Thúc đẩy xuất khẩu trái cây chính ngạch sang Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chỉ sau 1 năm xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sầu riêng đã đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 2 tỷ USD, gia tăng vị thế của trái cây Việt Nam tại thị trường tỷ dân này.
Một số mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. (Ảnh: Vneconomy.vn)

Một số mặt hàng trái cây xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. (Ảnh: Vneconomy.vn)

Đẩy mạnh các sự kiện xúc tiến thương mại

Theo thông tin từ Bộ Công Thương, Bộ này sẽ đồng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức Lễ hội trái cây lần thứ 1 tại Thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) với sự hợp tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Hiệp hội Rau quả Việt Nam và các đối tác Trung Quốc. Sự kiện dự kiến diễn ra trong 2 ngày 29 - 30/9/2024, với sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp nông sản lớn tại Việt Nam và các hiệp hội chuyên ngành nông sản, nhà nhập khẩu, cung tiêu của Trung Quốc.

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Lễ hội trái cây sẽ là một trong những sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng với thị trường Trung Quốc đối với các mặt hàng củ, quả tươi và sản phẩm chế biến từ củ, quả đã được phép nhập khẩu chính ngạch vào Trung Quốc.

Thông điệp quảng bá trái cây Việt Nam dự kiến mang tới Thủ đô quốc gia trên 1,4 tỷ dân lần này dự kiến là “Trái cây Việt Nam - Bốn mùa thơm ngon”. Trong khuôn khổ Lễ hội sẽ diễn ra các hoạt động giao thương trực tiếp giữa các doanh nghiệp Việt Nam và nhà nhập khẩu, phân phối trái cây Trung Quốc, chương trình trải nghiệm sản phẩm, Tọa đàm về tiềm năng xuất khẩu (XK) trái cây Việt Nam.

Đại diện Bộ Công Thương cho rằng, Lễ hội trái cây lần đầu tiên được kỳ vọng sẽ mang lại cho trái cây Việt Nam cơ hội gia tăng thị phần tại Trung Quốc khi quốc gia này chi khoảng 20 tỷ USD/năm để nhập khẩu hoa quả. Trong khi đó, tính đến nay, với 11 mặt hàng được nhập khẩu chính ngạch, hoa quả Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng hơn 10% thị phần tại Trung Quốc. Ngoài ra, từ tháng 9/2024, quả dừa tươi cũng đã chính thức được XK chính ngạch sang Trung Quốc.

Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương) lưu ý, để giữ vững và gia tăng kim ngạch XK trái cây sang Trung Quốc, doanh nghiệp XK cần hạn chế tối đa các sai sót không đáng có trong quá trình XK trái cây, cụ thể như thông tin trên giấy chứng nhận kiểm dịch, trên giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cần khớp với thực tế lô hàng XK, tránh việc các cơ quan liên quan phía Trung Quốc không cho phép thông quan do vướng phải các sai sót, trong khi thực tế hàng XK đã đáp ứng đầy đủ yêu cầu của phía Trung Quốc.

Trưởng Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) Nguyễn Hữu Quân cho rằng, các biện pháp XTTM hiện nay đều hướng đến mục tiêu tăng cường XK chính ngạch trái cây sang thị trường tiềm năng, do đó, các địa phương có thế mạnh nên tổ chức các hội nghị xúc tiến tiêu thụ hàng nông sản đặc thù địa phương tại các khu vực thị trường nằm sâu trong nội địa Trung Quốc nhằm thúc đẩy chuyển dịch XK theo hình thức thương mại chính quy.

Trung Quốc sẽ sang kiểm tra công tác XK dừa tươi tại Việt Nam

Theo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, hiện Trung Quốc là thị trường rất quan trọng của dừa, hàng năm nước bạn tiêu thụ 4 tỷ quả dừa, trong đó có khoảng 2,6 tỷ quả tươi... Trong khi nhu cầu lớn, nhưng năng lực sản xuất của Trung Quốc còn hạn chế, đây chính là cơ hội cho quả dừa của Việt Nam.

Đại diện Bộ NN&PTNT Việt Nam cho biết thêm, khoảng ngày 11 - 12/9, đoàn công tác của Trung Quốc sang Việt Nam kiểm tra công tác chuẩn bị các mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói dừa tươi của Việt Nam để phục vụ XK dừa tươi.

Để chuẩn bị đón đoàn kiểm tra của nước bạn, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT yêu cầu 15 tỉnh, thành đang trồng nhiều dừa cần phải nắm bắt, nghiên cứu kỹ lưỡng và chuẩn bị các vấn đề, tài liệu liên quan theo quy định theo nghị định thư đã được ký kết giữa Bộ và Tổng cục Hải quan Trung Quốc để tiếp đón, cung cấp thông tin liên quan cho đoàn nhanh chóng và thuận lợi.

Để dừa tươi của Việt Nam được XK qua tất cả các cửa khẩu của Trung Quốc, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, ông Nguyễn Quang Hiếu đề nghị các địa phương phải thực hiện nghiêm túc các điều trong nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với xuất khẩu dừa tươi từ Việt Nam sang Trung Quốc. Cụ thể, tất cả các vùng trồng và cơ sở đóng gói dừa XK sang Trung Quốc phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT Việt Nam được cả Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Trước khi XK, Bộ NN&PTNT phải gửi cho Tổng cục Hải quan Trung Quốc danh sách các vùng trồng và cơ sở đóng gói đã đăng ký để phê duyệt và danh sách này sẽ được cập nhật thường xuyên.