“Calypso Rose có lẽ là “mamie” năng động nhất. Bà vẫn đi dạo trong bộ đồ thể thao màu xanh táo và uống rhum-coca lúc 16h hàng ngày “để làm ấm người”.
Sự nghiệp đồ sộ của bà gói trong 30 album, hơn 800 bài hát và nhiều giải thưởng lớn, trong đó phải kể đến “Calypso King” mà bà là phụ nữ đầu tiên đoạt giải. Far From Home là đĩa nhạc mới nhất, phát hành vào tháng 6/2016, trong đó Calypso Queen trở thành bản hit của mùa hè 2016.
Cuộc đời thăng trầm
“Rất nhiều người dân vùng Caribée, phần lớn là nô lệ từ châu Phi, đã mang loại âm nhạc này với họ. Nhịp trống và những tiếng rung khiến bạn ngất ngây, cuồng nhiệt phát điên. Đấy chính là Calypso.
Điệu calypso lan tỏa rất nhanh, khiến bạn dẻo dai hơn và đầy năng lượng. Chính vì vậy, khi biểu diễn trên sân khấu, tôi luôn khiến mọi người phải nhảy theo và họ không thể dừng lại được. Tôi lây sang họ điệu Calypso. Họ phải nhảy và không bao giờ dừng lại được”, nữ ca sĩ nói.
Tên thật của bà là McArtha Linda Lewis, trong suốt nhiều thập kỷ sự nghiệp, nổi tiếng với nghệ danh Calypso Rose: Calypso xuất phát từ những giai điệu lắc lư, sôi động của điệu nhạc cùng tên và Rose là “mẹ của các loài hoa”.
|
Tên thật là McArtha Linda Lewis, bà là người phụ nữ đầu tiên đoạt giải “Calypso King” |
Sinh năm 1940 trong một gia đình nghèo có 13 người con tại Bethel, một ngôi làng nhỏ trên hòn đảo Tobago, thuộc cộng hòa Trinidad và Tobago, nơi sinh ra dòng nhạc Calypso từ cuối thế kỷ XIX và trở nên thịnh hành trong những năm 1950 nhờ ca sĩ - nhạc sĩ người Mỹ Harry Belafonte.
Tại Việt Nam, cho đến nay một số ca khúc của nhạc sĩ này vẫn được nhiều ca sĩ trẻ hát lại. Ví dụ như bài “Jamaica Farewell”, được chuyển thể lời Việt thành ca khúc “Lời yêu thương”.
Cô bé McArtha Linda Lewis lớn lên với sự chăm sóc của người dì mê nhảy múa và hội hè. Tuổi thơ của bà được ru trong tiếng nhạc Calypso phát ra từ chiếc máy quay đĩa.
Thế nhưng, cha cô, một mục sư, đã cấm cô con gái hát loại “nhạc của qủy dữ”. Không nghe lời cha, bà đã dám cự lại: “Chính Chúa đã cho cho con tài năng này để mang lại niềm vui cho mọi trái tim con người và để lên án những bất công”.
Quyết tâm sau này gắn liền với sự nghiệp, được bà giải thích rõ hơn như sau:
“Một bài hát có thể lật đổ một chính phủ, đưa một chính trị gia lên nắm quyền hay khiến những con người cư xử nhân tính hơn, chứ không như súc vật.
Khi tôi viết những bài hát phản đối nạn bóc lột người giúp việc da đen tại Trinidad, chính phủ khó xử đến mức phải bỏ phiếu một đạo luật để lương của người giúp việc tăng thành 1.200 đô la, chứ không phải là 200 đô la/tháng”.
Glass Thief là bản calypso đầu tiên của Rose, viết vào năm 1955, khi mới 15 tuổi, sau khi chứng kiến cảnh một người đàn ông ăn cắp kính của một phụ nữ ngoài chợ.
