Nữ Trưởng phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án tận tâm với nghề

(PLVN) -Đã hơn 27 năm chị  Đoàn Thị Minh Phượng- Chấp hành viên trung cấp, Trưởng phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án thuộc Cục THADS tỉnh Thừa Thiên- Huế đồng hành và gắn bó với nghề; trong quá trình công tác, chị luôn nỗ lực hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ Tư pháp và Thủ tướng Chính phủ.
Nữ Trưởng phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án tận tâm với nghề

Năm 1994, chị Phượng bắt đầu “bén duyên” với ngành THADS với vai trò một cán bộ Đội THADS huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên-Huế. Hơn 10 năm sau đó, chị trở thành Chấp hành viên, Trưởng thi hành án huyện Quảng Điền. Đến tháng 5/2008, chị được điều động lên công tác tại Cục thi hành án dân sự tỉnh Thừa Thiên Huế với chức danh là Chấp hành viên – Trưởng phòng Kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo. Trải qua những năm tháng gắn bó với vai trò Chấp hành viên, chị luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Hiện, chị là Chấp hành viên trung cấp, Trưởng phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án, Phó bí thư Chi bộ, Phó trưởng Ban vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh.

Chia sẻ về những kỷ niệm ngày đầu mới bước vào ngành thi hành án, chị cho biết, trước khi đến với nghề thi hành án, chị là cán bộ Công ty dịch vụ nông nghiệp huyện Quảng Điền. Thi hành án dân sự là một công việc đòi hỏi Chấp hành viên phải có bản lĩnh nghề nghiệp vì phải đối mặt với nhiều áp lực, từ áp lực ở phía người được được thi hành án nếu vụ việc chưa có kết quả, đến việc người phải thi hành án chống đối khi quyền tài sản của họ bị cưỡng chế, kê biên xử lý để thi hành án…

Chấp hành viên Đoàn Thị Minh Phượng trong một lần đi vận động Thi hành án
Chấp hành viên Đoàn Thị Minh Phượng trong một lần đi vận động Thi hành án

“Đối với, Chấp hành viên là nam giới khi thực hiện nhiệm vụ đã gặp khó khăn, chống đối chứ chưa nói Chấp hành viên là nữ, phải đối mặt với nhiều đối tượng có tiền án, tiền sự, những vụ án giết người, ma túy; nhiều vụ việc cưỡng chế đương sự chống đối quyết liệt hoặc có vụ việc người phải thi hành án có bệnh nặng nếu xử lý không khéo léo thì dễ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của họ. Với phương châm trong công việc là lấy vận động, thuyết phục là chính và cũng kiên quyết áp dụng biện pháp cưỡng chế nếu đương sự có điều kiện nhưng chây ỳ, chống đối”- chị Phương cho hay.

Với chức trách là Trưởng phòng Nghiệp vụ và tổ chức thi hành án tỉnh, chị cũng như các cán bộ của Phòng đã tham mưu tích cực cho lãnh đạo Cục trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ cho các đơn vị và đôn đốc các Chấp hành viên trên địa bàn tỉnh thực hiện tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Sau khi được Phòng hướng dẫn, các Chi cục và Chấp hành viên đã giải quyết được nhiều vướng mắc và có  kết quả như vụ Công ty Hưng Việt, vụ Công ty làng Xanh Lăng Cô, vụ Công ty TNHH HaCo, vụ Phan Thế Lộc…Đặc biệt, Cục đã phối hợp với các cơ quan ban ngành thực hiện tốt công tác vận động người phải thi hành án tự nguyện giao tài sản như trong vụ Phạm Thị Phương Anh phải trả ki-ốt mặt tiền 3/22 Điện Biên Phủ, phường Phường Đúc, thành phố Huế; vụ Lê Quang Lệ và Nguyễn Thị Được giao trả nhà đất tại số 119, Mai Thúc Loan (phường Thuận Lộc, thành phố Huế). Nhiều năm liền Thi hành án án tỉnh Thừa Thiên Huế đều hoàn thành nhiệm vụ và được Bộ Tư pháp, UBND tỉnh tặng bằng khen.

Chấp hành viên Đoàn Thị Minh Phượng chia sẻ, đối với trách nhiệm của một Chấp hành viên trung cấp trực tiếp tổ chức thi hành các bản án, quyết định của tòa án và thường xuyên tiếp xúc với dân nên bản thân tôi phải đảm bảo và giữ đúng chuẩn mực của Chấp hành viên về tác phong, lề lối làm việc. Đặc biệt, chị luôn lắng nghe tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân; luôn khách quan, không thiên vị cho người phải thi hành án hay người được thi hành”.

Bên cạnh đó, chị còn chỉ đạo tham mưu tốt việc ban hành các quyết định thi hành án, xác nhận kết quả thi hành án; lập hồ sơ xét, miễn giảm thi hành án; Tổ chức theo dõi thi hành án hành chính là một trong những công việc mới được quy định trong 5 năm gần đây, là một hoạt động đòi hỏi phải có cách ứng xử vừa đúng luật vừa tinh tế vì nó liên quan trực tiếp đến người đứng đầu các cơ quan ban ngành và Thừa Thiên Huế là một trong ít các tỉnh có tỷ lệ theo dõi thi hành án hành chính đạt kết quả 100%.…”

Để công tác THADS đạt nhiều kết quả khả quan, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn được giao, chị đã đưa ra nhiều sáng kiến, những đổi mới và cải tiến trong công việc để áp dụng có hiệu quả. Đơn cử như sáng kiến mô hình “xã điểm” trong thi hành án dân sự; sáng kiến tăng cường công tác phối hợp với Trại giam nhằm nâng cao hiệu quả công tác thi hành án dân sự; đổi mới biện pháp chỉ đạo nghiệp vụ, đôn đốc tổ chức thi hành án đến từng Chấp hành viên nhằm nâng cao tỷ lệ thi hành án…

Bên cạnh việc hoàn thành tốt chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao, chị còn chu toàn với vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình và đã được Công đoàn viên chức tỉnh tặng Giấy khen về “Giỏi việc nước - Đảm việc nhà”. Nhiều năm liền chị đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, Chiến sĩ thi đua ngành Tư pháp. Năm 2016 , 2017, 2018  chị vinh dự nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tư pháp về thành tích xuất sắc trong công tác năm. Đăc biệt, trong năm 2019 chị được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích trong công tác góp phần vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội bảo vệ Tổ quốc; được Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế tặng Bằng khen. Ngoài ra, chị là 01 trong những Đảng viên được Đảng ủy khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Thừa Thiên- Huế tuyên dương là đảng viên xuất sắc, tiêu biểu trong toàn Đảng bộ Khối. 

Đọc thêm