“Học viện cải lương” trang bị những kiến thức nền tảng về nghệ thuật ca - diễn cải lương, tạo không gian từ sàn tập đến sàn diễn cho các học viên để từng bước trở thành một nghệ sĩ cải lương chuyên nghiệp. Đồng thời chương trình cũng hướng đến việc đào tạo họ là một người hoạt động văn hóa, góp phần vào việc bảo tồn, phát triển di sản văn hóa - nghệ thuật nước nhà.
Tiêu chí của chương trình là đi tìm - đào tạo - truyền nghề và “đo ni đóng giày” những giọng ca, vai diễn phù hợp với sở trường của từng học viên. Ngoài dàn nghệ sĩ - giảng viên cơ hữu, học viện sẽ quy tụ nhiều nghệ sĩ bậc thầy thỉnh giảng để truyền đạt kiến thức, truyền nghề cho học viên qua từng tập, thử thách. Họ đều là những nghệ sĩ danh tiếng, có đóng góp lớn cho nghệ thuật cải lương, sân khấu. Ngoài ca - diễn, học viên cũng được trang bị thêm nhiều kỹ năng khác như trang điểm, catwalk, chụp ảnh… để xuất hiện trước công chúng tự tin, bản lĩnh hơn.
“Học viện cải lương” sẽ có 12 tập, thi đấu theo hình thức loại trừ dần. Nhà sản xuất (NSX) bật mí chương trình sẽ mang màu sắc rất khác biệt so với trước nay về nghệ thuật cải lương. Qua đây, NSX cũng mong chương trình có thể tiếp cận được nhiều khán giả trẻ. Bởi chính họ là thành tố quan trọng để tiếp tục giữ gìn, phát huy giá trị của nghệ thuật cải lương. Đối tượng dự thi từ 16-40 tuổi, hội tụ đầy đủ những yếu tố của nghệ thuật ca kịch. Thí sinh biết ngoại ngữ cũng là một lợi thế.
Theo NSND Bạch Tuyết, nơi đây là ngôi nhà chung, nơi gặp nhau của nhiều thế hệ trong trăm năm cải lương. Ở đó, họ có thể lắng nghe nhau, trao đổi thông tin về nghệ thuật cải lương - văn hóa Việt thời kỹ thuật số. Đây là chương trình vừa chơi, vừa học. Trong đó việc chơi cũng phải nghiêm túc, có trách nhiệm. “Tôi mong muốn những người trẻ có một sân chơi để cùng hát, ca, gặp gỡ, tự học nhau. Các chuyên gia giúp họ phát triển được khả năng đang có, phát triển tư duy” - nữ NSND nói thêm.
NSND Bạch Tuyết mở “Học viện cải lương” để đào tạo nghệ sĩ trẻ. Ảnh: NSX |
Theo bà, việc nhận định, phát hiện ra những tài năng phù hợp với dạng vai nào đó thật sự quan trọng. Bởi trong quá khứ, cũng nhờ những bậc thầy đã sớm nhận ra điều này, mới có thể tạo ra những vở cải lương kinh điển, những vai diễn để đời cho các nghệ sĩ. Việc định hình này sẽ được thể hiện trong quá trình đào tạo của học viện. Bên cạnh đó, theo NSND Bạch Tuyết, sự nỗ lực tự thân của những tài năng trẻ là hết sức quan trọng.
Nghệ sĩ Thanh Hằng nói trong quá trình làm nghề may mắn được làm việc cùng với những bậc tiền bối. Trong đó, NSND Bạch Tuyết mang đến cho chị nhiều bài học, đặc biệt là tư duy sáng tạo, làm đẹp cho nghệ thuật cải lương. Vì thế, khi nhận được lời mời tham gia chương trình, chị gật đầu ngay.
“Được sinh ra từ gia đình có truyền thống nghệ thuật, từ nhỏ tôi đã được các thế hệ cô chú, anh chị dìu dắt. Tôi luôn mong muốn có nhiều cơ hội trao truyền những tinh hoa của nghệ thuật cải lương dành cho các bạn trẻ. Ở thời đại hiện nay, nhìn thấy các bạn trẻ vẫn đam mê nghề cải lương là một tín hiệu thật vui và tự hào” - nghệ sĩ nói.
Theo nghệ sĩ Thanh Hằng, đường dài sẽ có nhiều khó khăn, nếu muốn trở thành một nghệ sĩ giỏi. Nhưng có khó khăn chông gai mới trui rèn để đưa đến thành công.
Trong khi đó, nghệ sĩ Châu Thanh nói luôn mong có cơ hội làm việc cùng NSND Bạch Tuyết, bởi không chỉ học ở đàn chị về chuyên môn nghề nghiệp mà còn về tư duy đạo đức. Ở hiện tại, được làm “cầu nối” để gắn kết, giúp đỡ thế hệ đàn em là một niềm hạnh phúc với nam nghệ sĩ. “Trong chương trình, tôi sẽ truyền cảm hứng và động viên các bạn trẻ để các bạn tự tin hơn và giữ mãi niềm đam mê của mình”.
Từ trái qua, nghệ sĩ Thanh Hằng, Bạch Tuyết, Châu Thanh - Ảnh: NSX |
Theo NSX, “Học viện cải lương” sẽ “trình làng” những gương mặt mới, những sản phẩm mới. NSX cũng có kế hoạch phát triển dài hơi cho các tài năng bước ra từ chương trình. Các thầy cô trong học viện sẽ đồng hành, giúp đỡ để học viên phát triển về sau. Chương trình hiện đang trong quá trình sản xuất, bắt đầu phát sóng từ tháng 4/2024 trên kênh truyền hình Today TV.