Nước Anh vẫn “rối bời” hậu Brexit

(PLO) - Các Thủ tướng thuộc Nhóm Visegrad gồm Hungary, Slovakia, CH Séc và Ba Lan vừa gặp nhau ngày 6/9 bên lề một diễn đàn kinh tế tại thành phố Krynica của Ba Lan thảo luận về tác động của việc cử tri Anh bỏ phiếu rời Liên minh châu Âu (EU) còn gọi là Brexit.
Nước Anh vẫn “rối bời” hậu Brexit

Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo cho biết 4 nước Đông Âu sẽ có lập trường chung tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào tuần tới về tương lai EU hậu Brexit. Ông Szydlo nhấn mạnh nhóm Visegrad có tiềm năng lớn và chuẩn bị một kế hoạch riêng cho EU.

Đòn bẩy cải cách

Tác động của sự kiện Brexit sẽ là chủ đề chính tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của 27 nước thành viên EU (không có Anh) diễn ra tại thủ đô Bratislava của Slovakia vào ngày 16/9 tới. 

Thủ tướng Slovakia Roberto Fico cho biết, hội nghị trên sẽ khởi động một tiến trình quan trọng, trong đó có việc chẩn đoán “sức khỏe của EU” và xác định phương thuốc điều trị.  Về phần mình, Thủ tướng Hungary Viktor Orban cho rằng Brexit tạo cơ hội để sửa chữa những sai lầm của EU, một liên minh mà ông mô tả là “giàu có nhưng yếu ớt”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) diễn ra ở Hàng Châu (Trung Quốc), Thủ tướng Anh Theresa May đã chịu nhiều áp lực trong việc thảo luận về mối quan hệ thương mại giữa Anh với Mỹ và nhiều quốc gia khác sau khi nước này quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Phát biểu tại Hội nghị G20, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết nước này sẽ ưu tiên đàm phán thương mại với EU và các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương hơn là các cuộc đàm phán với Anh, song cũng khẳng định Washington sẽ làm mọi cách để Brexit không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ với London.

Về phần mình, Nhật Bản cảnh báo “sẽ có thay đổi lớn” hậu Brexit và cho rằng cần phải giảm thiểu những “ảnh hưởng tiêu cực” có thể xảy ra. Tuy vậy, trước đó Chính phủ của Thủ tướng Shinzo Abe ra thông cáo nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất là Anh và EU vẫn phải duy trì một thị trường chung và những môi trường kinh doanh hấp dẫn với thương mại tự do, không giới hạn về đầu tư và các giao dịch tài chính luôn diễn ra suôn sẻ, an toàn.

Thông cáo cũng đưa ra yêu cầu Anh xem xét nghiêm túc đến việc một số doanh nghiệp Nhật Bản từng đầu tư khá lớn vào Anh được xem như cửa ngõ để vào châu Âu, để từ đó đưa ra những phản hồi có trách nhiệm nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp này.

Phản ứng sau các phát biểu trên, Thủ tướng Anh khẳng định nước này vẫn có thể thành công, dù không còn là thành viên của EU và sẽ trở thành “quốc gia dẫn đầu về thương mại tự do trên thế giới”. 

Khi được hỏi về mối quan hệ giữa Anh với Trung Quốc trong bối cảnh London quyết định tạm ngưng dự án điện hạt nhân tại Hinkley vì lý do an ninh, bà Theresa May nhấn mạnh Anh đã có “một kỷ nguyên vàng” trong quan hệ với Trung Quốc, dưới thời Thủ tướng tiền nhiệm David Cameron, do đó, nước này vẫn mong muốn tiếp tục phát triển mối quan hệ với Trung Quốc bên cạnh việc phát triển quan hệ thương mại với một số quốc gia khác trên thế giới.

Tháo gỡ vấn đề người di cư

Một vấn đề khác được Thủ tướng Anh Theresa May cam kết là sẽ tháo gỡ vấn đề người di cư từ Liên minh châu Âu (EU) đổ về Anh, song vẫn tỏ ý lưỡng lự về việc ban hành một hệ thống tính điểm nhập cư, tương tự như mô hình của Australia.

