Nữ công nhân hết thời gian nghỉ sinh, con gửi đâu?

(PLO) - Nghiên cứu của Ban nữ công Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐVN) cho thấy, có gần 70% lao động nữ đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) và phần lớn họ là người nhập cư, ở trọ không có điều kiện chăm sóc trẻ ở gia đình, nên nhu cầu gửi con là rất lớn. 
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Doanh nghiệp không thể lo được chỗ gửi trẻ cho công nhân, ngành Giáo dục cũng khó có thể “chạy” kịp nhu cầu, nên công nhân chỉ còn biết trông chờ vào nhóm trẻ tư thục, bất chấp những rủi ro mô hình này mang lại. Do đó, tại thời điểm này hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN,KCX là việc làm cần thiết

Hết 6 tháng nghỉ đẻ của mẹ, con đi đâu, về đâu?

Theo Báo cáo của Ban nữ công TLĐLĐVN về thực trạng nhà trẻ mẫu giáo trong các KCNp hiện nay cho thấy, có hơn 10 triệu lượt nhân khẩu đang làm việc trong các khu công nghiệp, trong đó gần 70% là lao động nữ, đa phần lao động nữ có tuổi đời khá trẻ, từ 18 - 40 tuổi chiếm 97,9%. Theo số liệu khảo sát của Ban nữ công,TLĐLĐVN  đối với 1.000 công nhân ở các KCN, KCX của 7 tỉnh đại diện cho các vùng miền, trong đó số phiếu phỏng vấn lao động nữ là 91,9% cho thấy, tỷ lệ công nhân có con trong độ tuổi mầm non chiếm gần 60%, độ tuổi dưới 3 tuổi chiếm 58,6%. Do đó, vấn đề nhà trẻ mẫu giáo tại các KCN hiện nay đang đặt ra nhiều bức xúc.

Năm 2012, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiến hành một cuộc khảo sát tại năm tỉnh, thành phố có nhiều KCN, đó là: Hà Nội, Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Ðồng Nai, Hải Dương. Kết quả cho thấy, hầu hết con của nữ công nhân ở các KCN, KCX đều gửi vào nhóm trẻ nhỏ, tư thục chưa được cấp phép. Năm 2011, TLĐLĐVN cũng tiến hành một cuộc điều tra khảo sát trong 10 tỉnh có KCN, KCX, kết quả là chỉ có 16,9% số KCN, KCX có nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân, trong đó, công lập chiếm 39,9%, tư thục là 60,1% và phần đông đều là tự phát.

Theo báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo, những năm gần đây quy mô mạng lưới trường lớp trường mầm non tăng nhanh ở cả loại hình công lập và ngoài công lập. Tuy nhiên, tại các KCN, KCX tập trung nhiều công nhân, đặc biệt là lao động nữ nhu cầu gửi trẻ là rất lớn thì quy mô trường lớp mầm non vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu gửi con của công nhân. Cùng với tình trạng thiếu trường, lớp học mầm non cho con công nhân lao động, bất cập hiện nay là các trường công lập cũng chỉ nhận trẻ từ 18 tháng tuổi trở lên, trong khi công nhân chỉ được nghỉ thai sản sáu tháng.

Như vậy, trong khoảng thời gian trẻ từ sáu tháng đến 18 tháng tuổi, người lao động biết gửi con vào đâu nếu không muốn gửi con vào những nơi trông giữ trẻ thiếu an toàn với điều kiện cơ sở vật chất ở những địa điểm này còn nhỏ lẻ, hạn chế, thường tận dụng nhà dân làm phòng giữ trẻ nên chật hẹp, thiếu ánh sáng, thiếu sân chơi, không đảm bảo diện tích sinh hoạt cho trẻ. Thậm chí tại một số nhóm lớp chưa được cấp phép, người trông giữ trẻ chưa có trình độ chuyên môn theo quy định, chưa có kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ…

'Khuôn gọn' đối tượng nghiên cứu là trẻ em dưới 36 tháng tuổi

Doanh nghiệp không thể lo được chỗ gửi trẻ cho công nhân, ngành Giáo dục cũng khó có thể “chạy” kịp nhu cầu, nên công nhân chỉ còn biết trông chờ vào nhóm trẻ tư thục, bất chấp những rủi ro mô hình này mang lại. Do đó, tại thời điểm này hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở KCN, KCX là việc làm cần thiết. Mới đây, trong khuôn khổ đề án “Hỗ trợ phát triển nhóm trẻ độc lập tư thục ở khu công nghiệp, khu chế xuất đến 2020”, Hội LHPN Việt Nam đã chia sẻ kết quả rà soát chính sách hỗ trợ chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi và tham vấn cơ chế giám sát nhóm trẻ độc lập tư thục.

Để có cơ sở, căn cứ đề xuất giải pháp, kiến nghị chính sách nhằm tiếp tục triển khai Đề án giai đoạn II (2017-2020), nhóm nghiên cứu đã tiến hành khảo sát tại 3 địa bàn Vĩnh Phúc, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh. Kết quả khảo sát, đánh giá của nhóm nghiên cứu về nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi ở địa bàn KCN cho thấy, số lượng trẻ em từ 0-36 tháng tuổi ở các địa bàn huyện, thị có KCN có xu hướng tăng nhanh do con em của lao động nhập cư, với tốc độ tăng khoảng 10-30%.

Hầu hết cha mẹ nhập cư có nhu cầu gửi con dưới 36 tháng tuổi tại các cơ sở giáo dục mầm non đảm bảo chất lượng, an toàn cho trẻ, có chi phí phù hợp, thời gian gửi trẻ linh hoạt, địa điểm gửi trẻ gần nơi làm việc, nhà trọ... Trong khi đó, tình trạng quá tải của các cơ sở giáo dục mầm non công lập ở các địa bàn có KCN ngày càng nặng nề hơn; sự phát triển “nóng” về số lượng các nhóm trẻ độc lập tư thục để đáp ứng nhu cầu gửi trẻ dưới 36 tháng tuổi của người lao động trong KCN; chất lượng nhiều nhóm trẻ độc lập tư thục không đáp ứng yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, hoạt động không có giấy phép gây nguy cơ cho trẻ như bị xâm hại, bị tai nạn, thương tích... người chăm sóc trẻ dưới 36 tháng tuổi rất lớn nhưng thực tế hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chăm sóc trẻ chưa đáp ứng...

Điều này cho thấy tới đây cần khuôn gọn đối tượng nghiên cứu là trẻ em dưới 36 tháng tuổi để xem xét, đánh giá cụ thể những vấn đề liên quan như: nguồn lực của Nhà nước, các nhà máy, xí nghiệp, xã hội hóa dành cho chăm sóc toàn diện trẻ em dưới 36 tháng tuổi đã phù hợp, đáp ứng chưa; thực trạng xây dựng các KCN, KCX không có cơ sở dịch vụ cho trẻ em độ tuổi này... để từ đó đưa ra những kiến nghị, đề xuất thuyết phục trong công tác rà soát, xây dựng chính sách. 

Đọc thêm