Nông nghiệp hàng hoá tạo ra những thay đổi đột phá cho tỉnh Tuyên Quang

(PLVN) - Nhờ vào việc chú trọng phát triển các vùng nông sản hàng hóa tập trung, khuyến khích người nông dân đầu tư khoa học - kỹ thuật, nâng cao chất lượng, từ đó xây dựng thành công thương hiệu và giải quyết được bài toán đầu ra nông nghiệp hàng hóa đang tạo ra những thay đổi đột phá cho tỉnh Tuyên Quang.
Tuyên Quang đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản chuyển sang nền nông nghiệp hàng hóa, tiêu chuẩn, chất lượng.

Lấy nông nghiệp làm gốc là quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của tỉnh Tuyên Quang. Toàn tỉnh hiện có trên 8.300ha chè, trên 7.000ha cam, trên 5.000ha bưởi, 4.500ha lạc...

Giá trị sản phẩm thu được trên đất trồng trọt của tỉnh bình quân đạt 102,1 triệu đồng/ha/năm 2021, cao nhất từ trước đến nay, tăng 1,4 lần so với năm 2015. Trong đó, một số cây trồng đạt giá trị cao như cam đạt 197 triệu đồng/ha/năm, bưởi đạt 170 triệu đồng/ha/năm, lạc đạt 131,7 triệu đồng/ha/năm.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang cho biết, kết quả lớn nhất của ngành là sau Đại hội Đảng bộ tỉnh, Sở đã cụ thể hóa mục tiêu của Nghị quyết về khâu đột phá trong ngành Nông nghiệp bằng việc tham mưu cho tỉnh ban hành 14 nghị quyết, đề án, kế hoạch. Giờ đây, các xã, huyện đã có định hình, mục tiêu cụ thể như: trồng cây gì, nuôi con gì, ở đâu, chỗ nào đều đầy đủ, cụ thể. Vấn đề chỉ còn là tổ chức thực hiện như thế nào để mang lại hiệu quả?

“Sau khi các văn bản được ban hành, tỉnh đã thành lập Đoàn công tác làm việc với các huyện để kiểm tra tiến độ, kiểm tra các huyện, xã đã cụ thể hoá những chủ trương này như thế nào, cách triển khai thực hiện, cũng như tháo gỡ kịp thời những vướng mắc. Qua các buổi làm việc trực tiếp, tôi thấy rất ý nghĩa và hiệu quả. Nhiều vấn đề đã được làm rõ ngay tại buổi làm việc. Với cách làm bài bản này, tôi tin tưởng ngành Nông nghiệp sẽ hoàn thành các mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ tỉnh đề ra”, ông Việt chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Việt, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Tuyên Quang cùng Đoàn công tác làm việc với các huyện để kiểm tra tiến độ, cách triển khai thực hiện

Những năm qua, tỉnh Tuyên Quang đã đánh giá, đưa ra những quyết sách có tính chiến lược trong phát triển sản xuất nông nghiệp. Những vùng cam, chè, bưởi, lạc, gỗ rừng trồng, trâu, lợn và cá đặc sản có lợi thế, sức cạnh tranh cao được quan tâm đầu tư, phát triển bài bản.

Tỉnh đã xây dựng Ðề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2015 - 2020. Rà soát, điều chỉnh, xây dựng quy hoạch ngành, lĩnh vực và quy hoạch tổng thể trên cơ sở phát huy lợi thế địa phương và nhu cầu thị trường để tập trung phát triển sản xuất.

Ðồng thời, tích cực huy động, lồng ghép các nguồn lực cho xây dựng kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Ngành Nông nghiệp Tuyên Quang đã thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp nông thôn như: Nghị quyết 03/2021/NQ-HĐND về chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản hàng hóa, sản phẩm OCOP và xây dựng nông thôn mới; Nghị quyết số 06/2020/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Nghị quyết số 11/2019/NQ-HĐND về hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Sản phẩm cam sành Hàm Yên được giới thiệu đến đông đảo người tiêu dùng

Hiện tại, Tuyên Quang đã có 65 sản phẩm đăng ký nhãn hiệu hàng hóa. Từ một tỉnh chưa có tên trong bản đồ các sản phẩm nông nghiệp, Tuyên Quang giờ đã vươn tầm đứng vào tốp đầu trong khu vực miền núi phía Bắc, với giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2021 tăng 5,3% so với năm 2020.

Giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn ngân sách đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn của tỉnh Tuyên Quang là khoảng 2.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng vốn đầu tư trên địa bàn tỉnh. Thu hút đầu tư 30 dự án phát triển sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản.

Hết năm 2021, toàn tỉnh có trên 70 doanh nghiệp nông nghiệp, tăng 25 doanh nghiệp so với năm 2015, có 405 HTX nông, lâm nghiệp, thủy sản, tăng 300 HTX; Trong đó có 17 HTX ứng dụng công nghệ cao, 98 HTX có hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả, có 386 trang trại.

Bộ trưởng Bộ Nông Nghiệp và PTNT cùng các lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang dự Hội thảo tại Tuyên Quang

Nâng tầm nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp, đồng thời tiếp tục khai thác tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương, tỉnh đã và đang triển khai thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, theo kế hoạch năm 2022, tỉnh sẽ phát triển, đánh giá, xếp hạng trên 40 sản phẩm. Tính đến thời điểm này, tỉnh đã thực hiện đánh giá xếp hạng cho 128 sản phẩm.

Tuyên Quang đặt mục tiêu đến năm 2030 cơ bản chuyển sang nền nông nghiệp hàng hóa, tiêu chuẩn, chất lượng, giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, tạo sự ổn định và phát triển bền vững.