'Nóng' cuộc đua vào lớp 10 công lập

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần hai tháng nữa, kì thi vào lớp 10 mới chính thức bắt đầu. Nhưng cuộc đua lớp 10 công lập tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP HCM đã bắt đầu “nóng”. 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Quay cuồng lò luyện

Trước quy định mới về cách tính điểm trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 công lập của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM năm nay, nhiều trường THCS đã tăng cường dạy và học môn Tiếng Anh, đặc biệt là việc thêm vào đề 4 câu hỏi về phát âm như định hướng của Sở GD-ĐT.

Với cách ra đề như hiện nay của Sở GD-ĐT TP buộc các giáo viên phải đổi mới phương pháp giảng dạy... Nhiều học sinh lớp 9 cho biết, cùng với việc học trên lớp các em phải tăng cường luyện thi môn Tiếng Anh tại các trung tâm.  

Theo ông Trần Đình Nguyễn Lữ, chuyên viên môn Tiếng Anh Sở GD-ĐT TP HCM thì đề thi môn Tiếng Anh năm nay tăng thời gian làm bài là 90 phút thay vì 60 phút như năm trước. Số lượng câu hỏi trong đề thi cũng tăng lên 40 câu thay vì 36 câu như trước đây. Tuy nhiên, độ khó của các câu hỏi không thay đổi, vẫn là 60% câu hỏi thuộc dạng cơ bản, 40% thuộc dạng nâng cao để phân hóa thí sinh, phục vụ cho công tác tuyển sinh. 

Còn tại Hà Nội, ngay sau khi chính thức “chốt” môn thi thứ 4 là môn Sử, không ít phụ huynh, học sinh bất ngờ bởi cho rằng sẽ không chọn thi một môn trong hai năm. Hơn nữa, tâm lý nhiều người thêm lo lắng bởi năm học này tiếp tục bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, từ ngày công bố môn thi chỉ còn hơn 2 tháng để ôn tập.

Trên các diễn đàn giáo dục, nhiều phụ huynh nháo nhào hỏi nhau chỗ luyện môn Sử tốt, gia sư dạy Sử, các phần mềm luyện Sử từ miễn phí đến mất phí. Anh Nguyễn Văn Đức, một phụ huynh ở Hai Bà Trưng, Hà Nội cho rằng, mục tiêu của con là thi vào trường top thuộc quận Hai Bà Trưng nên hiện giờ con đã kín lịch học thêm cả tuần ở các trung tâm, 3 buổi học Toán, 3 buổi học Văn, 1 buổi học Anh, nên giờ có muốn học thêm môn Sử cũng không có thời gian.

Hôm nào con cũng học đến 9-10 giờ tối mới về đến nhà trong tình trạng mệt nhoài. Vì vậy, anh quyết định mua phần mềm luyện thi online môn Sử nhưng cũng có rất nhiều loại giá từ 200.000-600.000 đồng. Anh quyết định mua phần mềm luyện thi online có hệ thống sơ đồ tư duy dễ hiểu, dễ nhớ, kiến thức trọng tâm theo chủ đề và các đề thi trắc nghiệm… do một thầy giáo biên soạn bán với giá 600.000 đồng/bộ.

Nhiều trung tâm, nhiều giáo viên dạy Lịch sử tại Hà Nội đã liên tục chiêu học sinh để mở lớp dạy cấp tốc. Học phí cho mỗi buổi ôn thi không dưới 200.000 đồng với khoảng 10 học sinh/lớp. Bên cạnh đó, các lớp ôn thi 3 môn Toán - Văn - Anh cũng đang chạy hết công suất.

Mức học phí được các trung tâm đưa ra với các môn Toán, Văn, Anh, Sử cho kỳ thi vào lớp 10 là 300.000 đồng/buổi (nếu chọn học với giáo viên); 150.000-250.000 đồng/buổi nếu sinh viên dạy phụ đạo. Không đăng ký nhanh sẽ hết suất học.

Khó giảm áp lực?

Thực tế, nhiều chuyên gia giáo dục cho rằng, không nhất thiết phụ huynh phải cho con tới các lò luyện thi cấp tốc vừa tốn tiền, vừa vất vả mà hiệu quả không cao vì các con quá mệt với lịch học dày đặc từ sáng tới khuya. 

Bởi ngay tại các nhà trường cũng đang tăng cường thêm tiết Lich sử để chạy chương trình và lên kế hoạch cho học sinh làm bài khảo sát, tăng tiết ôn tập môn Lịch sử, cho học sinh làm dạng đề trắc nghiệm… 

Sở dĩ cuộc đua vào lớp 10 ở Hà Nội luôn nóng bỏng, bởi chỉ có khoảng 60% số học sinh được tuyển vào trường THPT công lập, còn lại sẽ học trường ngoài công lập, trường nghề. Đặc biệt, năm học này tiếp tục chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, học sinh tạm dừng đến trường để chuyển sang học online. Dù nỗ lực nhưng học sinh, phụ huynh và cả giáo viên thừa nhận học online khó có hiệu quả như dạy học trực tiếp. Vì vậy, quyết định vẫn thi môn thứ 4 của Hà Nội khiến nhiều phụ huynh và học sinh càng thêm căng thẳng, áp lực.

Một điểm mới trong mùa tuyển sinh năm nay là mỗi học sinh được đăng ký nguyện vọng dự tuyển vào 3 THPT công lập, xếp theo thứ tự ưu tiên, trong đó nguyện vọng 1, nguyện vọng 2 phải thuộc khu vực tuyển sinh mà học sinh có hộ khẩu thường trú. Nguyện vọng 3 có thể thuộc một khu vực tuyển sinh bất kỳ. Học sinh không được thay đổi nguyện vọng dự tuyển sau khi đã đăng ký.

Nhiều người cho rằng, với quy định này, học sinh sẽ không có cơ hội đăng ký nguyện vọng vào các trường mong muốn do trường không nằm trong khu vực cư trú thực tế cũng như nơi có hộ khẩu thường trú. Các em học sinh giỏi ngoại thành muốn vào trường top đầu cũng hạn chế hơn. 

Ngược lại, những trường THPT công lập những năm trước có điểm chuẩn ở top dưới năm nay có thể thay đổi điểm chuẩn khiến cho cuộc đua vào lớp 10 thêm căng thẳng cả ở các trường top trên lẫn top dưới.

Trước những băn khoăn này, ông Phạm Văn Đại - Phó Giám đốc phụ trách Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết, mặc dù quy định thí sinh có hộ khẩu thường trú ở địa bàn nào thì đăng ký nguyện vọng ở đó, nhưng những trường hợp sinh sống một nơi mà hộ khẩu ở nơi khác thì học sinh sẽ được đổi khu vực tuyển sinh. 

Đọc thêm