Bi kịch 10 năm trước
Gần 20 năm trước, Lâm Thị Ngọc Sương (SN 1975, quê ở Hồng Ngự, Đồng Tháp) đã kết hôn với anh Nguyễn Văn Khâm ở xã Long Hòa, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang. Sương là con gái nhà nghèo, ở tỉnh xa nên khi lấy được chồng giàu thì rất phấn khởi, ngỡ đời mình sẽ được bao bọc trong nhung lụa. Nhưng về rồi mới biết chồng Sương ăn chơi trác táng, bán trời không văn tự, lại mắc nghiện ma tuý. Lấy chồng đầu năm, cuối năm Sương sinh con trai, gia đình chồng rất mừng, đặt tên cháu bé là Nguyễn Bảo Còn, nghĩa là báu vật còn giữ được ở đời.
Nhưng hạnh phúc ngắn tày gang, đứa con vừa ra đời đã đau yếu quặt quẹo, chồng Sương cũng phát bệnh đổ ốm liên miên. Một thời gian sau chồng Sương phát hiện mắc căn bệnh thế kỷ, đi xét nghiệm Sương đau đớn biết mình và con cũng đã bị nhiễm bệnh từ chồng. Đến năm 2003 thì người chồng qua đời vì bệnh AIDS. Quá đau đớn và căm hận, sau đó Sương nhờ vợ chồng người em trai làm giấy khai sinh và đổi tên con thành Lâm Bảo Duy (lấy họ mẹ) với mong muốn tương lai của con mình không dính dáng gì đến người cha của nó.
Bé Duy nhiễm HIV từ mẹ do người cha truyền bệnh sang nên ốm yếu, nhưng bù lại cháu rất ngoan ngoãn và yêu mẹ. Từ khi chồng mất, một mình Sương phải đi làm quần quật cũng chỉ đủ nuôi hai mẹ con, chưa kể tiền chữa bệnh cho con. Thương con, Sương cố gắng vay mượn thuốc thang cho con dẫn đến nợ nần chồng chất. Đến năm 2005, món nợ từ việc chữa bệnh cho con lên tới 14 triệu đồng, không có khả năng trả nợ khiến Sương vô cùng quẫn bách. Nghĩ bản thân mình đau ốm, cũng mang căn bệnh thế kỷ nhưng không được chữa trị, vẫn lao động vất vả nên Sương nảy sinh ý định mua thuốc trừ sâu để 2 mẹ con thoát khỏi bể khổ trần ai.
Khoảng 17h ngày 10/11/2005, chiều mùa đông buồn tủi Sương đưa con đi khám bệnh trở về nhà. Biết bệnh tình của con dù chữa chạy tốn kém nhưng cũng không thể khá hơn, nghĩ đến tương lai của hai mẹ con chỉ chờ “ông trời gọi đi lúc nào thì biết khi đó” nên Sương vô cùng tuyệt vọng. Như ma xui quỷ khiến, Sương ghé tiệm thuốc bảo vệ thực vật mua hai gói thuốc sâu và một chai thuốc dưỡng cây cho vào chén pha với thuốc nam đưa bé Duy uống được khoảng 1/3 chén, phần còn lại Sương uống hết. Uống xong, Sương bị nôn và nằm bất tỉnh trên giường, bé Duy thấy mẹ trong tình trạng nguy kịch nên hoảng hốt tri hô, cuống quýt gọi mọi người cứu mẹ.
Cả bé Duy và Sương được đưa đi cấp cứu nhưng chỉ có Sương qua được cơn nguy kịch còn bé Duy đã tử vong ngay sau đó. Trước khi mất, lời nói cuối cùng của cháu bé vẫn là “cứu mẹ cháu với” khiến ai cũng thương xót.