Phát biểu khi tới thành phố Hàng Châu của Trung Quốc để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu (G20), bà May nhấn mạnh người dân Anh mong muốn thấy được năng lực của chính phủ nước này trong việc kiểm soát dòng người di cư từ EU, đồng thời khẳng định sẽ không để xảy ra tình trạng dòng người trên có thể tự do vào Anh như trong quá khứ.

Tuy nhiên, bà vẫn tỏ ý hoài nghi về đề xuất của Ngoại trưởng Anh Boris Johnson về việc thiết lập kiểm soát người nhập cư vào Anh dựa trên một hệ thống tính điểm nhập cư tương tự như mô hình của Australia khi xem xét các hồ sơ nhập cư, tức là đưa ra một loạt tiêu chí như trình độ tiếng Anh, kinh nghiệm chuyên môn, tuổi tác... để đánh giá.

Nữ Thủ tướng Anh cho rằng một trong số các vấn đề còn tồn tại hiện nay không phải là việc hệ thống tính điểm nhập cư có hoạt động hay không mà là việc người dân nước này không mong muốn tình trạng dòng người di cư tự do vào lãnh thổ Anh như trong quá khứ. Chính vì vậy, một lần nữa bà khẳng định chính phủ nước này sẽ nỗ lực hết sức mình để có thể biến mong muốn của người dân thành hiện thực. 

Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo Anh còn tái khẳng địnhsẽ không có bất kỳ sự thay đổi nào về quy chế của các công dân EU hiện cư trú tại Vương quốc Liên hiệp Anh trước khi Anh rời khỏi EU. Tuy nhiên, bà cũng nhấn mạnh cam kết này chỉ được thực hiện nếu tình trạng của các công dân Anh đang cư trú tại các nước EU khác được đảm bảo.

Sau cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 vừa qua, chính phủ mới của Anh đang cố gắng tìm ra giải pháp nhằm hạn chế dòng người di cư từ EU vào nước này, song vẫn không làm mất đi quyền được tiếp cận với thị trường của liên minh. Theo Ngoại trưởng Anh Boris Johnson, việc áp dụng một hệ thống tính điểm nhập cư như của Australia có thể giúp Anh giải quyết được vấn đề này.

Nhiều doanh nghiệp rời Anh

Như đã nói ở trên, Chính phủ Nhật Bản vừa công bố một bản kiến nghị dài 15 trang gồm những yêu cầu của giới doanh nghiệp nước này, trong đó đi kèm với lời cảnh báo rằng các ngân hàng, các hãng chế tạo ô tô và dược phẩm Nhật Bản có thể sẽ rời nước Anh sang các nước châu Âu khác nếu Anh không đạt được một thỏa thuận thương mại phù hợp với Liên minh châu Âu (EU), tức là khi đó Anh không còn được hưởng ưu đãi miễn thuế trong quan hệ thương mại với các nước thành viên EU sau khi rời liên minh này, hay còn gọi là Brexit. 

Kiến nghị trên cũng được công bố bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Các doanh nghiệp Nhật Bản lưu ý rằng Anh có thể trở thành một địa chỉ kinh doanh ngày càng kém hấp dẫn. Trong bản kiến nghị nói trên, giới doanh nghiệp đất nước Mặt trời mọc khuyến nghị Anh nên tìm cách tránh việc bị áp thuế nhập khẩu từ các nước EU, đồng thời tạo điều kiện cho người lao động di chuyển dễ dàng giữa Anh và châu Âu. Thị trường lao động châu Âu có thể có sự xáo trộn lớn nếu các công dân EU không được đi lại tự do và ở lại Anh và châu Âu. 