Bản Calypso đầu tiên cũng là một nhạc phẩm tố cáo tình trạng bất bình đẳng giới. Bị hãm hiếp năm 18 tuổi, bà đấu tranh bảo vệ quyền của phụ nữ trước nạn bạo hành vợ chồng, mà người nghe có thể nhận ra trong lời bài Abatina.
|
75 tuổi vẫn “cháy” cuồng nhiệt trên sân khấu |
Người phụ nữ đầu tiên đoạt giải “Calypso King”
Sự nghiệp của bà được đánh dấu bằng nhiều giải thưởng lớn và những kỷ lục chưa từng có đối với một nữ ca sĩ.
Năm 16 tuổi, McArtha Linda Lewis ra album Calyso. Album đầu tay của cô gái trẻ trở thành một hiện tượng, đứng đầu bảng xếp hạng Billboard trong suốt 31 tuần lễ và là album đầu tiên của một nghệ sĩ solo trong lịch sử bán được hơn 1 triệu bản. Bà là phụ nữ đầu tiên được tôn làm “Nữ hoàng lễ hội hóa trang” ở Trinidad và Tobago.
Năm 25 tuổi, lần đầu tiên Calypso Rose lưu diễn nước ngoài ở quần đảo Grenada và St. Thomas. Chính tại đây, bà giành chiến thắng trong cuộc thi “Calypso King” với bài hát được thu âm đầu tiên Cooperation.
Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, một phụ nữ giành được giải thưởng này. Từ đó, bà liên tục lưu diễn tại nhiều nước trong khu vực.
Năm 1967, Calypso Rose trình diễn cùng với Bob Marley và Wailers tại Grand Ballromm ở thành phố New York.
|
Calypso Rose (giữa) trong clip Calypso Queen |
Năm 1977, Calypso Rose là phụ nữ đầu tiên giành giải thưởng danh giá “Road March” của Trinidad với bài hát Gimme More Tempo.
Vì thế, từ năm 1978, cuộc thi “Calypso King” được đổi tên thành “Calypso Monarch” để vinh danh diva người Tobago.
Ngoài trình diễn, bà còn là tác giả của rất nhiều bài hát nổi tiếng trong thể loại nhạc Calypso: Fire in Me Wire, Gimme Me More Tiempo hay Do Dem Back.
Calypso, còn được gọi là “Kaiso”, là một loại nhạc lễ hội dân gian của Trinidad và Tobago và là nguồn gốc của những loại nhạc dân gian khác ở vùng Caribe.
Calypso Rose đã thành công khi phản ánh những bất công xã hội và bạo lực trong gia đình qua nhịp điệu lôi cuốn của Calypso để thu hút sự chú ý của người nghe và qua đó thông điệp lan truyền một cách nhanh hơn.
Sau khi phát hành 30 album và sáng tác khoảng 800 bài hát, hiện bà đang sống ở Queens, New York. Album Far From Home là sự kết hợp giữa giọng ca nổi tiếng của dòng nhạc Calypso và ca sĩ - nhạc sĩ người Pháp Manu Chao.
Những bài hát mới trong album tiếp tục phản ánh năng lực, tinh thần lạc quan của một “mamie”, một diva luôn biết hưởng trọn cuộc sống.
|
Calypso có nguồn gốc xa xưa, chính thức ra đời từ đầu thế kỷ XX, nhưng thật ra là biến thể của truyền thống dân ca đồng áng gọi là mento có từ thế kỷ XVII. Trong làng nhạc quốc tế, có rất nhiều ca khúc thường được chuyển thể theo điệu calypso.
Về từ ngữ, chữ calypso xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1930 trước khi du nhập vào các nước Âu Mỹ. Nhiều nguồn ghi rằng calypso bắt nguồn từ chữ kaa-iso hiểu theo nghĩa “cứ tiếp tục đi” trong thổ ngữ ibibio các vùng miền tây châu Phi.
Trong một bài ca dân gian, đó là một cách hát nện, thúc giục công việc đồng áng, gặt hái mùa màng. Vào giữa thế kỷ XVII, các điền chủ người Pháp lập nông trại trên các vùng đất thuộc địa, họ đem theo nhân công nô lệ từ Tây Phi đến các hải đảo để trồng mía, cà phê hay cacao.
