Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long dè dặt tái đàn heo

(PLVN) - Do dự báo nguồn cung thịt heo giảm nhanh và giá heo hơi có thể tăng cao đột biến trong thời gian tới nên hiện nay ở một số nơi ở miền Tây, các hộ chăn nuôi heo đã bắt đầu tái đàn. Tuy nhiên tâm lý chung của bà con là cố gắng bảo vệ đàn heo hiện có, tái đàn với số lượng ít, chủ yếu lấy heo giống tự sản xuất để nuôi nhằm chuẩn bị lứa heo thịt cung ứng cho thị trường vào dịp cuối năm.
Một hộ chăn nuôi ở Bạc Liêu chuẩn bị tái đàn từ nguồn con giống hộ gia đình

Dè dặt tái đàn quy mô nhỏ

Khoảng hơn tuần nay, các thương lái mua heo ở Bạc Liêu đi tìm khắp nơi nguồn cung thịt heo mà vẫn không đủ lượng thịt cung ứng cho các bạn hàng. Để mua được heo thịt, các thương lái liên tục tăng giá khiến giá heo hơi tăng cao. 

Chị Đào Chúc Phương (ngụ Tân Phong, huyện Giá Rai, Bạc Liêu) cho biết, cách đây ba tuần, giá heo hơi chỉ có 33.000 đồng/kg, nhưng khoảng hơn tuần nay, thương lái đã chủ động tăng lên 39.000/kg. “Tôi vừa bán xong một đợt heo, giờ trong chuồng chỉ còn vài con, ít bữa nữa sẽ bán hết. Sắp tới chúng tôi chỉ còn heo nái với heo con. Hơn hai tháng nữa chúng tôi mới có heo thịt để bán lại”, chị nói.

Các cơ sở chăn nuôi heo ở TP Cần Thơ cho biết, chi phí nuôi đến khi heo đạt trọng lượng xuất bán hiện nay khá cao. Đa số các hộ chăn nuôi cho heo ăn loại thức ăn khô, trung bình cứ sau ba tháng là xuất bán được.

Mỗi con heo tính từ lúc nuôi cho đến xuất bán phải tốn khoảng 2 triệu đồng tiền thức ăn, cộng thêm tiền con giống, điện, nước, thuốc thú y thì mỗi con heo nuôi đến khi đạt trọng lượng xuất bán tốn khoảng 3,5 triệu đồng, chưa kể công chăm sóc.

Hiện tại, giá heo giống tại một số địa phương ở miền Tây đạt trọng lượng từ 10 – 12 kg có giá bán từ 1,2 – 1,3 triệu đồng/con. Với giá heo hơi hiện nay và trong điều kiện không bị dịch bệnh, người nuôi heo ở miền Tây có thể lãi vài trăm ngàn đồng/con sau ba tháng nuôi. 

Mặc dù giá heo hơi liên tục tăng những ngày gần đây, nhưng người nuôi heo vẫn còn tâm lý lo lắng khi tái đàn vì dịch tả heo châu Phi (DTHCP) vẫn còn diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, có nhiều hộ nuôi muốn tái đàn cũng khó vì nguồn con giống khan hiếm. 

“Nghe dự báo giá heo sẽ tăng cao, gia đình tôi muốn mua heo giống về tái đàn để chuẩn bị bán trong dịp trước Tết kiếm lời. Nhưng bây giờ muốn mua con giống cũng khó vì giá cao hơn trước đây 100.000 – 200.000 đồng/con, mà cũng ít chỗ bán con giống”, bà Đinh Thị Thảo (An Trạch, Đông Hải, Bạc Liêu) chia sẻ.

Thực tế giá heo hơi tăng cao chủ yếu do nguồn cung giảm vì ảnh hưởng bởi bệnh DTHCP, còn heo thịt được bán ở chợ, siêu thị và các cửa hàng tiện ích giá cả vẫn khá ổn định. Theo thống kê, tính từ tháng 2 đến nay, ngành chăn nuôi lợn của cả nước phải chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của bệnh DTHCP, ước tính đã có 4 triệu con lợn buộc phải tiêu huỷ.

Còn tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), tất cả 13 tỉnh thành đều đã công bố dịch. Riêng địa bàn TP Cần Thơ, trung tâm của vùng ĐBSCL, tính đến 27/8/2019 DTHCP đã xảy ra tại 1.955 hộ chăn nuôi heo thuộc 74 xã, phường của 9 quận, huyện. Tổng số heo trong ổ dịch là 59.163 con, số heo bệnh 27.478 con, chết 11.603 con, số tiêu hủy lên đến 52.253 con. 

