Nóng bỏng những cuộc đua đầu cấp

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ trong khoảng 10 ngày đầu tháng 6, Hà Nội diễn ra tới 6 kỳ thi tuyển sinh lớp 10 từ chuyên tới không chuyên. Cùng với đó là kỳ thi lớp 6 của các trường chất lượng cao. Nhiều thí sinh đăng ký từ 2 - 4 kỳ thi để tăng cơ hội trúng tuyển…
Hơn 5.500 học sinh thi để giành 270 suất vào lớp 6 trường Nguyễn Tất Thành, phụ huynh hồi hộp đứng chờ. (Ảnh: PV)
Hơn 5.500 học sinh thi để giành 270 suất vào lớp 6 trường Nguyễn Tất Thành, phụ huynh hồi hộp đứng chờ. (Ảnh: PV)

Thi lớp 6 chất lượng cao, chuyên 10 - tỷ lệ chọi trên 20

Hà Nội luôn là “điểm nóng” của tuyển sinh các lớp đầu cấp. Nhiều phụ huynh Hà Nội ví mùa tuyển sinh đầu cấp là cuộc chạy đua khốc liệt và căng thẳng nhất. Với mong muốn con thi đỗ vào trường top, trường chuyên, các gia đình này bỏ công sức, tiền của, đầu tư cho con theo học các lớp tiền tiểu học, học các lớp ôn thi vào lớp 6 từ khi con còn học lớp 3, lớp 4…

Đầu tháng 4/2024, khi thông tin về việc Hà Nội chính thức dừng tuyển sinh lớp 6 Trường Ams, nhiều phụ huynh có con học lớp 5 mới đưa ra quyết định cuối cùng về mục tiêu lớp 6. Không ít phụ huynh cho biết con chị có nguyện vọng duy nhất là vào lớp 6 của Trường Ams. Vì nguyện vọng đặc biệt nên từ lớp 1 gần như cháu không có một kỳ cuối tuần hay nghỉ hè nào trọn vẹn bởi lịch học thêm, ôn luyện để đạt nguyện vọng này. Từ lớp 3, lịch học của con chị còn dày đặc hơn. Không chỉ có cháu vất vả mà cả gia đình cũng phải cùng một guồng quay. Thực tế, nhiều năm trở lại đây vào được lớp 6 của trường quả thực là một cuộc chiến rất cam go mà người tham gia phải xác định rõ mục tiêu, có chiến lược và thực hiện một cách bài bản từ khi con vào lớp 1.

Đơn cử năm 2023, theo hướng dẫn tuyển sinh, học sinh phải đạt 167 điểm cho 17 bài kiểm tra cuối năm học, đồng nghĩa với việc chỉ được phép tối đa 3 điểm 9 ở cấp tiểu học, còn lại tất cả phải đạt điểm 10 mới được đăng ký dự thi. Năm 2022, theo danh sách nhà trường công bố, trong hơn 1.200 thí sinh đủ điều kiện dự thi đều có bảng điểm toàn điểm 10, rất hiếm hoi mới thấy điểm 9 xuất hiện trong các phiếu đăng ký dự thi.

Tại TP HCM, hằng năm việc tuyển sinh lớp 6 Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa cũng vô cùng khốc liệt. Từ nhiều năm nay, Sở GD&ĐT thực hiện tuyển sinh đầu vào bậc THCS của trường thông qua bài khảo sát năng lực tiếng Anh các kiến thức môn Toán, tiếng Việt, tiếng Anh, Khoa học, Lịch sử, Địa lý... Trung bình tỷ lệ chọi lớp 6 Trường THPT Chuyên Trần Đại Nghĩa thường dao động quanh mức 1/8, với chỉ tiêu hằng năm khoảng 500 học sinh thì có khoảng 4.000 em đăng ký khảo sát.

Chính bởi sự khốc liệt, cùng những tranh luận hàng năm về đề thi lắt léo, cực khó cùng bảng điểm xét tuyển toàn 10 nên Bộ GD&ĐT đã chính thức cho dừng hệ chuyên này theo đúng Luật Giáo dục, không có trường chuyên ở cấp THCS.

Do đó, sức nóng năm nay dồn vào các trường chất lượng cao. Những ngày đầu tháng 6, nhiều trường THCS chất lượng cao Hà Nội đã tổ chức tuyển sinh lớp 6 năm học 2024 - 2025. Các trường nhận về hàng nghìn hồ sơ đăng ký thi, trong khi chỉ tiêu tuyển sinh chỉ ở mức vài trăm, như Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội) có tỉ lệ chọi ở mức 1/20,5.

