Nỗi niềm nữ “đại gia” trong vụ án bị đánh cắp lòng nhân ái

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau khi TAND tỉnh Vĩnh Long mở phiên sơ thẩm, tuyên án chung thân với Phạm Văn Cung (pháp danh Thích Phước Ngọc, cựu trụ trì chùa Phước Quang) vì đã lợi dụng lòng nhân ái thương người, chiếm đoạt của nhiều người gần 68 tỷ đồng; dư luận vẫn rất băn khoăn các nạn nhân đã “sập bẫy” Cung như thế nào.
Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương.
Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương.

PLVN đã gặp một bị hại điển hình trong vụ án này để làm rõ câu hỏi trên. Là người bị lừa 26 tỷ đồng, bà Bùi Thanh Nhàn (ngụ Hà Nội) cho biết, “chìa khóa” của vấn đề là Cung đã đánh vào lòng thương người.

Săn những “con mồi” là phật tử

Ngay từ khi biết mình bị lừa, từ 2017, bà Nhàn đã kỳ công ngày đêm thu thập chứng cứ, kết nối các nạn nhân, tìm ra chiêu trò lừa đảo Cung. Càng tìm hiểu, xâu chuỗi, bà Nhàn càng buồn khi nhận ra niềm tin của những phật tử như mình lại bị một đối tượng ngỡ là “minh sư” chà đạp, lợi dụng.

“Là một người con của Phật, mong muốn tìm được người có thể chỉ dẫn, giúp mình hướng thiện, tôi đã từng dành tất cả sự kính trọng cho ông Cung”, bà Nhàn nói. “Dạ con thưa sư phụ” là câu cửa miệng quen thuộc mỗi khi bà Nhàn giao tiếp với ông Cung. Thế nên dường như thành phản xạ, trả lời tại phiên sơ thẩm, bà Nhàn cùng những bị hại khác vẫn quen với cách gọi bị cáo Cung là “thầy”, cho đến khi được thẩm phán nhắc nhở gọi bằng “bị cáo”.

“Tôi từng rất cảm động vì ông Cung còn trẻ tuổi lại nuôi dưỡng được nhiều trẻ mồ côi tại Trung tâm Cô nhi viện Suối nguồn tình thương. Mỗi lần đến thăm, các cháu gặp mình cứ bấu vào, thương không kể xiết. Xem thông tin của ông Cung trên mạng xã hội rằng từng đi rất nhiều nước Mỹ, Anh, Canada... Nghe ông Cung giới thiệu là “đặc phái viên quốc tế Ủy ban tuyên dương khen thưởng Phật giáo”, “mật vụ tình báo”... nên tôi cả tin ông Cung đã giỏi, từng đi nhiều nước như thế, lại muốn về lại Việt Nam làm trụ trì chùa tại một tỉnh lẻ, có tâm nguyện đưa mẫu về Vĩnh Long thì phải ngưỡng mộ một người tài giỏi như thế”, bà Nhàn hồi ức.

Thủ đoạn “moi tiền” công đức của bị cáo Cung được sự giúp đỡ của nhiều người thân cận bao gồm trợ lý, tài xế, người thân. Nhiều chương trình được tổ chức nhằm kết nối các nạn nhân là phật tử. Trợ lý Lê Nguyên Khoa và tài xế có nhiệm vụ xin số điện thoại để kết nối, sau đó sẽ mời nạn nhân về chùa tham quan, đón tiếp, chăm sóc riêng biệt. Nhiều bị hại cho hay đều ấn tượng bởi sự đón tiếp nồng hậu của cả gia đình từ cha mẹ, anh, chị, em, cháu... ông Cung với mình.

Đến các ngày lễ tại chùa, ông Cung sẽ mời các nạn nhân về dự để phô trương thanh thế. Thậm chí, khi đã nhắm được “con mồi”, Cung còn tổ chức lễ cầu may, tiệc sinh nhật, mời các nhà sư khác về tận nhà nạn nhân để cầu cúng.

Bị cáo Cung (bên trái ngoài cùng) tại phiên tòa.

Bị cáo Cung (bên trái ngoài cùng) tại phiên tòa.

“Khẩu Phật, tâm xà”

Riêng bà Nhàn thì được Cung “đặc biệt chú ý”, làm lễ cúng cầu may; mời dự nhiều chương trình cắt băng khánh thành làm đường, nông thôn mới; trao cho thành tích kỷ lục gia thiện nguyện, được gọi “Bồ Tát sống, con trời”, “chỉ có con xứng đáng với những danh hiệu”, dù cho tại thời điểm đó chưa hỗ trợ một đồng nào. Có khi có người khác bỏ ra 3 tỷ phát tâm thiện nguyện làm một con đường; nhưng Cung lại để bà Nhàn cắt băng khánh thành. Bà Nhàn còn được trợ lý Khoa chăm sóc kĩ lưỡng, thậm chí còn đến nhà riêng ở để lấy được lòng tin tuyệt đối.

