NS Văn Tân: Vinh dự khi hoá thân vào vai Bác Hồ


Văn nghệ sĩ đất Kinh Bắc gọi Văn Tân là người cẩn thận và chu đáo trong tất cả mọi việc, cũng là người thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trên sân khấu.

 Văn nghệ sĩ đất Kinh Bắc gọi Văn Tân là người cẩn thận và chu đáo trong tất cả mọi việc, cũng là người thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trên sân khấu.

Nghệ sĩ Văn Tân trong đời thường
Nghệ sĩ Văn Tân trong đời thường


“Trong mơ cũng mơ gặp Bác Hồ”

Người Việt Nam ta ai cũng kính yêu bác Hồ với những tình cảm thiêng liêng nhất. Cũng không ít nghệ sĩ đã thể hiện hình ảnh Bác trên sân khấu và đã thành công như các nghệ sĩ Sỹ Hùng, Tiến Hợi, Đức Trung, Ngọc Thủy... Với Văn Tân, ông luôn có một cách nhập vai riêng và sự hóa thân nhuần nhị, trong cung cách của một người kính yêu Bác đặc biệt. Ngay cả cuộc sống đời thường hằng ngày, ông cũng gìn giữ hình ảnh của mình cho đẹp, để có thể bảo vệ hình ảnh Bác.

Văn Tân tâm sự, ông mới chỉ được gặp Bác hai lần khi Người về thăm Bắc Giang, một lần thuở niên thiếu và một thời thanh niên nhưng từ đó lòng ông đã luôn ấn tượng, lúc nào trong tâm trí cũng tồn tại hình ảnh vị lãnh tụ, ngay cả trong mơ cũng mơ gặp Bác. Tính từ ngày 17-1-1974 cho đến nay, ông đã có 1567 buổi diễn thể hiện hình ảnh Bác.

Văn Tân sinh năm 1943 trong một gia đình nghèo ở xã Xuân Hương (Lạng Giang - Bắc Giang). Ban đầu, anh thanh niên Văn Tân thi và trúng tuyển vào Đoàn cải lương Vinh Quang của tỉnh Hà Bắc (cũ), một thời gian chuyển công tác sang Đoàn ca múa kịch Hà Bắc. Văn Tân đến với vai diễn Bác Hồ tình cờ và sau những khổ luyện đã thành công.

Sau khi Bác mất, ngày nào tôi cũng thương nhớ Người. Năm 1970, khi có chỉ thị của Trung ương về việc đưa hình tượng Bác Hồ trên sân khấu. Lúc đó tôi ước gì mình được đóng vai Bác. Tôi đăng ký đóng thử ở đoàn. Tôi tự tết tóc, râu để hóa trang, không ngờ lại được mọi người động viên vì ngay từ đầu đã khá đạt về giọng nói, hình dáng của Bác Hồ. Năm 1974, trong vở “Một kỷ niệm cao quý” tôi đã diễn và thành công” - Văn Tân kể.

Với vai diễn đầu tiên thành công, Văn Tân được sự khen ngợi, ủng hộ của bạn bè và đồng nghiệp. Năm 1982, Văn Tân được cử đi học khóa đạo diễn đầu tiên của Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, năm 1986 về làm Phó giám đốc Nhà Văn hóa trung tâm tỉnh, rồi sang làm Phó hiệu trưởng Trường nghệ thuật Bắc Giang, sau làm Phó Trưởng đoàn Chèo Bắc Giang. Năm 1993, ông nghỉ hưu nhưng còn đảm nhiệm chức Chi hội trưởng Chi hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tỉnh Bắc Giang và Chi hội trưởng Sân khấu (Hội văn nghệ Bắc Giang). Từ năm 1994 đến nay, Văn Tân có nhiều thời gian hơn để học và diễn, bước chân ông đã đặt ở trên mọi tỉnh thành của đất nước.

Nhiều  kỷ niệm và vinh dự

Ngay từ năm 1970 đến giờ, bất kể làm gì, tâm tư ông cũng hướng về Bác, nên tất cả những hiểu biết về cuộc đời cách mạng của Người đã ngấm vào máu ông, nên khi diễn rất điêu luyện. Ông chưa được phong nghệ sĩ nhân dân hay ưu tú, nhưng vẫn được mời thể hiện hình ảnh Bác. Ông bảo, điều đó như một sự linh ứng trong cuộc đời mình. Văn Tân công nhận, mình vẫn có những mặt hạn chế khi thể hiện hình ảnh Bác.

