Môn học nhiều cảm xúc
PGS.TS Nguyễn Hiền Phương là người trẻ nhất được phong PGS.TS Luật năm 2016. Hẹn chị trong một chiều cuối thu, khi chị đang chuẩn bị cho những tiết dạy đan xen. Chị nói, một ngày của chị bắt đầu từ 7h và chạy đều đến 22h.
Là chị cả trong một gia đình Hà Nội 5 chị em, nên có lẽ chị đã quen với việc sắp xếp công việc sao cho khoa học. Thấm thoắt đã 20 năm, chị tốt nghiệp ĐH Luật Hà Nội và ở lại trường làm giảng viên. Với chị, những bài giảng phải luôn mới mẻ và dễ ghi nhớ với sinh viên, để các em thêm yêu môn học. Bởi đó không chỉ là bài giảng lý thuyết, mà đó còn là cuộc sống.
Những giảng đường luôn là một thánh đường để chị cháy hết mình, truyền cảm xúc và niềm say mê. Chị cho biết, cho dù bận rộn thế nào, chị cũng có thể bỏ hết mọi thứ để có thể mang đến bài giảng tốt nhất cho sinh viên. “Đó có lẽ là lý do để mình gắn bó với nghề. Bạn biết đấy, thực tế thu nhập từ việc giảng dạy rất eo hẹp, nhưng lại là công việc mang lại cho mình rất nhiều niềm vui và ý nghĩa! Hình như khi có đam mê mọi việc đều rất nhẹ nhàng” - chị Phương tâm sự.
Từ lâu, chị đã giảng bài cho sinh viên theo hướng từng nhóm để các em thảo luận, và “làm chủ” bài học, chứ không chỉ để sinh viên thụ động nghe giảng viên thuyết trình một chiều theo kiểu học truyền thống “thầy đọc, trò ghi”.
Do đó, các tình huống từ cuộc sống được đặt ra và các nhóm sinh viên sẽ cùng nhau phân tích, mổ xẻ vấn đề… Theo chị, đó cũng là cách để thầy trò luôn học hỏi được nhau và tình thầy trò thêm gắn bó. Điều thú vị là sẽ có những điều mới mẻ được trò đưa ra và người thầy không bị “ đóng khung” trong kiến thức của mình…
Năm 2010, khi Luật Người Khuyết tật đi vào cuộc sống, chị là một trong những người đặt nền móng cho việc đưa môn pháp luật về người khuyết tật vào giảng dạy với rất nhiều bỡ ngỡ và mới mẻ. Thế nhưng, với chị đó không chỉ là khó khăn, mà còn là niềm hạnh phúc chinh phục những “viên gạch nền móng” đầu tiên ấy.
PGS.TS Nguyễn Hiền Phương cho rằng, dù mới hay cũ thì luôn phải “truyền lửa” được cho học trò. Và chỉ khi các em đi tới tận cùng chân lý, thì các em mới say mê. Bởi quan niệm rằng “các kiến thức không phải là sự sáo rỗng”, chị luôn tin, “xây dựng cho sinh viên Luật có nền tảng về cách tiếp cận, phân tích kỹ lưỡng vấn đề như vậy, sau này các em sẽ hoạt động tốt trong mọi lĩnh vực”. Chính bởi thế, những học trò của cô giáo Hiền Phương đã học gì là chắc đó.
“Cúi xuống thật gần”
Là tên một ca khúc của nhạc sỹ tài hoa Trịnh Công Sơn, nhưng với chị Hiền Phương, đó là những mảnh ghép khác, đến gần hơn với những thân phận, những người phụ nữ yếu đuối kém may mắn.
Bởi thế, không chỉ giảng dạy, gần 10 năm trở lại đây, PGS.TS Nguyễn Hiền Phương có hướng nghiên cứu mới, tập trung nhiều vào các lĩnh vực an sinh xã hội, hướng đến nhóm người yếu thế như: lao động nữ, lao động khuyết tật, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn… Với phụ nữ, chị tập trung nhiều vào vấn đề bình đẳng giới trong lao động và các chế độ hỗ trợ, thúc đẩy bình đẳng cho phụ nữ.
Đành rằng theo chị, không chỉ ở Việt Nam, ở đâu lao động nữ vẫn được xếp vào nhóm yếu thế. Họ phải đối mặt với trách nhiệm xã hội, trách nhiệm gia đình. Để cân bằng được, rất vất vả và cũng là nghệ thuật, đòi hỏi họ phải biết phân bổ thời gian, đồng thời phải đủ tâm huyết, đủ sức khỏe và nghị lực thì mới theo đuổi được ước mơ của mình.
