Nông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong điều kiện hết sức khó khăn và nhiều thách thức, nhất là dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp cả trong nước và thế giới làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản, ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình sản xuất, xuất khẩu nông sản, song ngành ngông nghiệp tiếp tục khẳng định là trụ đỡ của nền kinh tế…
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp báo.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chủ trì cuộc họp báo.

Thông tin tại buổi họp báo thường kỳ quý III/2021 của Bộ NN&PTNT tổ chức sáng nay, 5/10, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Văn Việt khẳng định, vai trò trụ đỡ của ngành nông nghiệp thể hiện ở tốc độ tăng trưởng và khả năng cung ứng cho nền kinh tế.

Theo Tổng cục Thống kê, giá trị gia tăng (VA) của Ngành quý III tăng 1,04% so với Quý III năm 2020; trong đó, nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi) tăng 2,83%, lâm nghiệp tăng 2,15%, thủy sản giảm 4,89%.

Lũy kế 9 tháng, tốc độ tăng trưởng VA của Ngành đạt 2,74% (nông nghiệp tăng 3,32%, lâm nghiệp tăng 3,30%, thủy sản tăng 0,66%) và đóng góp 23,52% vào mức tăng chung của toàn nền kinh tế (GDP cả nước +1,42%).

Trong 9 tháng qua, nhiều chỉ tiêu sản xuất, kinh doanh đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó ngành Nông nghiệp đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm dồi dào, phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu

Cụ thể, về trồng trọt, về lúa, tính đến trung tuần tháng 9, cả nước gieo cấy được 7,13 triệu ha; đến nay đã thu hoạch đạt khoảng 5,3 triệu ha, sản lượng khoảng 33,5 triệu tấn thóc. Vụ lúa Đông xuân năng suất tăng 2,2 tạ/ha; sản lượng đạt 20,6 triệu tấn, tăng 755,1 nghìn tấn so với vụ Đông xuân 2020; Cây lâu năm, tổng diện tích gieo trồng cây lâu năm ước đạt 3.642,4 nghìn ha, tăng 1,3% so cùng kỳ.

Về chăn nuôi, sản lượng thịt trâu ước đạt 86,6 nghìn tấn, giảm 0,4%; thịt bò đạt 332,4 nghìn tấn, tăng 2,4%; thịt lợn hơi ước đạt 3.060,9 nghìn tấn, tăng 5,0%; thịt gia cầm hơi xuất chuồng ước đạt 1.402,7 nghìn tấn, tăng 4,3%; sản lượng sữa bò tươi ước đạt 856,6 nghìn tấn, tăng 11,0%; trứng ước đạt 12,8 tỷ quả, tăng 4,3%

Đặc biệt lĩnh vực thủy sản, lĩnh vực chịu ảnh hưởng mạnh của dịch COVID-19, sản lượng khai thác và nuôi trồng quý III (giảm 5,2%). Tính chung 9 tháng, tổng sản lượng đạt gần 6,38 triệu tấn, giảm 0,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Về lâm nghiệp, diện tích rừng trồng tập trung ước đạt 175 nghìn ha, tăng 7,6% so với CKNT; sản lượng gỗ khai thác đạt 12.589,2 nghìn m3, tăng 4,3%; sản lượng củi khai thác đạt 14,3 triệu ste, giảm 0,9%.

Đặc biệt, các mặt hàng nông lâm thuỷ sản tăng cả về số lượng và giá trị xuất khẩu. Cụ thể, 9 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cũng kỳ năm trước.

Trong đó, xuất khẩu nhóm nông sản chính ước đạt trên 15,8 tỷ USD, tăng 14,4%; lâm sản chính đạt khoảng 11,97 tỷ USD, tăng 31,6%; thủy sản đạt gần 6,2 tỷ USD, tăng 2,4%; chăn nuôi ước đạt 345 triệu USD, tăng 17,5%; nhóm đầu vào sản xuất khoảng 1,3 tỷ USD, tăng 31,6%.

