “xúc tép” khi đối mặt với “yêu râu xanh”.
Ở một khía cạnh khác, thầy giáo Nguyễn Văn Lực - Trường THCS Trịnh Phong, Diên Khánh, Khánh Hòa nêu quan điểm của mình rằng, “Theo tôi để giảng dạy có hiệu quả môn Giáo dục công dân không cần phải dạy lý thuyết như thế nào, vì sao, biểu hiện, rèn luyện, ý nghĩa… những phẩm chất đạo đức, những chuẩn mực pháp luật suông mà thầy cô nên dùng phương pháp nêu gương, hành vi… bằng những việc làm, hành động, thái độ ứng xử cụ thể trước các tình huống trong cuộc sống hàng ngày để học sinh thẩm thấu làm theo.
Ví dụ khi dạy bài 5 - Yêu thương con người (Giáo dục công dân lớp 7), thầy cô vận dụng cho học sinh xem video tài xế taxi Vinasun va chạm với xe máy khiến cô gái và nam thanh niên bất tỉnh, tài xế taxi xuống xe quan sát rồi lặng lẽ bỏ đi ngày 25/6/2019 tại quận Tân Phú, TP HCM để các em suy nghĩ. Tôi tin rằng học sinh khi xem video này thì tình người, phần thiện trong các em sẽ trỗi dậy.
Hay thầy cô đưa câu chuyện hình ảnh em Vi Quốc Chiến (13 tuổi, Trường THCS Chiềng Yên) vượt 103 cây số từ bản làng Bống Hà (xã Chiềng Yên, huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La), một mình trên chiếc xe cà tàng không phanh, không chuông xe rời bản làng xa xôi với một ý nghĩ duy nhất: “Xuống Hà Nội gặp em trai” bị bệnh nặng đang nằm ở bệnh viện… làm lay động bao trái tim.
Khi dạy bài 16 - lớp 8, “Quyền sở hữu tài sản và nghĩa vụ tôn trọng tài sản của người khác” tôi đã đọc thông tin trên các trang báo để dạy các em. Thay vì cho học sinh đọc phần “Đặt vấn đề” trong sách giáo khoa trang 44, 45 như thường lệ, tôi quyết định dùng tin trên báo để dạy: “Đỗ Văn Bằng, lớp 10A8 Trường THPT Trần Văn Bảy (huyện Thạnh Trị, tỉnh Sóc Trăng) đã trả lại hơn 40 triệu đồng và em Đỗ Nhật Nam, học sinh lớp 3A Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (xã Khánh Lâm, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) cũng trả lại 44 triệu đồng”.
Với phương pháp đàm thoại diễn ra suốt 45 phút, nội dung diễn ra xung quanh hai câu chuyện trả lại tiền nhặt được cho người đánh rơi, có thể nói đó là tiết học giàu cảm xúc và ấn tượng nhất đối với tôi trong 33 năm giảng dạy môn Giáo dục công dân ở Trường THCS Trịnh Phong…”.