Nhiều phụ nữ mà chị tiếp xúc, chồng còn không muốn cho vợ đi học, đi làm. Những lúc đó chị thấy buồn và thương phụ nữ, đặc biệt là với lao động nữ phổ thông và ở khu vực nông thôn, quá vất vả mà vẫn phải đối mặt với vô vàn định kiến. Nhận thức của họ cũng rất hạn chế, họ chưa bao giờ nghĩ mình có vị thế bình đẳng.
|
Sinh viên Đại học Luật Hà Nội say sưa với môn học về Luật người khuyết tật. |
Chị bày tỏ: “Mặc dù ai cũng biết phụ nữ ở Việt Nam như “siêu nhân”, vừa đảm việc nhà, vừa giỏi việc nước… Dẫu chúng ta đã tham gia các công ước quốc tế, các chương trình bình đẳng giới, cách nhìn nhận đã tích cực hơn nhiều, nhưng ở góc độ phụ nữ, nhất là những người khuyết tật, đơn thân, hộ nghèo… họ có xu hướng phải đối mặt với nhiều rào cản khác của xã hội. Xã hội càng phát triển thì những đối tượng này càng thụt xuống, khoảng cách càng kéo xa.
Công việc của mình là phải thu hẹp khoảng cách này. Song thu hẹp không phải là thấy họ thiếu gì thì cho đó, mà giúp họ có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo việc làm, thay đổi nhận thức… để thúc đẩy phụ nữ đạt được quyền bình đẳng”.
PGS.TS Hiền Phương chia sẻ, đối với người khuyết tật, chị tham gia nhiều dự án quốc tế với tư cách một chuyên gia cao cấp. Đây là mảng công việc chị rất tâm huyết và cũng là lý do để bắt đầu từ năm 2010 khi Luật Người khuyết tật ra đời, chị là một trong những người đặt nền móng cho việc môn pháp luật về người khuyết tật vào giảng dạy ở trường đại học. Môn học nhận được đồng tình, hứng thú của sinh viên.
Trả lời câu hỏi “Vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu, vừa hoạt động xã hội khi một nách ba con nhỏ, chị sắp xếp thời gian ra sao?”, chị cười cho rằng mình cũng khá may mắn và thuận lợi khi có ông xã luôn ủng hộ, luôn sát cánh bên chị. Chị kể, một ngày của chị, chỉ riêng công việc giảng dạy đã quá kín rồi, từ dạy chính ở trường, dạy tại chức, văn bằng hai, cao học…
PGS.TS Nguyễn Hiền Phương tự nhận mình là người tham việc bởi nếu chỉ an phận làm tốt công việc giảng dạy là ổn rồi, nhưng chị cứ nghĩ ra việc gì có thể làm được là lại ham.
Đơn cử là khi cho con gái lớn đi du học Mỹ, có dịp sang trường cùng con và những chuyến công tác nước ngoài, chị nhận thấy học sinh Việt Nam còn thiếu hụt quá nhiều kỹ năng mềm như cảm thụ âm nhạc, văn hóa nghệ thuật, khả năng thuyết trình tự tin trước đám đông... Vậy là trở về, chị quyết tâm mở trường Helios (vào tháng 5/2018) để trang bị cho học sinh các kỹ năng để có thể tự tin hòa nhập với thế giới.
Mặc dù trường mới bắt đầu hoạt động, nhận học sinh từ nhiều lứa tuổi và cả những sinh viên, người lớn có nhu cầu nhưng đã có những tín hiệu khá tốt, học phí phải chăng. Bởi những giảng viên, những văn nghệ sỹ, họa sỹ… chị mời tới giảng dạy đều gần như đi truyền dạy bởi niềm say mê, chứ không hẳn vì thu nhâp.
Nói về cách sắp xếp thời gian cho công việc và gia đình, PGS.TS Hiền Phương cho biết vì muốn các con tự lập, chủ động với cuộc sống nên “hai vợ chồng đã quy ước, sáng nào cũng sẽ trò chuyện với con gái đang du học ở Mỹ 30 phút trước khi đi làm.
Hiện cô gái học ở Mỹ năm thứ hai đã giúp mẹ kết nối giao lưu học sinh, thầy cô hai nước trong các chương trình của nhà trường. Với hai con nhỏ, không chăm được con nhiều như ngày bé, nhưng mình vẫn thường xuyên kiểm tra bài vở, chuyện trò với các con trước khi đi ngủ. Các con đều tự lập và trưởng thành”.
Bởi luôn thấy thiếu thời gian nên chị tự thấy mình cũng khá thiệt thòi, thế nhưng, càng làm việc, càng nhiều ý tưởng, đặc biệt với những chương trình an sinh, chị càng tận tụy, hết lòng. Và khi có thời gian rảnh rỗi, niềm vui của chị là đọc sách, chăm vườn lan, vườn hồng. Có lẽ với nữ PGS.TS ấy, để giữ được cho mình tràn đầy năng lượng và truyền cảm hứng, chị luôn đặt tất cả trái tim mình cho từng việc nhỏ…