Tuy nhiên, kim ngạch nhập khẩu nông lâm thủy sản, nhất là nguyên liệu phục vụ sản xuất cũng tăng mạnh, ước đạt 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Do vậy, xuất siêu 9 tháng dù đạt trên 3,3 tỷ USD nhưng giảm 55,3% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường xuất khẩu, khu vực châu Á (chiếm 42,2% thị phần), châu Mỹ (30,7%), châu Âu (11,3%), châu Đại Dương (1,5%) và châu Phi (1,9%). Trong đó, 04 thị trường xuất khẩu chính là Mỹ (28,6%), Trung Quốc (19,1%) , Nhật Bản (6,8%) và Hàn Quốc (4,3%).

Riêng đối với thị trường Trung Quốc, hiện Việt Nam đã có 9 loại trái cây tươi được xuất khẩu chính ngạch, bao gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít và măng cụt.

Tại cuộc họp báo Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định với những nỗ lực 9 tháng qua, ngành nông lâm thủy sản vẫn giữ được nhịp tăng trưởng, khẳng định vai trò là trụ đỡ của kinh tế - xã hội cả nước.

Thứ trưởng cho rằng, với 35,5 tỷ USSD kim ngạch xuất khẩu đạt được trong 9 tháng, mục tiêu xuất khẩu 44 tỷ USD trong năm nay “tưởng đơn giản nhưng đây là bài toán khó bởi nguồn nguyên liệu đã hết”

Lãnh đạo ngành Nông nghiệp cũng nhận định, dù ngành nông nghiệp vẫn duy trì đà tăng trưởng (2,74%), nhưng những tác động tiêu cực của dịch COVID-19 đến chuỗi sản xuất - chế biến - tiêu thụ nông sản nói riêng và các hoạt động kinh tế xã hội của cả nước vừa qua đòi hỏi ngành nông nghiệp phải tập trung cao độ triển khai những nhiệm vụ, giải pháp cấp bách được giao tại các Nghị quyết của Chính phủ…

Chủ động nguồn thực phẩm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán

Trả lời báo chí về đảm bảo nguồn cung thực phẩm dịp cuối năm, ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ NN&PTNT cho biết thời gian qua chăn nuôi cực kỳ khó khăn do dịch COVID-19. Giá thức ăn chăn nuôi tăng từ 16-35%, ngành này vẫn duy trì 26 triệu con heo, 55,5 triệu con gia cầm...

Trong bối cảnh COVID-19 và giãn cách xã hội ở Hà Nội và 19 tỉnh, thành phố phía Nam khiến nhu cầu tiêu thụ giảm khoảng 30%, do đó dư thừa tại chuồng, đặc biệt gà công nghiệp tiêu thụ chỉ 5-10%, mặc dù hiện nay giá có tăng nhưng người dân vẫn lỗ. Trong khi đó, giá thịt heo cũng chỉ dao động ở khoảng 45.000 - 50.000 đồng/kg nên người chăn nuôi gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, tới đây nếu không chủ động được nguồn thực phẩm thì sẽ có thiếu cục bộ trong quý 4/2021, dịp Tết Nguyên đán và những tháng đầu năm 2022.

"Bộ sẽ làm việc và chỉ đạo các doanh nghiệp chăn nuôi chủ động tái đàn. Đồng thời chỉ đạo các tỉnh không có giãn cách xã hội duy trì và tăng chăn nuôi để hỗ trợ các tỉnh giãn cách xã hội. Thứ nữa là ngân hàng cần phải giãn nợ, khoanh nợ, cho vay để người chăn nuôi tái đàn. Trong chăn nuôi thì cũng tăng cường sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu trong nước để giảm bớt giá thành sản xuất... Nếu kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và dịch bệnh trên gia súc, gia cầm thì sẽ chủ động được nguồn thực phẩm trong những tháng cuối năm" - ông Trọng nói.

Đọc thêm