Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa: “Chúng ta bỏ tiền không phải ít để nâng tốc độ chạy tàu, nhưng tốc độ chạy tàu nâng lên cũng không lại được đường ngang dân sinh. Cái này cũng là biểu hiện sự thiếu quản lý đồng bộ, trách nhiệm cùng với Bộ GTVT là Tổng Công ty đường sắt, các địa phương”.
Có xóa được đường ngang dân sinh?
Thời gian qua, trước thực trạng an toàn giao thông đường sắt báo động hơn bao giờ hết, các vụ tai nạn tăng cả về số vụ, số người chết, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đặt hàng loạt câu hỏi với người đứng đầu Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa: Vì sao để đường ngang dân sinh mở ra nhiều thế này? Trách nhiệm thuộc về ai, luật này có giải quyết được tình trạng đó hay không? Do luật hay do tổ chức thực hiện?
Ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, hiện có 5.726 đường ngang và lối đi dân sinh, nhưng chỉ có 1.511 đường ngang hợp pháp, còn lại là trái phép và hầu hết không có cảnh báo.
“Thời gian qua, dưới áp lực của các vụ tai nạn giao thông, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã cùng các địa phương cố gắng rà soát các điểm đen, tập trung cho người gác tạm thời, chứ không thể lắp đặt cảnh báo được và tiến tới xóa bỏ”- ông Minh cho biết.
Thừa nhận thực trạng thiếu an toàn của đường sắt, Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa cho rằng nguyên nhân chính là do các địa phương không quản được tình trạng người dân tự ý mở đường ngang.
Vì thế, bà Nga đề nghị ngay trong luật cần quy định chi tiết hơn về trách nhiệm của UBND các cấp trong việc để xảy ra tình trạng người dân tự ý mở đường ngang trái phép, chứ không chờ Chính phủ quy định chi tiết trong những văn bản pháp luật khác.
Kiên quyết hơn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Nơi nào để mở đường dân sinh trái phép, tức là vi phạm pháp luật, rồi để xảy ra tai nạn thì phải xem xét trách nhiệm. Luật phải nghiêm, nơi nào chính quyền mở đường dân sinh trái phép thì kỷ luật ngay Chủ tịch xã, Chủ tịch huyện. Còn thực sự phải mở thì Nhà nước đầu tư”.
Đường sắt cần được đầu tư tương xứng
Liên quan đến việc đầu tư cho đường sắt, qua thảo luận, nhiều ý kiến đề nghị Dự thảo Luật cần quy định rõ, đầy đủ hơn và mang tính chất đột phá đối với chính sách phát triển ngành đường sắt, nhất là về đầu tư để đưa đường sắt sớm thoát ra khỏi tình trạng rất lạc hậu, yếu kém như hiện nay.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, so với hoạt động giao thông khác, đường sắt chưa được đầu tư đúng mức và đẩy mạnh phát triển. Chính vì thế với tầm nhìn lâu dài thì việc đầu tư cho đường sắt là cần thiết và cấp thiết. Tuy nhiên, ông Tỵ cũng cho rằng việc ưu đãi đối với đường sắt không phải vô hạn mà phải thống nhất với các văn bản luật khác, bảo đảm ưu đãi và đúng cơ chế thị trường càng sớm càng tốt.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho rằng, trong kế hoạch đầu tư trung hạn chủ yếu tập trung đầu tư cho đường bộ là nguyên nhân chủ yếu khiến đường sắt, đường thủy ngày càng tụt hậu, càng yếu hơn so với đường bộ. Năm 2015, đầu tư cho đường sắt chỉ có 1,6%, đường thủy nội địa 1,9%, đường hàng hải 3,3% nhưng đường bộ là hơn 92%.
Nên theo ông Hiển, phải tính đến yếu tố cân đối đầu tư trong giai đoạn tới, tạo ra sự hài hòa phát triển toàn diện 4 hệ thống đường: đường sắt, đường thủy, đường hàng không, đường bộ “và thể hiện trong luật”. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định lưu ý cần rà soát và sửa các luật liên quan để tránh chồng chéo khi đầu tư cho đường sắt.
Với quyết tâm Luật này phải tạo ra bước đột phá mới về mặt chính sách pháp luật để đường sắt trong 5, 10 năm tới dần trở thành một trong những lĩnh vực chủ đạo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: “Biểu đồ đầu tư phải thay đổi lại ngay từ trung hạn của giai đoạn này chứ không phải đợi 5 năm nữa” và dự án Luật phải giải quyết được những bất cập để đưa đường sắt trở thành định hướng phát triển chủ lực, khai thác được lợi thế đặc điểm của Việt Nam, đất nước trải dài từ Bắc vào Nam.