Năm nay, 5 trường chất lượng cao ở Hà Nội đều tuyển sinh lớp 6 với ba môn Toán, Tiếng Việt, Tiếng Anh, trong khoảng thời gian từ ngày 4 đến 15/6. Hà Nội có 5 trường THCS chất lượng cao, gồm: Nam Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Lê Lợi (Hà Đông) và Chu Văn An (Long Biên). Khác với trường công lập, nhóm này được tuyển sinh toàn thành phố, có thể tổ chức thi tuyển.

Vừa qua, hơn 2.700 thí sinh dự kỳ thi đầu vào lớp 6 của Trường THCS Ngoại ngữ, trong khi chỉ có 150 suất học. Chị Nguyễn Thị Hải, quận Tây Hồ cho hay, tuần trước, bé nhà chị đã thi Trường THCS Nguyễn Tất Thành, còn tuần này sẽ thi Trường Cầu Giấy. Con đã trúng tuyển ba trường tư trước đó nhưng vẫn thi tiếp. Nếu con đỗ được trường nào sẽ cho con học trường đó và sẽ bỏ những trường tư đã đỗ và đặt cọc kia. Để đạt mục tiêu, chị lo kiến thức cho con từ sớm, lên kế hoạch cụ thể ở từng khối lớp học môn gì, cô giáo nào. Từ lớp 3, bé tăng tốc học đủ ba môn Toán, Văn, Anh, mỗi môn hai hoặc ba buổi một tuần.

Trường THCS Ngoại ngữ tuyển sinh lần đầu cách đây 5 năm. Khi đó, trường tuyển 100 học sinh nhưng nhận tới 3.000 hồ sơ, tỷ lệ chọi cao nhất cả nước. Từ năm ngoái, trường được tăng chỉ tiêu lên 150, góp phần “hạ nhiệt” sự cạnh tranh. Điểm chuẩn lớp 6 năm 2023 của trường là 48/80 điểm…

Theo kế hoạch của Sở GD&ĐT Hà Nội, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT công lập diễn ra từ ngày 8 - 9/6, kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT chuyên (Trường THPT Chuyên Nguyễn Huệ, Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam, hệ chuyên của Trường THPT Sơn Tây và THPT Chu Văn An) diễn ra ngày 10/6.

Nhưng trước đó, từ ngày 1/6, khoảng trên 12 nghìn học sinh lớp 9 của Hà Nội thử sức trong các kỳ thi vào lớp 10 chuyên với lịch thi dày đặc. Đây là kỳ thi do trường THPT chuyên trực thuộc các trường ĐH tổ chức. Ngoài 4 trường chuyên thuộc sở, Hà Nội hiện có 4 trường chuyên trực thuộc các trường ĐH. Nhóm trường này tổ chức kỳ thi riêng vào các ngày khác nhau, tạo điều kiện cho thí sinh có nhiều cơ hội xét tuyển. Không ít thí sinh tham gia từ chuyên ĐH, chuyên phổ thông tới trường công là khoảng 3 - 4 kỳ thi chỉ trong khoảng 10 ngày…

Năm nay, hơn 106.000 học sinh Hà Nội tham dự kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập. Theo số liệu của Sở GD&ĐT Hà Nội, thành phố có hơn 50.000 em sẽ có lựa chọn khác như: học tư thục, học nghề, học Trung tâm GDTX - GDNN… Hằng năm, sau phân luồng, các trường công lập bậc THPT chỉ bảo đảm chỗ học cho khoảng 60 - 62% học sinh.

Chuyện “đến hẹn lại lên”

Năm học 2024-2025, Hà Nội dự kiến tuyển 160.000 học sinh vào lớp 6. (Ảnh: PV)

Năm học 2024-2025, Hà Nội dự kiến tuyển 160.000 học sinh vào lớp 6. (Ảnh: PV)

Có thể nói, nóng bỏng tuyển sinh đầu cấp luôn “đến hẹn lại lên” vào mỗi mùa tuyển sinh từ nhiều năm qua. Một phụ huynh bày tỏ, “là phụ huynh có con thi vào lớp 10 năm nay, tôi luôn trong trạng thái “căng như dây đàn”. Tôi tin, hàng triệu phụ huynh khác trong cả nước có con như tôi cũng có tâm trạng tương tự. Điều khiến các phụ huynh lo lắng là bởi các con đang phải căng mình trải qua một “cuộc chiến” khốc liệt không đáng có”.

Tỷ lệ đấu loại ở mỗi địa phương có khác nhau, nhưng cơ bản đều căng thẳng. Riêng các thành phố lớn như TP HCM và Hà Nội, trung bình 3 học sinh thi sẽ có một em trượt, tức cứ 10 học sinh lớp 9 sẽ có 3 đến 4 em không được vào lớp 10 trường công.

