Nông thôn mới nâng cao

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Thay mặt Thủ tướng, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh vừa ký Quyết định số 587/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 – 2025.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nhằm thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ từng ban hành Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) các giai đoạn 2011 - 2015, 2016 - 2020, 2021 - 2025 với nhiều nội dung và chỉ tiêu phấn đấu cụ thể, cho mỗi giai đoạn. Chương trình NTM về bản chất là thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn; thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 (Khóa X) về chính sách phát triển đối với nông nghiệp, nông thôn và nông dân (thường gọi tắt là Nghị quyết tam nông).

Đó là một cuộc “cách mạng” to lớn, kéo dài đã qua 3 nhiệm kỳ Đại hội Đảng và vẫn đang tiếp tục. Hội nghị Trung ương 5 (khóa XIII) vừa qua đánh giá, sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, có ý nghĩa to lớn, bao trùm, toàn diện. Sản xuất, kinh doanh nông sản chuyển mạnh theo hướng nâng cao chất lượng và giá trị, thích ứng biến đổi.

Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh mẽ, nhưng qua 2 năm đại dịch COVID-19 cho thấy “phi nông bất ổn” như nhà bác học Lê Quý Đôn ở thế kỷ 18 đã nói (nguyên văn cả câu: “Phi nông bất ổn, phi công bất phú, phi thương bất hoạt, phi trí bất hưng”).

Mặc dù vậy, việc triển khai thực hiện vẫn còn bộc lộ nhiều tồn tại, hạn chế như: nông nghiệp phát triển còn thiếu bền vững, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm, tổ chức sản xuất chủ yếu vẫn dựa vào nông hộ nhỏ, thiếu liên kết trong sản xuất kinh doanh; kinh tế tập thể, hợp tác xã chậm phát triển. Việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa trở thành động lực chính để tạo đột phá phát triển. Những năm gần đây, nghịch lý “được mùa rớt giá”, buộc phải “giải cứu” nông sản cho nông dân vẫn là câu chuyện không lạ. Đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp, chế biến sau thu hoạch vẫn là “món nợ” của liên kết “các nhà” một thời hô hào như phong trào.

Đại hội Đảng XIII xác định tiếp tục triển khai Chương trình xây dựng NTM theo hướng gắn với quá trình đô thị hóa, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững; thực hiện xây dựng NTM nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và xây dựng NTM cấp thôn, bản... Cả hệ thống chính trị tiếp tục phải vào cuộc. Đây là giai đoạn, trang bị cho nông dân đủ kiến thức để thay đổi, với nhiều chính sách, cách làm mới may ra mới phát triển, đột phá.

Tình hình địa chính trị thế giới bất ngờ thay đổi từ cuối tháng 2/2022 đến nay cho thấy cần phải có chính sách an ninh lương thực quốc gia trong tình hình mới. NTM giai đoạn 2021 – 2025, nâng cao về chất, nông dân là trung tâm, nông nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế đất nước.

Đọc thêm