Nỗi sợ từ căn bệnh không lây nhiễm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Đái tháo đường (tiểu đường) là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến toàn cầu. Tại nước ta, chỉ trong vòng 10 năm qua, bệnh đã có mức gia tăng nhanh (từ 2,7% dân số năm 2002, lên 5,4% năm 2012, 7,06% năm 2021 trong độ tuổi điều tra 18 - 69), với gần 5 triệu người mắc bệnh.
Lối sống lành mạnh ngăn chặn bệnh đái tháo đường. (Ảnh - vinmec.com)
Lối sống lành mạnh ngăn chặn bệnh đái tháo đường. (Ảnh - vinmec.com)

Biến chứng đáng sợ về võng mạc

Đái tháo đường được đánh giá là căn bệnh nguy hiểm bởi đây là một trong những nguyên nhân phổ biến gây tàn tật và tử vong sớm ở hầu hết các quốc gia và là nguyên nhân hàng đầu gây mù loà, bệnh tim mạch, suy thận và viêm loét chân. Theo kết quả điều tra tại Việt Nam, hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5 có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.

Trong đó, bệnh võng mạc đái tháo đường - một trong những nguyên nhân hàng đầu gây giảm thị lực và mù lòa trên thế giới đang được Bộ Y tế quan tâm. Mới đây, Cục Quản lý Khám chữa bệnh - Bộ Y tế đã có buổi phổ biến “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh võng mạc đái tháo đường” tại Hà Nội.

Bộ Y tế cho biết, bệnh võng mạc đái tháo đường diễn ra âm thầm, đa số người bệnh mắc bệnh này thường không biết cho đến khi tiến triển nặng, không thể hồi phục ngay cả được điều trị. Tổn thương võng mạc do đái tháo đường biểu hiện rất đa dạng như: tăng sinh mạch máu võng mạc, phù hoàng điểm, xuất huyết, xuất tiết, bong võng mạc...

Những tổn thương này sẽ gây suy giảm thị lực hoặc mù lòa không hồi phục, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sống của bệnh nhân, gia tăng gánh nặng kinh tế cho bản thân người bệnh, gia đình và xã hội. Hậu quả của tình trạng này là gần 2 triệu bệnh nhân đái tháo đường ở Việt Nam đang có nguy cơ mất thị lực. Do đó, việc xây dựng “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh võng mạc đái tháo đường” áp dụng chung trên toàn quốc là hết sức cần thiết.

Sống lành mạnh để phòng bệnh

Theo các chuyên gia, nguyên nhân gây ra bệnh rất phức tạp, nhưng phần lớn do thừa cân, béo phì và thiếu hoạt động thể lực. Do đó, việc thực hiện một lối sống lành mạnh là vô cùng cần thiết, giúp phòng ngừa mắc đái tháo đường. Đối với các bệnh nhân đã mắc bệnh, việc thực hiện lối sống lành mạnh có thể giúp ngăn ngừa được những biến chứng sức khỏe nghiêm trọng.

Lối sống lành mạnh gồm 2 yếu tố: ăn uống lành mạnh và tập thể dục thường xuyên. Trong đó, ăn uống lành mạnh là ăn điều độ, không quá nhiều, nhưng phải bảo đảm đủ 4 nhóm: rau quả, chất bột đường, đạm, chất béo. Cần bổ sung thêm nhiều chất xơ, ngũ cốc và hạn chế đường, chất béo và cacbonhydrat (có nhiều trong khoai tây).

Việc luyện tập thể dục thường xuyên không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn hạn chế nguy cơ béo phì. Thêm vào đó, việc luyện tập còn đem lại hiệu quả trong việc hạ thấp lượng đường và insulin trong máu. Các chuyên gia khuyên rằng mỗi người nên tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày. Ngoài ra, việc hút thuốc, uống rượu, bia cũng cần được loại bỏ để có một cơ thể khoẻ mạnh.

Theo một nghiên cứu cho thấy, những người có lối sống lành mạnh nhất, có thể giảm 75% nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và cứ mỗi thói quen lành mạnh thực hiện được, đã giảm được 61% nguy cơ mắc bệnh. Một số nghiên cứu khác cũng cho thấy đối với mỗi thói quen tốt mà một người áp dụng, nguy cơ mắc bệnh sẽ giảm từ 11 - 61%. Do đó, có thể nói rằng việc thực hiện lối sống lành mạnh chính là nền tảng cho việc kiểm soát căn bệnh này.

Đọc thêm