“Nốt ruồi” tai quái hóa “mai rùa” 4 năm ôm tấm lưng gầy

(PLO) -Từ khi được sinh ra, em Trần Thị Ngọc Thắm (10 tuổi, ngụ ấp Chà Ong, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) chỉ bị một vết chàm nhỏ trên lưng. Khoảng 4 năm nay vết chàm đột nhiên ngày càng lan rộng, phát triển thành một khối u to lớn dị thường trùm lấy tấm lưng gầy như một tấm “mai rùa”. 
Bé gái trước khi được thăm khám phẫu thuật
Bé gái trước khi được thăm khám phẫu thuật

Ngày ngày Thắm phải sống trong cảnh mặc cảm bị bạn bè trêu chọc và những cơn đau đớn khiến em không thể ngủ yên. 

Sáng ngày 29/8/2016, Thắm được các bác sĩ thuộc bệnh viện Nhi đồng 1 (TP HCM) thực hiện phẫu thuật tách bóc khối u dị thường trên lưng hoàn toàn miễn phí.

Ca mổ kéo dài hơn 3 tiếng đồng hồ đã cho kết quả khả quan, tách thành công khối u có đường kính 22cm, nặng hơn 1kg. Em được chẩn đoán bị bướu hắc tố bẩm sinh, là một dạng bướu khá hiếm gặp. 

“Vợ chồng tui mừng đến độ ôm nhau khóc” 

Đầu giờ chiều, chị Thạch Thị Đa Ni (36 tuổi, mẹ Thắm) ngồi thất thần trước hành lang phòng Ngoại hồi sức, mười ngón tay gầy guộc luôn đan chặt vào nhau, run run chờ từng chút tin tức về con gái ở phía bên trong phòng bệnh.

Chị rưng rưng giãi bày: “Bác sĩ thông báo là ca mổ kết quả rất tốt, vợ chồng tui mừng đến độ ôm nhau khóc... Giờ cháu đã được chuyển vào phòng cách ly hồi sức sau mổ, phải đến giờ thăm nom mới được vào, nhưng vì quá hồi hộp muốn nhìn thấy con nên tui ngồi chờ ở đây từ trưa đến giờ...”

Chị Ni và người chồng Trần Thân (38 tuổi) đều sinh ra trong gia đình nông dân nghèo đông con. Nói là nông dân nhưng ở quê cả hai bên gia đình đều không có một mảnh đất cắm dùi.

Không đất canh tác, từ đời này qua đời khác, ông bà, cha mẹ của họ chỉ biết sống dựa vào nghề làm thuê cuốc mướn cho những hộ có ruộng. Khi những vụ mùa ở địa phương vừa dứt, cũng là lúc chồng dắt vợ, cha mẹ dắt con cái dạt đi nơi khác tiếp tục tìm kiếm việc làm thuê. 

Đời xưa đã rất cơ cực, đến đời anh chị cũng chẳng thay đổi gì nhiều. Từ nhỏ, chị Ni vì gia cảnh quá nghèo nên chưa một ngày được đến trường học chữ, còn gia đình anh Thân cũng không khấm khá hơn là bao. Học đến lớp 4, anh phải nghỉ giữa chừng vì người cha lâm bệnh, rơi vào cảnh túng quẫn.

Hồi đó, hai nhà vốn chỉ cách nhau vài bước chân nên từ thuở tấm bé họ đã trở thành đôi bạn thân thiết, sớm chiều cùng rong ruổi trên những cánh đồng mót lúa, cắt cỏ thuê. Khi lớn lên tình yêu dần dần nảy nở. 

Năm 2005, họ dọn về cùng chung sống với nhau sau một đám cưới nhỏ ra mắt xóm làng. Cha mẹ đều nghèo không có gì làm của hồi môn cho hai con chỉ có nửa chỉ vàng làm vốn, vài bộ quần áo cũ nhưng còn lành lặn và cái thuổng, cái liềm để vợ chồng dắt nhau đi làm thuê.

“Có người hàng xóm thương tình bán rẻ lại miếng đất vừa để dựng lên căn nhà, vợ chồng tui liền mua lại, vậy là “cụt” hết vốn liếng cha mẹ cho. Anh em, xóm làng mỗi người một tay đi cắt lá. Thiếu cây, tui phải đi xin thêm từ một chuồng bò trong xóm đã bỏ hoang mang về tận dụng lại dựng lên căn chòi để che nắng che mưa”, chị Ni nhớ lại. 

Hàng ngày anh Thân ai thuê gì cũng làm, từ đánh ruộng, đắp bờ thuê, còn chị Ni theo những người phụ nữ đi làm cỏ, dặm lúa, gặt thuê. Những công việc đó chỉ theo thời vụ, hết việc anh Thân lại cùng những người đàn ông trong làng đi làm phụ hồ.

Nếu lúc trước, chị Ni có thể theo chồng đi làm thêm, kiếm được thêm chút tiền công đắp đổi qua ngày nhưng sau khi hai con chào đời, chị phải ở nhà chăm sóc các con. Cuộc sống phải tằn tiện, chắt bóp mới đủ sống. 

Mặc cảm nặng nề

Con trai đầu lòng của chị chào đời cuối năm 2005, đến cuối năm 2006 con còn chưa biết đi vợ chồng chị đã tiếp tục sinh con gái thứ hai. Mọi khó khăn, thiếu thốn càng chất chồng lên gấp bội. Để có tiền lo cho gia đình, anh Thân “bám” ở công trường xây dựng, ngày làm hồ, đêm tăng ca gác ở kho vật liệu. 