Ông bảo: “Người tôi hơi mập, mặt lại bầu, tròn nên khi hóa trang phải làm cho trán cao, mũi cao hơn, rồi phải đắp cằm, ép bụng... Còn thế mạnh của tôi là cái tình và ham học, được thày, bạn, đồng nghiệp giúp đỡ nên không lo. Rút cục tư tưởng của tôi tốt, chỉ cần khắc phục về vóc dáng thôi. Bây giờ tôi phải kiêng ăn để khỏi tăng cân đó”.

Văn Tân đi diễn nhiều nơi, trong nhiều chương trình, phục vụ nhiều đối tượng, và ở đâu ông cũng được khán giả hoan nghênh, cổ vũ nồng nhiệt, nhiều người xúc động trào nước mắt. Đó là niềm vui cũng là niềm hạnh phúc của người nghệ sĩ. Ngoài tham gia diễn chung trong các chương trình lớn, ông còn độc diễn hình tượng Bác Hồ với những đề tài như: Bác Hồ với với thanh niên, phụ nữ, thiếu niên, với bộ đội, công an, với đồng bào các dân tộc, với học sinh sinh viên... Không thể kể hết những kỷ niệm trong những tháng ngày đi diễn.

Có lần, ông đi diễn ở Pác Bó, Hà Quảng (Cao Bằng), khi người nghệ sĩ thể hiện hình ảnh của Bác bước lên sân khấu thì nhiều người òa lên khóc và chen nhau đến gần hơn để được thấy Bác. Có nhiều cựu chiến binh xưa từng phục vụ Bác ở hang Pác Bó, giờ gặp lại Người trên sân khấu, họ run run dâng tặng hoa và thốt lên: “Bác ơi, gần 60 năm trôi qua giờ chúng con mới được gặp lại Bác”.

Văn Tân cảm động lắm. Năm 1992, ông đi diễn cùng Đoàn văn công Quân khu IX với vở “Bác Hồ với dũng sĩ Miền Nam”, các cụ anh hùng dũng dĩ Quân khu IX đã già, mắt kém, tai nặng cứ nắn tay nghệ sĩ, bảo: “Bác ơi, chúc Bác mạnh khỏe”. Các vệ binh phải nhắc: “Các anh hùng ơi, đây là nghệ sĩ đóng, chứ không phải Bác Hồ thật, mời các cụ ngồi vào ghế danh dự”.

Thế nhưng, các anh hùng dũng sĩ vẫn cứ nắn tay nghệ sĩ trên sân khấu đến mấy chục phút. Một lần khác, ông đi diễn ở Củ Chi trong chương trình “Rước đuốc về nguồn”, nhiều bà má Củ Chi khóc lóc rất cảm động. Lần đó, Văn Tân thấy mấy chục chiếc Camera chĩa vào mình, như để quay lấy những thước phim về lãnh tụ thật.

Có một điều mà ít ai biết, đó là khi hóa trang để thể hiện hình tượng Bác Hồ, dù đoạn đường từ chỗ ở đến sân khấu chỉ vài trăm mét, nhưng Văn Tân vẫn gọi tắc xi. Và trước khi diễn, ông không được nói chuyện với ai, không nói giọng của mình và phải giữ bí mật, khi nào diễn mới xuất hiện trên sân khấu, và diễn xong, thay phục trang xong mới tiếp xúc với mọi người. Kinh nghiệm này lại chính là người vợ tần tảo của ông đóng góp - bà Đỗ Thị Định - một giáo viên cấp III.

Khi Văn Tân hóa trang ở nhà, bà cũng rất giữ ý, nghiêm túc, không nói năng, không hỏi chuyện, chỉ khi tẩy trang mới nói. Từ năm 1974, khi mới bắt đầu thể hiện hình ảnh Bác trên sân khấu, cha mẹ Văn Tân đã động viên: “Con phải làm sao giữ được hình ảnh Bác, giữ gìn truyền thống gia đình, sống khiêm tốn và hòa đồng với mọi người”. Văn Tân xin vâng và làm đúng như lời dạy của song thân. Ông tâm niệm: Đi diễn là đi khắc sâu hình ảnh của lãnh tụ với đồng bào và, sống theo gương Bác sẽ làm tâm hồn mình trong hơn, đẹp hơn.

Ngô Thục Miên