Hiện tại, đầu tư của Nhật Bản tại Anh chiếm khoảng 50% tổng đầu tư của nước này tại EU. Các doanh nghiệp lớn của Nhật Bản đầu tư kinh doanh tại xứ sở sương mù phải kể tới Nissan, Honda, Mitsubishi, Nomura và Daiwa. Nhật Bản cảnh báo các doanh nghiệp nước này đặt trụ sở châu Âu tại Anh có thể quyết định chuyển trụ sở sang các nước châu Âu khác trong trường hợp nước Anh không còn được hưởng các quy định dành cho thành viên EU sau khi rút khỏi liên minh. 

Bản kiến nghị nêu rõ các doanh nghiệp Nhật Bản đã đầu tư mạnh mẽ vào Anh, nơi được coi là cửa ngõ để họ thâm nhập châu Âu, cũng như thiết lập chuỗi giá trị trên toàn châu lục này. Vì vậy, các doanh nghiệp Nhật Bản đề nghị Chính phủ Anh tìm kiếm các giải pháp hợp lý để giảm thiểu những tác động bất lợi đối với các doanh nghiệp Nhật Bản đang làm ăn tại đảo quốc sương mù. 

Chính phủ Nhật Bản cũng nhấn mạnh lĩnh vực tài chính của Anh cần duy trì được hệ thống “hộ chiếu” chung nhằm giúp các ngân hàng có thể tiếp tục hoạt động trên toàn EU với hộ chiếu họ đã có được ở Anh, tránh việc phải xin một “hộ chiếu” mới hoặc chuyển trụ sở hoạt động sang các nước EU khác.

Kinh tế Anh tổn thương

Nền kinh tế Anh sẽ bị tổn thương như một hệ quả của quyết định rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) bất chấp những số liệu kinh tế gần đây cho thấy sự tác động này không nghiêm trọng như nhiều dự báo trước đó. 

Thủ tướng Theresa May đưa ra nhận định trên khi lên đường tới dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) ở Hàng Châu. 

Thủ tướng Theresa May nêu rõ: “Sẽ có những thời điểm khó khăn ở phía trước. Tôi nghĩ rằng phản ứng của nền kinh tế tốt hơn so với một vài dự báo hậu trưng cầu dân ý, nhưng tôi không dám khẳng định rằng con đường phía trước sẽ bằng phẳng”.

Các số liệu công bố ngày 1/9 cho thấy hoạt động sản xuất trong tháng 8/2016 tại Anh đạt mức cao nhất trong vòng 10 tháng qua. Đây là một dấu hiệu đánh dấu sự phục hồi ngoạn mục của lĩnh vực này tại Anh sau thời gian giảm sút nghiêm trọng do tác động của cuộc trưng cầu ý dân lịch sử hồi tháng 6 vừa qua.

Bất chấp các số liệu tích cực từ nền kinh tế, Thủ tướng Anh vẫn cho rằng Brexit sẽ tiếp tục khiến nền kinh tế Anh bị tổn hại, do đó bà yêu cầu chính phủ theo dõi sát sao các dữ liệu kinh tế trong những tháng tới trước khi công bố các biện pháp tài chính để bảo vệ nền kinh tế vào cuối năm nay. Khi được hỏi về sự cần thiết phải có một “sự điều chỉnh tài chính” như Bộ trưởng Tài chính Philip Hammond từng đề cập, Thủ tướng Anh cho biết chính phủ của bà hiện vẫn chưa đưa ra quyết định và sẽ xem xét vấn đề này trước khi có bức tranh cụ thể hơn về những gì đang diễn ra sau Brexit. 

Tại Hội nghị thượng đỉnh G20 với chủ đề “Hướng tới một nền kinh tế thế giới đổi mới, tăng trưởng, liên kết và toàn diện”, Thủ tướng Anh đã nhấn mạnh rằng “Anh sẽ mở cửa cho các doanh nghiệp, với tư cách là một quốc gia cởi mở, đáng tin cậy và có tầm nhìn”, đồng thời khẳng định Anh sẽ đóng vai trò “lãnh đạo toàn cầu” về thương mại tự do. Dẫu vậy, hậu Brexit, vẫn còn nhiều bối rối cho không riêng nước Anh…

Đọc thêm