Những cuộc đấu căng thẳng đó xuất phát từ quan điểm phân luồng để định hướng nghề nghiệp. Những học sinh không vào được trường công sẽ chuyển sang học trường tư hoặc các trung tâm giáo dục thường xuyên hay các trường đào tạo nghề. Thế nhưng, không phải phụ huynh nào cũng có điều kiện cho con học trường tư với học phí cao ngất ngưởng. Trong khi, các trung tâm giáo dục thường xuyên, trường đào tạo nghề không phải chỗ nào cũng thuận tiện cho việc đi lại hoặc phù hợp với nhu cầu, năng lực học tập của các em.

Vị phụ huynh này bày tỏ, các cấp học phổ thông thực ra chỉ là giai đoạn phổ cập, học sinh chỉ cần học nhẹ nhàng, vừa sức là đủ và đủ điều kiện tốt nghiệp cấp dưới là có thể chuyển lên cấp trên cho đến hết bậc phổ thông. Điểm mấu chốt trong suốt quá trình học tập và cần phải siết chặt kể cả đầu vào lẫn đầu ra là cấp đại học, nhưng nhiều trường không có người học. Để kéo người học, nhiều trường đã “vơ bèo vạt tép” bằng cách hạ đầu vào xuống mức rất thấp, có nơi mỗi môn chỉ 3 đến 4 điểm cũng được vào đại học, sẽ tạo ra những sản phẩm không thể như mong đợi…

Theo ông Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng Trường THCS M.V Lô-mô-nô-xốp (Hà Nội), áp lực thi cử dồn nén lên vai học sinh có phần nguyên nhân từ sự kỳ vọng quá mức của phụ huynh, nhưng phần lớn nguyên nhân từ thiếu trường, lớp.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Tùng Lâm, Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, nguyên nhân cốt lõi dẫn đến áp lực đối với học sinh là thiếu trường lớp, đặc biệt là các quận nội thành hiện nay có số lượng trường THPT công lập rất ít. Một số quận nhiều năm nay không xây thêm được trường học nào trong khi số lượng học sinh tăng hằng năm.

Theo TS Lâm, giải pháp hiện nay là thành phố ưu tiên nhanh chóng mở rộng và xây mới các cơ sở trường học các cấp đáp ứng nhu cầu học tập khi tăng dân số. Ngoài việc sử dụng ngân sách nhà nước, có thể mở rộng chính sách công - tư hợp tác để từng quận, huyện căn cứ nhu cầu phát triển dân số trong quá trình đô thị hóa, giao đất sạch cho các nhà đầu tư xây dựng trường. Bên cạnh đó, Thủ đô cũng cần có chính sách động viên, khích lệ kịp thời trường tư thục chủ động, sáng tạo, đóng góp cho sự đa dạng hệ thống trường học và tạo điều kiện thuận lợi cho các trường còn gặp khó khăn để bảo đảm chất lượng giáo dục đồng đều giữa các trường, giảm áp lực tuyển sinh cho trường công.

Cùng với đó, theo ý kiến các chuyên gia, nhiều phụ huynh còn mang tâm lý nếu không thi được vào trường có danh tiếng, tương lai của con sẽ không được bằng bạn bằng bè. Điều này vô hình trung biến việc học của các con trở thành một cuộc đua, khiến cả phụ huynh và học sinh đều cảm thấy căng thẳng, áp lực. Ngoài ra, việc một số trường tiến hành thi tuyển với tỉ lệ chọi cao cũng khiến nhiều phụ huynh lầm tưởng học trong những ngôi trường này sẽ có nhiều cơ hội hơn, giá trị hơn so với các trường còn lại. PGS. TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội cho hay, phụ huynh, học sinh đang có quan điểm phải đạt thành tích cao mới có tương lai an toàn. Nền giáo dục phải dạy học để phát triển năng lực nhưng thực tế vẫn phải rẽ theo hướng tập trung giảng dạy nội dung kiến thức. Từ đó, người học khó tránh khỏi quá tải bởi khối lượng kiến thức vượt quá khả năng tiếp cận…

Với kỳ thi lớp 10, TS. Nguyễn Tùng Lâm cũng cho rằng, thay vì những căng thẳng như chuyện “tư vấn” cho học sinh học không tốt không thi lớp 10 bởi thầy cô chủ nhiệm lo học sinh trượt sẽ ảnh hưởng đến thành tích chung của nhà trường, thì ngay từ những lớp dưới, thầy cô hãy dũng cảm để học sinh ở lại lớp, thay vì những bảng điểm đẹp và sự dồn toa không đồng đều ở lớp 9…

Đọc thêm