Gia tăng tỉ lệ ly hôn trung niên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - “Ly hôn xám”, tức những cuộc hôn nhân tan vỡ ở tuổi xế chiều, đang có nguy cơ gia tăng tại nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. “Ly hôn xám” có thể mang đến nhiều hệ lụy với nền tảng gia đình, sự phát triển của toàn xã hội.
Để có được tuổi xế chiều hạnh phúc bên nhau, cần sự vun đắp, nỗ lực, bao dung từ những giai đoạn đầu của hôn nhân. (Ảnh minh họa - Nguồn: TN)
Để có được tuổi xế chiều hạnh phúc bên nhau, cần sự vun đắp, nỗ lực, bao dung từ những giai đoạn đầu của hôn nhân. (Ảnh minh họa - Nguồn: TN)

Nhiều nguyên nhân dẫn đến “ly hôn xám”

Trong những năm qua, hiện tượng “ly hôn xám”, tức những cuộc ly hôn ở tuổi trung niên, xế chiều đang gia tăng ở nhiều nước trên thế giới. Năm 2021, Cục Điều tra dân số Hoa Kỳ công bố dữ liệu tỉ lệ ly hôn ở Mỹ là khoảng 34%. Đáng chú ý, người trưởng thành trong độ tuổi từ 55 - 64 có tỉ lệ ly hôn cao nhất so với mọi lứa tuổi, ở mức 43%. Theo New York Times, tỉ lệ “ly hôn xám” đã tăng từ 1/10 lên hơn 1/4 chỉ sau 20 năm. Số liệu của Cơ quan Thống kê Hàn Quốc vào tháng 3/2022 cho thấy tỷ lệ ly hôn ở những người từ 60 tuổi trở lên tăng đáng kể. Số lượng các đôi vợ chồng muốn ly thân sau hơn 30 năm chung sống đã tăng 7,5% và hơn gấp đôi so với một thập kỷ trước đó. Số liệu của Tổng điều tra dân số toàn quốc Trung Quốc lần thứ 7 cho thấy, tỷ lệ ly hôn của người từ 60 tuổi trở lên là 1,32%. Trong đó 1,14% là phụ nữ trung niên ly hôn...

Còn tại Việt Nam, kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 cho thấy, dân số đã ly hôn hoặc ly thân chiếm 2,1% tổng dân số. Theo phân tích kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, các cặp vợ chồng ly hôn trong độ tuổi 40 - 50 chiếm khoảng 15%; các cặp vợ chồng ở độ tuổi trên 50 tuổi chiếm khoảng 9%.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến ly hôn trung niên, trong đó các nguyên nhân phổ biến là sự thiếu thấu hiểu lẫn nhau, sự nhàm chán trong hôn nhân lâu dài, sự thay đổi giá trị gia đình trong sự phát triển của xã hội, sự thay đổi về công nghệ và kinh tế... Trong số đó, không ít trường hợp là một trong hai người (chủ yếu là người vợ) tìm được ý nghĩa mới cho cuộc sống, coi ly hôn là sự “giải thoát” cho những gánh nặng.

Trong một chương trình nội dung về ly hôn tuổi xế chiều, bà T.M.K. (58 tuổi, ngụ TP Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Biết là ly hôn sẽ đối diện với tai tiếng người đời, rồi con cái, gia đình, họ hàng. Nhưng tôi đã suy nghĩ kĩ suốt nhiều năm rồi, chẳng lẽ mình phải sống một cuộc đời chịu đựng như vậy hoài. Ổng chỉ biết đi làm kiếm tiền, về nhà là thoải mái hưởng thụ, sai bảo vợ con, không bao giờ biết chia sẻ việc nhà cùng vợ, không bao giờ có một cử chỉ quan tâm, một món quà, một lời nói nhẹ nhàng. Sống chung 30 năm, ác cảm và sự so sánh trong lòng tôi tăng dần lên, đến mức không còn chịu nổi. Tôi quyết định ly hôn, thà sống không chồng, nhưng tự do, tự yêu thương lấy chính mình, còn hơn “có chồng cũng như không””.

Nhiều chuyên gia chung nhận định: một khi các cặp vợ chồng đến độ tuổi trung niên thì quyết định ly hôn đã đưa ra là rất khó hòa giải, đa phần các cuộc hòa giải đều bất thành.

Dấu hiệu rạn nứt giá trị gia đình

Theo thống kê tại nhiều quốc gia, số nữ giới đưa ra đề nghị ly hôn nhiều hơn nam giới. Từ đó có ý kiến cho rằng, “ly hôn xám” cũng đánh dấu sự tiến bộ của xã hội, cho thấy phụ nữ đã hiểu về giá trị của bản thân hơn, ở độ tuổi trung niên đã thay đổi được quan niệm cũ về hạnh phúc, biết đóng cánh cửa hôn nhân mục ruỗng để đến với cuộc sống tự do nhiều hứa hẹn...

Tuy nhiên, theo các chuyên gia xã hội học, việc ly hôn trung niên ngày một tăng cao không phải là chỉ số “đáng mừng” của nữ quyền, bình quyền, của việc phụ nữ biết đấu tranh cho hạnh phúc bản thân, mà là những dấu hiệu không hay cho sự rạn nứt giá trị bền vững của gia đình.

Thẩm phán Hoàng Thị Bích Duyên, công tác tại TAND TP Hồ Chí Minh là nữ thẩm phán có thâm niên xử các vụ ly hôn tuổi trung niên đã chia sẻ với báo chí, hầu hết các cặp vợ chồng đến toà với 3 vấn đề chính: tình cảm, tranh chấp nuôi con và phân chia tài sản. Thông qua đó có thể thấy, đã có ly hôn, tức có sự rạn vỡ, tranh chấp và tổn thương. Một cuộc hôn nhân thất bại là sự tan vỡ một gia đình êm ấm, sự xáo trộn trong đời sống của mỗi cá nhân trong gia đình, sự giảm sút về kinh tế, suy giảm khả năng lao động và sáng tạo. Cạnh đó, một mối lo khác là những tác động xấu tới sức khỏe tâm thần các cá nhân trong gia đình, đặc biệt là lứa tuổi trung niên sau cuộc ly hôn. Cảm giác cô đơn, sang chấn, trầm cảm là khó tránh khỏi, bởi càng lớn tuổi, sức khỏe tâm thần càng có nguy cơ suy giảm.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, một trong những nguyên nhân “người trong cuộc” thường đưa ra là hết khả năng chịu đựng nhau sau những năm dài đằng đẵng. Nhưng phân tích sâu mới thấy, để đến sự “hết chịu đựng nổi”, thì trong đó, rất nhiều trường hợp là cả hai người bạn đời đã không cùng nhau nỗ lực để vun bồi hôn nhân, không thay đổi chính mình, chỉ nhìn thấy cái lỗi của đối phương, thiếu sự bao dung cho nhau, để đến mức “không thể hàn gắn”. Trong khi đó, những rạn nứt xuất phát từ những giai đoạn đầu tiên của cuộc hôn nhân rất có thể sẽ được vá lành, không dẫn đến hậu quả khi về già, nếu từ đầu cả hai cùng nhau cố gắng.