Những người bị hại chia sẻ đều nhấn mạnh đến yếu tố “kỳ lạ” khi tiếp xúc với Cung. Chính bản thân bà Nhàn đã được cảnh báo về ông Cung lại không tin; đến khi bị lừa hơn 26 tỷ cũng đã cảnh báo một phụ nữ ngụ Hưng Yên; và người phụ nữ ở Hưng Yên vẫn bị Cung lừa 17 tỷ đồng.

“Thật sự cảm động khi ông ấy nói nhìn thấy được cái tâm hướng Phật của mình. Tôi tin lời họ nói và cảm thấy mình đã gặp đúng thầy, thầy lại gặp đúng mình. Tôi đã nghĩ mình sẽ giúp đỡ thật nhiều, mình phải xứng đáng với những nhìn nhận đó để đáp lại”, bà Nhàn nói.

Sau khi đã tạo dựng được lòng tin và mối quan hệ vững chắc, Cung và những trợ thủ của mình kẻ tung, người hứng vẽ ra những kịch bản hết sức cảm động lâm ly bi đát bao gồm: Hoàn cảnh các cháu cô nhi thiếu thốn, ông thiếu tiền “xã hội đen” do mượn để xây dựng chùa, các tượng phật và các công trình thiện nguyện trong khi các phật tử khác hứa hẹn tài trợ, góp công đức nhưng không thực hiện, để ông phải lâm vào cảnh khổ. Sau đó màn kịch gay cấn hơn, ông Cung nói bị dọa giết, các em trẻ mồ côi bị bắt cóc, gia đình lập bàn thờ sẵn cho ông Cung... “thật sự rất cần tiền để cứu lấy những mạng sống đang trong cảnh “nghìn cân treo sợi tóc””.

Liên tục từ tháng 7/2017 đến năm 2019, ông Cung và Khoa nhiều lần dựng lên những kịch bản như vậy. Hồi đầu số tiền 3 - 5 tỷ thì các nạn nhân có thể đáp ứng, sau đó thì chỉ đáp ứng một phần, thậm chí nhiều người còn đi vay, cầm cố tài sản đưa tiền cho Cung.

Để tạo được lòng tin cho các “con mồi”, Cung còn cho người gọi điện thoại đến người bị hại, “tự xưng ở bên Mỹ đang nợ tiền ông Cung chưa bán được đất đai để trả cho thầy, nhờ cứu thầy rồi thì hoàn trả lại”. Mãi đến sau này các nạn nhân mới phát hiện đó là tài xế và những người thân cận của ông Cung.

Điều nghẹn ngào cay đắng bậc nhất với bà Nhàn; đó là từ một phật tử đóng góp công đức rất nhiều, ra tay cứu trợ nhiều lần theo những kịch bản “nguy hiểm đến tính mạng” mà ông Cung và đồng bọn dựng lên; thậm chí bà Nhàn cầm cố xe, bay sang tận Malaysia để vay mượn tiền để đưa; nhưng rồi lại bị Cung rêu rao “kẻ khốn nạn”, “một xu, một đồng không có”.

“Ông ta bêu xấu tôi với đối tác làm ăn, kinh doanh, thêu dệt nên những câu chuyện không có thật, bôi nhọ danh dự, gây xáo trộn, ảnh hưởng đến công việc và uy tín rất lớn. Còn đối với những người có danh tiếng thì ông ấy áp đảo để họ không đòi tiền nữa vị sợ bị ảnh hưởng danh tiếng”, bà Nhàn cho hay.

Bà Bùi Thanh Nhàn (bên trái ngoài cùng).

Bà Bùi Thanh Nhàn (bên trái ngoài cùng).

Vẫn nương nhờ cửa Phật, vẫn tin niềm vui trở lại

Ngay cả khi vụ án đã được đưa ra xét xử, bà Nhàn cho rằng vẫn còn day dứt vì chưa giúp được một số bị hại khác bị Cung lừa với số tiền lên đến vài chục tỷ, nhưng các nạn nhân không đủ bằng chứng chứng minh, bởi “ông Cung đã hợp thức hoá thành những tờ giấy cho nhận hoặc biến chuyển thành tiền công đức”.