Với tình hình bệnh DTHCP diễn biến phức tạp, chưa có dấu hiệu hạ nhiệt như hiện nay, nhiều khả năng giá heo hơi còn tăng cao do thiếu hụt nguồn cung và nhu cầu tiêu thụ loại thịt này ngày càng tăng do người tiêu dùng đã được tuyên truyền và hiểu rõ DTHCP không lây sang người.

Chị Nguyễn Thị Lượm (xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Lo ngại dịch bệnh lây lan, tôi hạn chế cho heo nái sinh sản. Các năm trước, gia đình tôi thường xuyên nuôi khoảng 5 - 6 con heo đẻ. Còn bây giờ giảm xuống chỉ còn 3 con heo nái. Chúng tôi chưa dám nuôi nhiều vào lúc này”.

Theo những hộ chăn nuôi quy mô lớn ở TP Cần Thơ, dù thường xuyên áp dụng các biện pháp phòng dịch như: phun thuốc tiêu độc sát trùng, hạn chế người ra vào khu vực chuồng trại chăn nuôi, không cho heo ăn thức ăn thừa… nhưng người chăn nuôi vẫn chưa an tâm về đàn heo do đường lây truyền bệnh DTHCP rất phức tạp.

Khuyến cáo chỉ tái đàn khi đáp ứng đủ điều kiện vệ sinh thú y 

Trước tình hình người chăn nuôi heo tái đàn đón giá, các ngành chức năng các tỉnh miền Tây lưu ý người chăn nuôi cần hết sức thận trọng khi tái đàn. DTHCP đang diễn ra hết sức phức tạp và có thể diễn biến lâu dài, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng khá nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định đối với nghề chăn nuôi lợn. 

Ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở NNN & PTNT TP Cần Thơ cho biết: Cần Thơ với vị trí trung tâm của vùng ĐBSCL đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ DTHCP. Dịch bệnh từ các tỉnh lân cận và trong cả nước luôn tạo áp lực cho TP trong kiểm dịch vận chuyển động vật, kiểm soát sản phẩm động vật nhập vào TP và kiểm soát dịch bệnh cho các trại chăn nuôi trên địa bàn. 

Để chủ động phòng, chống DTHCP và hướng dẫn các trại, hộ chăn nuôi bảo vệ đàn heo, tái đàn khôi phục sản xuất, trong thời gian tới, ông Yên khuyến cáo: “Với các trang trại, hộ chăn nuôi chưa xảy ra dịch bệnh, không được chủ quan, cần phải tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học nghiêm ngặt để bảo vệ đàn heo.

Nếu các cơ sở chăn nuôi quy mô lớn có điều kiện chăn nuôi an toàn sinh học nghiêm ngặt, kiểm soát tốt dịch bệnh, vệ sinh môi trường, đáp ứng đủ điều kiện vệ sinh thú y thì nên tiếp tục nuôi giữ đàn heo giống để chuẩn bị tái đàn.

Trước khi tiếp nhận heo nuôi làm giống và nuôi thương phẩm, chủ cơ sở chăn nuôi phải báo cáo với chính quyền địa phương và cơ quan thú y để theo dõi, quản lý theo hướng dẫn của ngành NN&PTNT”.

Cũng theo ông Yên, với vùng bị dịch nhưng đã qua 30 ngày không tái dịch đủ điều kiện đảm bảo thực hiện các biện pháp an toàn sinh học thì có thể tái đàn. Với heo nhập từ ngoài TP phải có Giấy kiểm dịch; chấp hành các quy định phòng, chống dịch bệnh của cơ quan thú y và chính quyền địa phương.

Trước khi tiếp nhận heo để nuôi, chủ cơ sở chăn nuôi phải báo cáo với chính quyền địa phương, cơ quan thú y để theo dõi, quản lý và cơ sở chăn nuôi từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số heo có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi nuôi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh DTHCP thì mới tái đàn với số lượng phù hợp với điều kiện của cơ sở.

Với các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, điều kiện chăn nuôi không đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh thì khuyến cáo người chăn nuôi không tái đàn trong thời điểm này, nhất là ở những địa bàn đã xảy ra bệnh DTHCP, không sử dụng thức ăn dư thừa để cho heo ăn; nên chuyển đổi qua chăn nuôi đối tượng khác như nuôi bò, dê, gà, vịt, nuôi thủy sản hoặc chuyển mục đích qua ngành nghề khác phù hợp với điều kiện tại địa phương. 

Ngành chức năng cũng khuyến cáo người chăn nuôi tại các nơi đang xảy ra bệnh DTHCP không nên tái đàn, tạm thời ngừng cho heo bố mẹ sinh sản. 

Đọc thêm