Có lẽ chính tâm hồn trẻ trung, thánh thiện ấy mà người nghệ sĩ 61 tuổi vượt qua giới hạn của bệnh tật để biến cuộc đời thêm thi vị.
“Bà nội chồng” khắt khe nhưng dí dỏm
Trong bộ phim truyền hình sẽ phát sóng vào khung giờ vàng 21h30 thứ 2 và thứ 3 trên VTV3 “Nàng dâu order”, NSUT Minh Vượng (sinh năm 1958) vào vai bà nội khá thú vị. Là một người Hà Nội cổ, bà Lệ luôn quan trọng phép tắc, cũng như khắt khe trong việc ăn uống, chính vì vậy mà nhiều lần bà nội và cô cháu dâu (diễn viên Lan Phương vào vai Hoàng Yến) đã bất đồng quan điểm với nhau.
Chưa kể bà là người hay trầm trọng hóa mọi thứ, nhất là sức khỏe của mình, nên đã không ít lần bà làm cả gia đình đứng ngồi không yên. Hai thế hệ, khác biệt về tính cách cũng như lối sống nên hai bà cháu không tránh được những mâu thuẫn nhỏ nhặt trong cuộc sống hàng ngày.
Lý giải về việc hà khắc đó, nghệ sĩ Minh Vượng cho hay: “Tôi nghĩ trong một gia đình, nếu không có người ông, bà, mẹ, cha nghiêm khắc với con cái, để chúng theo lối sinh hoạt phóng túng thì nhà cửa chẳng còn nền nếp gì cả. Trong cuộc sống, nhất là của những người phương Đông như mình vẫn phải có nền nếp gia phong.
Bà có chút khắt khe để con cháu vào nền nếp chứ bà không độc ác. Tôi muốn tạo hình nhân vật dễ thương, dí dỏm và tôi nghĩ khán giả càng xem “Nàng dâu order” sẽ càng cảm thấy phim hấp dẫn và yêu bà nội hơn đấy”.
Nghệ sĩ Minh Vượng đã lấy hình ảnh người mẹ, người bà mà mình từng gặp ở các vùng miền, mỗi nơi một chút vào. “Nếu khán giả nơi nào cũng à lên, thấy hình ảnh của bà mình, mẹ mình trong đó thì tôi thành công rồi”- “bà nội nàng dâu order” tâm sự.
Để vào vai bà nội trong “Nàng dâu order”, NS Minh Vượng phải quay phim trong vòng 3 tháng. Thường bà phải dậy từ 4h - 4h30 sáng, việc đầu tiên là tiêm một mũi thuốc, sau nửa tiếng thì ăn. Bà tới xưởng phim, đi tới các bối cảnh và hôm nào sớm thì 10h - 10h30 tối kết thúc ngày làm việc. Có những hôm 12h15 đêm mới về nhà cũng là bình thường.
Sáng hôm sau lại tiếp tục như thế, nhưng bà không cảm thấy mệt. Lúc nào bên tôi cũng có thuốc uống và tiêm trực tiếp ngày 4 mũi. Nhờ Đạo diễn Bùi Quốc Việt và đoàn làm phim đã tạo cho diễn viên sự hưng phấn, thoải mái sáng tạo cùng sự hấp dẫn của phim khiến bà quên đi bệnh tật, quên đi mệt mỏi.
Không buồn, không cô đơn vì “chạy sô” kín lịch
Sống một mình, Minh Vượng không mấy khi thấy buồn hay cô đơn bởi lịch đi dạy, đi diễn đều kín. Từ khi về hưu ở Nhà hát Kịch Hà Nội, Minh Vượng dành nhiều thời gian gắn bó với trẻ nhỏ, đào tạo sinh viên. Bà đầu quân cho Nhà hát Chèo Hà Nội, tham gia dự án sân khấu học đường, dàn dựng các vở như: Quả táo thần, Ăn khế trả vàng...
Công việc giúp bà tiếp xúc với trẻ em hàng ngày. Bà cũng tích cực đi diễn từ thiện ở nhiều bệnh viện, làng trẻ em. Bà còn sắp xếp công việc để đóng phim với vai: Bà Hến - osin tinh quái trong “Cả một đời ân oán”. Bà gây ấn tượng ở Gala Táo quân nhờ lối diễn duyên dáng, hài hước.
Những lúc rảnh rỗi, NS quây quần với đại gia đình các anh em và các cháu. Nhà đông người nên lúc nào cũng rôm rả. Vài đứa cháu lớn đã lập gia đình, đều coi bà như người mẹ thứ hai. “Chưa bao giờ tôi thấy cô quạnh cả, nhà tôi rất đông anh chị em, anh cả của tôi có lần đọc được đâu đó nói rằng tôi khổ quá, cô quạnh bệnh tật quá, về nhà anh còn mắng tôi.
Anh bảo gia đình có để tôi thiếu gì đâu, tạo điều kiện cho tôi đi dạy, đi diễn, nói thế hoá ra gia đình không quan tâm. Lần nữa tôi xin chia sẻ mình là người hạnh phúc”- NSƯT Minh Vượng tâm sự.
Nhiều năm nay, nghệ sĩ bị tiểu đường, áp huyết cao, xương khớp và tim mạch và cũng trải qua nhiều lần đột quỵ, nguy kịch nên kiếm được bao nhiêu tiền chi vào thuốc thang hết. Mỗi tháng, bà tiêu tốn ít nhất 25-30 triệu đồng.
Thế nhưng, Minh Vượng không bận lòng vì tiền làm nghề vừa đủ trang trải chi phí chữa bệnh. Nhiều bạn bè lo lắng, khuyên NS nghỉ ngơi. Có người còn hứa chu cấp cho bà tĩnh dưỡng nhưng đều bị Minh Vượng từ chối. Bà nói nghiệp diễn là duyên nợ, không thể bỏ được dù chỉ một ngày.
“Tôi làm không phải vì tiền mà muốn lao đi làm để tìm niềm vui trong công việc. Ngày nào không phải đi dạy học, tôi ở nhà tự sáng tác kịch bản, diễn từ thiện suốt 20 năm nay cho trẻ em lang thang cơ nhỡ, trẻ khuyết tật, trẻ em nhiễm HIV/AIDS…
Cứ nhìn thấy bọn trẻ là thương vì không biết tuần sau, tuần sau nữa còn được nhìn thấy mặt các em không? Tội lắm, xót xa lắm! Chỉ cần được biểu diễn cho các em nhỏ là tôi thấy vui vẻ và hạnh phúc. Cứ nhìn thấy nụ cười của các em là tôi quên hết đau đớn, phiền muộn, cố gắng và nỗ lực hơn nữa để mang đến những tiết mục hấp dẫn.” - Minh Vượng chia sẻ.
Chắc chắn tiền không thể mua nổi những tình cảm, sự yêu mến, sự trân quý của khán giả, trẻ nhỏ đối với người nghệ sĩ ở tuổi lục thập này…