Tiếp tục lấy chồng sinh con trong khi trốn nã
4 năm sau ngày sát hại đứa con bệnh tật, yểu mệnh, nỗi đau đớn, dằn vặt kể cả lo sợ sự trừng trị của pháp luật trong Sương cũng dần nguôi ngoai. Sương vẫn còn trẻ, lại xinh đẹp nên vẫn khát khao hạnh phúc và cũng có đàn ông săn đón. Đến năm 2009, Sương chúng sống như vợ chồng với Võ Văn Tung (SN 1976, quê xã Lê Chánh, TX.Tân Châu, An Giang), hai người thuê nhà trọ sống tại Bình Dương. Sương phải giấu thân phận thật của mình, giấu cả việc mình đang mang căn bệnh thế kỷ. Anh Tung không biết gì về người bạn đời, chỉ nghe vợ tâm sự rằng trước kia tình duyên lỡ dở. Quá trình chung sống, hai người khá hạnh phúc, có một con chung. Đến ngày 30/5/2014, Sương bị bắt theo lệnh truy nã về tội “Giết người” thì anh Tung mới té ngửa.
Tại phiên tòa sơ thẩm, mặc dù vụ án đã xảy ra gần 10 năm nhưng dư luận vẫn tỏ ra bức xúc trước hành vi của người mẹ táng tận lương tâm. Đã thế sau khi phạm tội, Sương đã trốn tránh pháp luật, rồi thản nhiên lấy chồng sinh con ở phương khác. Càng bức xúc hơn khi tại phiên xử, Sương tỏ thái độ bất cần, không chút ăn năn, vẫn cố tình đổ lỗi cho hoàn cảnh quẫn bách nên mới “giải thoát” cho con. Sương còn nói rằng bản thân bị cáo đã mắc căn bệnh thế kỷ nên chẳng còn gì để mất.
Hội đồng xét xử TAND tỉnh An Giang nhận định hành vi phạm tội của bị cáo Lâm Thị Ngọc Sương là đặc biệt nghiêm trọng, đã trực tiếp tước đi sinh mạng con ruột của mình, gây tâm lý hoang mang trong dư luận nhân dân, làm mất an ninh trật tự tại địa phương, nên cần có mức án nghiêm mới đủ sức răn đe, giáo dục bị cáo, góp phần phòng ngừa chung cho xã hội. Tuy nhiên, xét thấy nhân thân bị cáo chưa có tiền án, tiền sự; thuộc thành phần lao động nghèo, trình độ học vấn thấp, hiểu biết pháp luật có phần hạn chế, phạm tội trong hoàn cảnh quẫn bách nên chỉ tuyên phạt bị cáo 7 năm tù.
Không thể đổ lỗi cho hoàn cảnh
Trong cuộc sống hiện đại nhiều áp lực, ngày càng nhiều bị cáo gây án trong sự quẫn bách rồi đổ lỗi cho hoàn cảnh. Thạc sĩ Trần Duy Bình (TAND tỉnh An Giang) cho rằng đó chỉ là sự biện hộ vụng về, không có cơ sở để chấp nhận. Đành rằng hoàn cảnh có ảnh hưởng và tác động, chi phối lớn đến đời sống, tình cảm và hành vi của con người. Theo lý thuyết, hoàn cảnh tạo nên tính cách nhưng hoàn cảnh không thể tạo nên số phận mà số phận là do con người quyết định. Bên cạnh đó, luôn có luật pháp và đạo đức chi phối, điều chỉnh hành vi của mỗi người đi đúng quỹ đạo.
Thạc sĩ Bình phân tích, trước mỗi hoàn cảnh, mỗi tình huống con người có thể có nhiều lựa chọn, việc tuân thủ pháp luật hay thực hiện hành vi phạm pháp là do con người lựa chọn chứ không phải do hoàn cảnh. Kẻ gieo gió ắt phải gặt bão, mỗi người phải tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình gây ra nên qua vụ án này cũng khuyến cáo những ai vì hoàn cảnh cùng quẫn mà làm điều càn quấy hãy thận trọng suy xét kỹ, kẻo đến khi biết nói lời ân hận thì đã vào trong... nhà tù!