Tại Guadeloupe, Martinique, Saint Domingue hay Trinidad & Tobago, điệu calypso ban đầu được hát với thổ ngữ creole với nhiều ảnh hưởng tiếng Pháp.
Sau này, Trinidad & Tobago mới sử dụng tiếng Anh làm ngôn ngữ chính thức. Sau một thời gian dài là vùng đất thuộc địa của Anh, hải đảo này mới tuyên bố độc lập vào năm 1962.
Dưới thời thuộc địa, người nô lệ do không được quyền tham dự lễ hội hóa trang carnaval, cho nên họ mới sáng lập ra một lễ hội tương tự gọi là canboulay, xuất phát từ chữ “cannes brûlées” có nghĩa là đốt ruộng mía, mở ra thời kỳ nghỉ ngơi ăn chơi sau khi làm xong công việc đồng áng, thu hoạch mùa màng.
Cuộc Cánh mạng Pháp vào năm 1789 và nhất là sau khi chế độ nô lệ được bãi bỏ vào năm 1834 đã ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống sinh hoạt tại các hải đảo thuộc địa. Lễ hội đốt mía trở thành lễ hội hoá trang chính thức của Trinidad Tobago, và sẽ giúp phát triển mạnh dòng nhạc calypso.
Nói như vậy không có nghĩa là calypso chỉ đơn thuần là một điệu nhạc giải trí, calypso có thể dùng ca từ như một loại vũ khí để đả kích, chỉ trích, hay để nói lên khát vọng độc lập cũng như điệu reggae đã từng làm trên đảo Jamaica.
Nhiều bản calypso ghi âm trong thời gian đầu thường là nhạc không lời, nếu có đặt ca từ thì các tác giả phải biết dùng lời cho khéo, dùng cách nói vòng hay ví von để dễ luồn lách kiểm duyệt.
Thập niên 1930 mở ra thời kỳ vàng son cho calypso khi thể điệu này được đem ra nước ngoài, phổ biến rộng rãi. Bản nhạc calypso đầu tiên ăn khách trên thị trường quốc tế là bài Rum & Coca Cola mà ban tam ca Andrews Sisters ghi âm vào năm 1944.
Trong nguyên tác, đây là một ca khúc của Lord Invader. Bản nhạc này rất ăn khách với cả trăm phiên bản ghi âm khác nhau, qua nhiều thời kỳ giai đoạn.
Người nghe chủ yếu giữ lại trong tâm trí cái nhịp điệu rộn ràng vui tươi, nhưng lại chóng quên rằng nội dung ca từ nguyên gốc chỉ trích việc thiết lập những căn cứ quân sự Mỹ đầu tiên trên hòn đảo, kéo theo sự bùng phát của nhiều tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, mại dâm …
Sau thành công của bản nhạc Rum & Coca Cola, thể điệu calypso càng lúc càng trở nên thương mại. Chữ calypso được khai thác như một thương hiệu quảng cáo.
Trong vòng nhiều năm liền, kỹ nghệ điện ảnh giải trí Hollywood gắn nhãn mác calypso cho tất cả những âm thanh đến từ các quần đảo, mà ít có phân biệt đó có thật là calypso hay không ?
Từ cuối những năm 1970 trở đi, calypso được kết hợp với điệu biguine, esay listening hay phong trào surf music để cho ra đời nhiều giai điệu mùa hè trữ tình tươi mát.
Các nghệ sĩ thời nay khi phóng tác hoặc chuyển thể theo calypso chủ yếu muốn vay mượn những hình ảnh gắn liền với thể điệu này, phổ biến qua phim ảnh quảng cáo. Họ cũng kết hợp với nhiều làn điệu khác như soca, zouk hay reggae.
Các tác giả thời nay cũng chỉ giữ lại cái vỏ bọc nhiều hơn là cái cốt, họ yêu chuộng cái nhịp điệu tươi thắm rộn ràng chứ ít quan tâm đến cội nguồn dĩ vãng, cái truyền thống đốt mía dân gian, khi gốc rễ úa vàng. Khúc hoan ca đồng áng với niềm hy vọng miên man thấy được một ngày mai tươi sáng.