Những lễ hội văn hóa xung quanh cổng làng
Cổng làng Đông Xã đơn giản hơn rất nhiều so với những cổng làng đã làm nên một Hà Nội cổ kính. Ngay phía trên cổng là dòng chữ An Đông chính lộ.
Ông Phạm Hoàng Mưu, Trưởng ban Di tích làng Đông Xã giải thích, ngày xưa làng có tên gọi là An Đông. Nhưng qua sự chuyển dịch của thời gian và sự sống, làng xã có sự thay đổi nên chuyển thành làng Đông Xã.
Đôi câu đối ở 2 trụ cột cổng có chữ Hán là: Phú quý phong thanh thiên vạn cổ/Nam thanh nữ tú nhất hương trung, dịch nghĩa là làng này nghe đã có từ lâu lắm rồi, là nơi tập trung những người đẹp nhất.
Trước đây, cổng làng làm có bậc tam cấp, giống như kiến trúc thịnh hành thời Thăng Long xưa. Nhưng sau vài trận mưa, nước ứ đọng trong làng, không thoát được ra ngoài khiến người dân thấy bất tiện nên tổ dân phố họp và quyết định bỏ bậc tam cấp.
Những ngày quyết định xới bỏ bậc tam cấp, những cao niên trong làng ai nấy đều buồn và lo lắng về một di tích cổ có thể sẽ bị đổi thay. Chính vì thế, hiện nay nhiều người già đang nhóm họp đề đạt khôi phục lại nguyên trạng cổng làng nhưng đa phần thanh niên đều không đồng ý vì lo lắng bất tiện, đi lại khó khăn.
Ông Mưu khẳng định rồi sẽ có cách khôi phục được nguyên trạng cổng làng mà thanh niên sẽ không thấy bất tiện. Chỉ sang ngôi chùa Mật Dụng nằm bên phải, ngay kề cổng làng, ông bảo, cả một ngôi chùa to, sau nhiều lần sửa chữa vẫn giữ được nguyên lối thiết kế cũ, do đó, không thể không khôi phục lại chiếc cổng làng, vốn là niềm tự hào của người làng Đông Xã trước đây.
Bên trái cổng làng, đối diện chùa Mật Dụng là ao chùa ngày xưa. Trước đây, ao chùa chuyên dành để tổ chức lễ cầu Mát (cầu cho nhân dân, con trẻ được an bình, mát mẻ). Vào ngày 14-15/4 âm lịch hàng năm đều tổ chức cuộc thi thả vịt, bắt vịt, phần thưởng được treo bên trong ao. Khi thì là mấy quả dừa, lúc thì là bánh pháo, có khi lại là vuông khăn đỏ.
Ai muốn tham gia giật thưởng thì phải đi qua một cây cầu (là một cây tre dài), có được dùng thêm 3 cây gậy chống để đi qua cầu. Người nào lấy được phần thưởng đầu tiên sẽ là người gặp may mắn trong cả năm.
Cũng có những thời điểm người làng xây dựng một sân khấu cạnh ao chùa để tổ chức thuê gánh hát hát tuồng cho nhân dân thưởng thức. Tùy theo điều kiện đóng góp của người làng mà có thể nuôi gánh hát trong bao lâu, có khi 1 tuần nhưng đôi lúc gánh hát ở lại với làng đến cả tháng.
Tập tục văn hóa này được người làng gìn giữ đến sau Cách mạng Tháng 8.
Kể về những ngày xa xưa, ông Mưu cho biết, mặc dù làng An Đông được Vua Lý Thái Tông chọn để làm giấy dó cung cấp cho triều đình nhưng người dân làng An Đông rất nghèo khổ, không có tiền cho con đi học xa.
Nhờ vào tình làng nghĩa xóm, nhờ vào ý chí hiếu học của bà con, cả làng góp tiền vào thuê thầy dạy tại làng, lớp học được xây dựng ngay trong chùa Mật Dụng. Đến nay lớp học được dùng để làm nơi hội họp của dân làng, mọi người vẫn gọi là nhà văn hóa xã.
Nhà văn hóa xã vẫn còn nằm ngay bên trong cổng làng, như một minh chứng cho tinh thần hiếu học của người làng xưa kia.
Ông Mưu say sưa nói chuyện về cổng làng. |
Hội thề Trung Hiếu được gìn giữ…
Những người ở làng Đông Xã không khỏi tự hào vì cổng làng ở một vị thế rất đẹp, trước mặt là sông Tô, sau lưng là thành Phượng, bên cạnh là đền Đồng Cổ, nơi phát tiết lời thề Trung Hiếu của vua tôi nhà Lý.
Sách “Việt điện u linh” (thế kỷ XIV) viết rằng, năm 1020 Thái tử Phật Mã (sau này là Vua Lý Thái Tông) vâng mệnh vua cha đi đánh Chiêm Thành, kéo quân từ Thăng Long vào phía Nam, dừng chân tạm trú tại khu vực đền núi Đồng Cổ thuộc làng Đan Nê - Ái châu, nay thuộc xã Yên Thọ, huyện Yên Định, tỉnh Thanh Hóa).
Nửa đêm, từ ngoài có tiếng vọng lại vang rền như sấm. Phật Mã thấy bóng một người cao to chừng 8 thước hiện ra, khuôn mặt phong sương, râu cứng, mặc áo giáp bào, tay cầm binh khí đứng trước mặt Phật Mã nói: “Ngài đi đánh giặc, tôi giúp một tay”. Phật Mã đem quân vào đến Tân Bình (Quảng Bình) thì đánh tan giặc...
Thắng trận trở về, Thái tử Phật Mã đến núi Đồng Cổ làm lễ tạ.
Sách “Toàn thư” (Thế kỷ XV) kể thêm: 10 ngày sau khi lên ngôi (năm 1028) Phật Mã quyết định tìm đất để xây một ngôi đền thờ thần Đồng Cổ ở Hoàng thành. Đi khắp nơi để chọn địa thế không được, một đêm ngủ mơ, Vua Lý Thái Tông gặp lại người đã nguyện giúp mình đánh giặc, được chỉ khu đất nên đặt đền. Đó chính là vùng đất thuộc làng Đông Xã ngày nay.
Hội thề Trung Hiếu chính thức được Vua Lý Thái Tông chọn vào ngày 4/4 âm lịch hàng năm. Đến thời Trần vẫn tiếp tục giữ lệ này.
Sách “Toàn thư” chép: Hàng năm vào ngày mùng 4/4, Tể tướng và trăm quan, hồi gà gáy đến trực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang. Trăm quan mặc nhung phục làm lễ lạy rồi lui ra. Đầy đủ nghi trường theo hầu ra cửa Tây kinh thành, đến đền Đồng Cổ, họp nhau thề.
Thề xong, quan Tể tướng sai đóng cửa đền lại để điểm danh, người nào vắng mặt thì bị phạt 5 quan tiền.
Người làng Đông Xã luôn tự hào về cội nguồn phát tiết lời thề Trung Hiếu và lễ hội thề của làng mình. Ngày nay dân làng vẫn giữ lễ hội thề này, vào ngày 4/4 âm lịch hàng năm đều làm lễ rước qua cổng làng, vào đền.
Tại ngôi đền thiêng, hàng trăm người đều đọc lại lời thề “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần linh tru diệt” trong tiếng trống hội rộn ràng của các chiến binh.
Ông Mưu tự hào cho biết, chính từ gốc tích lời thề này mà các đời sau, những lời thề đều dựa trên đó để thay đổi cho phù hợp với thời cuộc. Ví như lời thề “Trung với Đảng, hiếu với dân” của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay./.