“Nữ tính độc hại” đang làm khổ phụ nữ?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Dù nhận thức về bình quyền đã được nâng cao, cộng đồng đang nỗ lực đấu tranh cho bình đẳng giới, nhưng vẫn có không ít hiện tượng nhân danh “nữ tính” để đi ngược lại sự tiến bộ, thể hiện thái độ thiếu tôn trọng nữ giới.
Ảnh minh họa: (Nguồn ảnh: Soha)
Ảnh minh họa: (Nguồn ảnh: Soha)

Những quan niệm lệch lạc

Mới đây, Tiktoker trẻ T.P. đã có đoạn viết được cho là mang tính “độc hại”, bị nhiều người phản ứng. Trong tác phẩm mới ra mắt “Phụ nữ thành công - họ làm gì?”, T.P. viết: “Có thể nói, phụ nữ là món quà vô cùng tuyệt vời mà tạo hóa đã ban tặng cho đàn ông”. Nhiều người cho rằng quan điểm “phụ nữ là món quà của đàn ông” là lệch lạc, thiếu tôn trọng phụ nữ.

Tuy nhiên, đáng buồn là quan điểm này vẫn tồn tại trong cuộc sống, được không ít người nhắc đến như điều hiển nhiên hoặc một trò đùa.

Mới đây, một nam rapper vừa thành danh tại một cuộc thi âm nhạc bị phát hiện từng sáng tác một ca khúc với ngôn từ dung tục, coi phụ nữ là công cụ thấp kém để giẫm đạp. Nam rapper này lập tức đối diện sự phẫn nộ, quay lưng của khán giả. Một nam rapper khác, mới đây cũng đối diện với xử lý từ cơ quan chức năng vì biểu diễn bài hát với nội dung kém văn minh, thiếu tôn trọng phụ nữ.

Trước đó, nam nghệ sĩ hài nổi tiếng Tr.G. cũng đã gây bức xúc trong dư luận khi đặt câu hỏi cho bạn cùng chơi trong một chương trình gameshow truyền hình: “Nếu tồn tại trên trái đất với một người phụ nữ, em sẽ chọn ai để duy trì nòi giống?”. Câu hỏi mang tính pha trò này bị khán giả cho rằng thiếu tế nhị, tệ hơn là thiếu tôn trọng khi xem phụ nữ là công cụ để đàn ông lựa chọn và duy trì nòi giống. Tương tự, trong một chương trình hẹn hò trên truyền hình, một người chơi nam đã phát ngôn “phụ nữ xấu có cho cũng không lấy, vì như thế làm hỏng cả đời con cháu”. Điều này khiến nhiều khán giả phẫn nộ vì đề cao vẻ ngoài, thiếu tôn trọng phẩm giá phụ nữ.

Nhận diện “nữ tính độc hại”

Trên các kênh truyền thông lẫn mạng xã hội đến nay vẫn tồn tại không ít chương trình hài, video ngắn đề cập đến đặc trưng cơ thể giới tính nữ để làm trò đùa, bóp méo, gây cười một cách thô thiển. Đây đó trong giải trí, nghệ thuật, còn những quan điểm lệch lạc được biểu hiện tinh vi hơn, đôi khi khiến người xem không nhận ra, nhưng thực tế đó là sự tuyên truyền về “nữ tính độc hại” gây tác động tiêu cực, đi ngược lại sự đấu tranh cho bình quyền.

Vậy “nữ tính độc hại” là gì? Đây là thuật ngữ được dùng để chỉ các chuẩn mực áp đặt một cách khuôn mẫu lên người phụ nữ như: phải biết cam chịu, chấp nhận, dịu dàng... khiến họ phải gạt đi những nhu cầu của bản thân để làm hài lòng người khác, thường người đó là đàn ông. Điều này đã gây tổn hại nghiêm trọng đến tính chủ động, tự chủ, cảm xúc và sức khỏe tinh thần của phụ nữ.

Những biểu hiện của “nữ tính độc hại” thường thấy là: sự cam chịu (các quan điểm đều cho rằng phụ nữ là phái yếu, do đó họ phải chấp nhận sự kiểm soát của phái mạnh, xu hướng này đã khiến cho một số người đặt mong muốn của người đàn ông lên trên mong muốn của bản thân); yêu cầu người khác cũng phải nữ tính (biểu hiện kiểm soát sự nữ tính của người khác liên quan đến việc gây áp lực); ganh ghét với người cùng giới; không coi trọng sức khỏe, sở thích cá nhân của bản thân để đáp ứng những tiêu chuẩn về sắc đẹp của xã hội dành cho phụ nữ; không coi trọng năng lực của bản thân, giả vờ không biết cách giải quyết hoặc luôn tỏ ra mình yếu đuối giữ thể diện cho người đàn ông.

Không chỉ đàn ông mà chính phụ nữ cũng có những suy nghĩ “độc hại” về chính mình. Những câu phát ngôn kiểu “phụ nữ ngoan sẽ có quà”, “em đẹp em có quyền”, “làm phụ nữ là phải đẹp”… vẫn không hiếm gặp.

Trong các đoạn phim quảng cáo hay bài viết trên truyền thông còn một số hình ảnh, chi tiết cho thấy sự “đóng khung” trong quan niệm về vai trò của phụ nữ. Một người vợ vừa “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, một người mẹ có thể vừa lo cho các con học hành, thực hiện những bữa ăn ngon cho gia đình, chu toàn cho chồng. Hay những người phụ nữ làm đẹp để khiến người đàn ông phải mê đắm, cho thấy sự khác biệt trong cách đối xử của đàn ông với phụ nữ khi chưa đẹp và khi có nhan sắc…

Dù những năm qua, phong trào đấu tranh cho bình quyền phát triển, vai trò, vị trí của người phụ nữ đã được đề cao, nhưng theo các chuyên gia xã hội học, “nữ tính độc hại” đang tồn tại công nhiên, hoặc âm thầm trong đời sống, cản trở sự phát triển cân bằng của xã hội. Điều này đi ngược lại phong trào đấu tranh cho bình quyền, khiến phụ nữ trở thành nạn nhân của sự lạm dụng hoặc chấp nhận sống trong điều kiện thiếu an toàn hoặc kiệt sức trong sự tự thúc đẩy mình nhằm có thể làm hài lòng đối phương, tổn hại đến sức khoẻ thể chất và tinh thần...

Những vấn đề trên đòi hỏi chính người phụ nữ phải nhận diện và thoát ra khỏi những quan điểm cũ, lệch lạc vẫn tồn tại trong suy nghĩ của mình. Đồng thời, trong xã hội, sự tỉnh táo nhận diện, lên án những hành vi thiếu tôn trọng phụ nữ, lan truyền “nữ tính độc hại” là rất cần thiết trên hành trình đến với sự công bằng về giới tính, sự bình quyền thật sự.