“Nhiều khi anh đi công trình xa, mẹ con tui ở nhà không có cái ăn phải cầm chén chạy sang nhà nội ngoại, thậm chí cả hàng xóm láng giềng để xin cơm. Bữa ăn không đủ dinh dưỡng, hai con tui luôn gầy gò, ốm yếu. Ôm con đi khám, bác sĩ nói chúng bị suy dinh dưỡng...”, người mẹ rầu rầu.

Vài năm trở lại đây, những khó khăn mới tạm vơi bớt phần nào khi hai con chị dần lớn lên, có thể gửi được cho người thân chăm nom, chị Ni tiếp tục trở lại công việc đồng áng. Ấy thế, gia đình chị vẫn “trường kỳ” xếp hộ nghèo trong thôn, nghèo nhất nhì trong vùng. 

Cách đây 3 năm, cả hai con của chị nghỉ học giữa chừng. Khi đó Thắm mới học lớp 3, còn người anh trai đang học lớp 4. “Vừa vì không đủ tiền nộp học phí cho cả hai đứa cùng một lúc, vừa vì cháu Thắm mặc cảm đòi nghỉ học, còn thằng anh vì thương em nên cũng ở nhà”. 

Chị kể, ngoài việc không thể trang trải được tiền học cho con, Thắm còn bị mặc cảm nặng nề bởi khối u có hình thù rất “lạ” và kích thước ngày càng lớn ở trên lưng khiến em không còn muốn đến lớp dù thành tích học ở trường rất giỏi, luôn đều đặn có giấy khen. 

“Từ khi mới lọt lòng nó đã có một vết chàm nhỏ ngay sau lưng, vợ chồng tui chủ quan chỉ nghĩ đó là nốt ruồi nên không đưa con đi khám. Khi cháu lên 6 tuổi, vết chàm phát triển rất nhanh, cứ to dần rồi lan rộng ra cả lưng.

Ở nhà đêm nào cháu cũng không ngủ được vì ngứa, tui phải ngồi suốt đêm gãi ở cục bướu thì cháu mới chợp mắt được. Nhiều khi tui bận việc, không biết nhờ ai gãi, cháu tự áp lưng vào tường chà cho đỡ cơn ngứa, hết lần này đến lần khác cục bướu bị trầy xước máu cứ ứa ra... khiến cháu đau đớn khóc thét lên”.

Chị kể con gái chị không những bị nỗi đau thể xác hành hạ, mà hàng ngày Thắm chỉ buồn rầu trốn trong nhà, không dám ra đường, không có bạn bè.

Người mẹ xót xa: “Ở quê ai cũng biết con tui bị cục u “lạ”. Tuy sau lưng có thể mặc áo che nhưng khối u ngày càng lớn, nhô lên cao khiến lưng con bé như bị gù.

Người lớn hiểu chuyện còn cảm thông, nhưng trẻ con không biết gì ngày nào cũng trêu nó là “gù” hoặc “mai rùa”. Nó học rất giỏi, lại hiếu học nhưng phải nghỉ vì sợ... đến trường sẽ bị trêu”. Từ đó Thắm chỉ biết ở nhà làm bạn với anh trai và vật nuôi trong nhà. 

Đầu tháng 8/2016, người con trai đầu phải nhập viện phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa. Trong một lần dẫn con gái lên viện thăm anh, mẹ con chị may mắn gặp được một vị bác sĩ, được thăm khám miễn phí.

“Bác sĩ khuyên tui phải đưa cháu đến TP HCM chữa nhanh còn kịp. Nếu để lâu sẽ thành ung thư. Tui nghe vậy liền sắp xếp để con trai vừa mổ ở nhà cho chồng chăm sóc, còn tui vay mượn được một triệu đồng đưa con gái lên Sài Gòn khám”. 

Người mẹ xúc động kể: “Bác sĩ nói cháu bị bướu hắc tố. Phải mổ tách khối bướu ra nếu không nó sẽ lan rộng. Nghe nói chi phí phẫu thuật rất lớn. Lúc đó trong túi tui chỉ có 600 nghìn đồng. Nước mắt tui trào ra, bụng bảo dạ đành đưa con về nhà cam chịu số phận.

Nhưng khi biết hoàn cảnh tui nghèo, các bác sĩ động viên rồi bảo tui cứ yên tâm, bệnh viện sẽ hỗ trợ toàn bộ viện phí... Con tui giờ may mắn được cứu rồi. Khi về, vợ chồng tui dù khổ sở như thế nào cũng sẽ khuyên con đi học lại. Nó sẽ có một tương lai tốt hơn. Không phải thất học, mù chữ như cha mẹ, ông bà nó”.

Bác sĩ Đào Trung Hiếu – Phó GĐ Bệnh viện Nhi đồng 1 cho hay: Ngoài cục bướu khổng lồ trên lưng, bệnh nhi còn có hơn 20 cục u vệ tinh, giống như những nốt ruồi đen. Nếu không được phẫu thuật, khối u sẽ tiếp tục lan rộng có nguy co ung thu hóa.

Sau ca mổ, bệnh nhi đang được điều trị tại phòng Ngoại hồi sức. Bệnh viện sẽ tiếp tục theo dõi trong một tuần tới đến khi sức khỏe ổn định sẽ được xuất viện và tiếp tục tái khám.  

Gia cảnh bé gái rất cần sự giúp đỡ của bạn đọc hảo tâm. Mọi sự hỗ trợ xin gửi về chị Thạch Thị Đa Ni (ấp Chà Ong, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng). Số điện thoại: 0971.018.461. 

Đọc thêm