Chị Trần Thị Ánh Hồng (Việt kiều Đức) cho rằng bỏ công ăn việc làm về đến để lấy tiền, nhưng lại bị đuổi đánh ra khỏi chùa vào ban đêm, không còn tiền về, phải nhờ người hỗ trợ. Chị Hồng cho rằng, còn có người như chị Lê Thị Cẩm Hà (Việt kiều Đức) cũng bị lừa khoảng 3 tỷ dù chưa gặp ông Cung một lần nào, dù chị Hà hiện đang sống khổ sở, nhận chế độ người tàn tật do tai biến.

Ông Nguyễn Trường Sơn (ngụ Thủ Đức, TP HCM) cho hay, bị Cung lừa gần 8 tỷ, phải thế chấp cầm cố nhà cửa, xe hơi... “Nhưng tôi lại bị gài, sau khi nhận tiền thì Cung chuyển lại cho tôi giấy khen, tạ ơn công đức ghi số tiền trên”, ông Sơn nói.

Sau khi phát hiện Cung lừa đảo, nhiều người đã yêu cầu trả tiền, thậm chí bà Nhàn có cầu xin, có cảnh báo nhưng Cung bị cho là vẫn ngang nhiên thách thức, tiếp tục “đánh bóng tên tuổi” rầm rộ, để lừa thêm những người sau. “Đến ngày hôm nay số tiền thực tế mà ông Cung chiếm đoạt hàng trăm tỷ chứ không chỉ dừng lại ở 4 người phụ nữ với con số 68 tỷ đồng”, bà Nhàn nhận định.

“Tôi thiết nghĩ đây là số tiền lớn, nhưng cái tôi mất nhiều hơn chính là thanh danh, uy tín của tôi và gia đình”, bà Nhàn nghẹn ngào. “Tôi và những nạn nhân thật sự mãn nguyện khi đã đấu tranh, đưa được đối tượng ra trước vành móng ngựa, đồng thời minh oan lấy lại công bằng cho bản thân khi bị Cung bêu xấu. Chúng tôi vẫn tiếp tục được nương nhờ cửa Phật, tin vào Phật pháp, tin niềm vui sẽ trở lại”.

“Sau khi phiên toà kết thúc, tôi nhận được nhiều lời động viên, chúc mừng nhưng tôi cũng buồn vì nhiều người đồng cảnh ngộ lại chưa được có tiếng nói trong vụ án này. Phán quyết toà đưa là đã thoả đáng, nhưng tôi vẫn trăn trở là với số tiền lừa đảo rất lớn đã bị chuyển đi, “không thể thu hồi” đã đi về đâu, ai là người tiếp tay Cung tẩu tán lượng tiền lớn như vậy? Chúng tôi sẽ tiếp tục kiếm tìm, sẽ không bỏ cuộc. Tôi tin vào sự công bằng của pháp luật định đúng người, đúng tội”, bà Nhàn nói.

Trong hai ngày 13 và 14/4/2022, TAND tỉnh Vĩnh Long đã xử sơ thẩm với Cung và Nguyễn Tuấn Sĩ (làm nghề xe ôm) cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cáo trạng, Cung là tu sĩ tu tại chùa Phước Quang ở huyện Tam Bình, từ 2005. Năm 2008, Cung được bổ nhiệm làm trụ trì. Cũng trong năm này, Trung tâm Cô nhi viện Phật giáo Suối nguồn tình thương (nuôi dạy trẻ mồ côi) được thành lập, đến 2012 đi vào hoạt động. Cung được giao làm Giám đốc Trung tâm.

Thời gian này, Cung quen Khoa nên bổ nhiệm làm thư ký giúp việc. Lợi dụng chức danh trụ trì và Giám đốc Trung tâm, Cung tổ chức nhiều chương trình, sự kiện, làm các clip về hoạt động từ thiện đưa lên mạng xã hội, quảng bá hình ảnh; nói dối là quen nhiều lãnh đạo cấp cao, liên hệ gặp nhiều người có điều kiện kinh tế, nói dối khó khăn trong việc nuôi dạy các trẻ mồ côi, mượn tiền nhiều người. Với những thủ đoạn trên, Cung vay tiền nhiều doanh nhân, người có điều kiện để tiêu xài cá nhân, trong đó chiếm đoạt của 4 người gần 68 tỷ đồng.

HĐXX tuyên phạt Cung tù chung thân, buộc trả lại gần 68 tỷ đồng cho 4 bị hại; Nguyễn Tuấn Sĩ bị phạt tù 3 năm. Đồng phạm còn lại là Lê Nguyên Khoa đang bỏ trốn và bị truy nã, bắt được sẽ xử lý sau.

Đọc thêm