Nước mắt đằng sau 'cuộc chiến' giành nuôi con hậu ly hôn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ly hôn luôn là một quá trình đầy tổn thương không chỉ cho vợ chồng mà còn cho con cái. Trong đó, tranh chấp về quyền nuôi con và cấp dưỡng là một trong những vấn đề gây nhiều phiền toái và khổ sở, đem đến những hệ lụy trong cuộc sống của tất cả những người trong cuộc.
Hành vi cấm cản quyền nuôi, thăm nom con của cha mẹ sau ly hôn đi ngược lại với đạo đức xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa. Nguồn: ST)
Hành vi cấm cản quyền nuôi, thăm nom con của cha mẹ sau ly hôn đi ngược lại với đạo đức xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển tâm, sinh lý của trẻ nhỏ. (Ảnh minh họa. Nguồn: ST)

Khi phán quyết của tòa án bị “phớt lờ”

Mới đây, chị Đ.T.N, ngụ quận 8, TP Hồ Chí Minh đã liên tục đăng tải nhiều clip lên mạng xã hội, phơi bày bi kịch của gia đình, mong muốn được cộng đồng mạng giúp đỡ. Theo chị N, năm 2018 chị kết hôn với anh N.S.H ở huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang. Tháng 10/2020, sau khi sinh con trai thứ hai, chị và chồng phát sinh mâu thuẫn nên ba mẹ con về sống với ba mẹ chị tại TP Hồ Chí Minh.

Sau đó, chị N nộp đơn xin ly hôn, TAND tỉnh Tiền Giang không liên lạc được với chồng chị để hoà giải nên ra bản án phúc thẩm chấp nhận đề nghị ly hôn. Hai con chị, một gái, một trai đều dưới 36 tháng tuổi được giao cho chị nuôi, chị N không yêu cầu cấp dưỡng vì gia đình chị có điều kiện.

Đến tháng 2/2024, con gái chị N bị bệnh phải nằm viện, anh H có đến bệnh viện thăm cháu, nhân lúc chị N về nhà lấy đồ, anh đã đưa cháu đi. Chị N đã có xác nhận của bệnh viện và trình báo công an địa phương. Nhiều lần chị về quê anh H để đòi gặp con nhưng bị anh ngăn trở, không cho gặp mặt con.

Từ bấy đến nay, chị N đã tố cáo anh H có hành vi “bắt cóc con gái” với Cơ quan CSĐT - Công an huyện Cái Bè (Tiền Giang) và gõ cửa nhiều cơ quan chức năng mong được giải quyết để chị được gặp gỡ, nuôi dưỡng con đúng với tinh thần của bản án đã tuyên.

Thực tế, câu chuyện của chị N không phải là quá hiếm hoi. Đã có không ít những cuộc tranh chấp sau ly hôn mà bên không được quyền trực tiếp nuôi con đã bất chấp phán quyết của toà án, nhất định không thực thi, không cho đối phương đem con về nuôi.

Có trường hợp người cha hoặc mẹ sau khi nhận phán quyết đã đem con đi biệt tích, khiến đối phương không thể nào tìm được. Phổ biến hơn, nhiều trường hợp bên được toà phán quyết cho nuôi con, vì mâu thuẫn cá nhân đã cấm đoán, cản trở không cho đối phương được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ, không cho thăm nom, chăm sóc, theo dõi quá trình khôn lớn của con mình.

Trái với đạo đức lẫn pháp luật

Việc một trong hai bên không thực hiện đúng với phán quyết của toà án, cố ý chây ỳ, cấm cản đối phương được thực hiện quyền làm cha, làm mẹ của mình là hành vi bất chấp pháp luật, vi phạm nghiêm trọng quy định của luật pháp.

Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở, trừ trường hợp bị tòa án hạn chế quyền thăm nom con theo quy định.

Một khi đã có quyết định trong bản án ly hôn mà một trong hai người vợ hoặc chồng không trực tiếp nuôi con, có hành vi bắt con thì sẽ vi phạm theo Điều 153 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi năm 2017) quy định về tội Chiếm đoạt người dưới 16 tuổi. Có thể bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm; mức phạt cao nhất là 15 năm tù; nhẹ hơn sẽ bị phạt tiền từ 10 - 50 triệu đồng.

Đồng thời, người nào hạn chế quyền thăm gặp con của người không trực tiếp nuôi con thì có thể bị xử phạt vi phạm hành chính lên đến 10 triệu đồng, trừ trường hợp tòa án hạn chế quyền thăm nom của người không trực tiếp nuôi con theo quy định tại Điều 56 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.

Luật quy định rõ như thế, nhưng trên thực tế, rất nhiều trường hợp người bị đối phương bắt con, hạn chế quyền nuôi con gõ cửa, kêu cứu một thời gian vẫn không được xử lý. Có khi do đối phương bỏ đi biệt xứ, tìm không ra, nhưng cũng có nhiều trường hợp đây đó, các cơ quan chức năng vẫn chưa coi trọng đúng mức sự việc, vẫn cho đây là chuyện nhà, để các bên “tự giải quyết” với nhau.

Cuộc chiến nuôi con sau ly hôn không chỉ là vấn đề về quyền lợi pháp lý mà còn là một cuộc chiến của tình người và đạo lý. Việc không tuân thủ phán quyết của tòa án, cản trở quyền lợi của con cái không chỉ làm tổn thương con trẻ mà còn đi ngược lại trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ.

Đọc thêm