Nghị quyết 01/2024 của Hội đồng thẩm phán: Tháo gỡ nhiều vướng mắc về ly hôn

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay, không hiếm các gia đình vì nhiều lý do không thể sinh được con nên đã nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, trong một thời gian dài quyền ly hôn trong mối tương quan với các quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo vẫn chưa được xem xét, điều chỉnh, làm nảy sinh nhiều bất cập.
Việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng khi người mang thai hộ đang mang thai, sinh con sẽ giúp quyền lợi của đứa trẻ sinh ra được bảo đảm. (Ảnh minh họa, Nguồn: PLVN)
Việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng khi người mang thai hộ đang mang thai, sinh con sẽ giúp quyền lợi của đứa trẻ sinh ra được bảo đảm. (Ảnh minh họa, Nguồn: PLVN)

Chồng không có quyền ly hôn khi đang nhờ mang thai hộ

Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014, chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.

Bà Trần Thị Tâm - Viện KSND tỉnh Nghệ An nêu ra tình huống: người chồng bên nhờ mang thai hộ có yêu cầu ly hôn hoặc vợ chồng nhờ mang thai hộ thuận tình ly hôn khi người đồng ý mang thai hộ đang mang thai hoặc sinh con, hiện nay pháp luật chưa có quy định cụ thể. Theo bà Tâm, vấn đề này đang tồn tại quan điểm: cần hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng khi người mang thai hộ đang mang thai, sinh con.

“Quan điểm thứ hai có cơ sở hơn vì tại Điều 94 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 quy định con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra. Bên cạnh đó, quyền và nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra. Như vậy, việc sinh đẻ của người đồng ý mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là sự kiện pháp lý làm phát sinh quan hệ pháp lý cha mẹ và con giữa cặp vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ và đứa trẻ được sinh ra.

Nếu người chồng hoặc cả hai vợ chồng vô sinh nhờ mang thai hộ mà thuận tình ly hôn trong khi người đồng ý mang thai hộ “đang mang thai, sinh con” thì có thể dẫn đến việc hôn nhân của họ chấm dứt trước khi người đồng ý mang thai hộ sinh con. Vấn đề đặt ra là việc giải quyết ly hôn sẽ không thể đồng thời giải quyết được vấn đề nuôi con, nếu sau này đứa trẻ được sinh ra và còn sống. Vì con sinh ra vẫn được xác định là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ, bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con, đồng thời việc giải quyết vấn đề ai là người trực tiếp nuôi con cũng như mức cấp dưỡng đối với bên không trực tiếp nuôi con vẫn phải được giải quyết tương tự trường hợp cha mẹ ly hôn bình thường. Việc hạn chế quyền yêu cầu ly hôn của người chồng khi người mang thai hộ đang mang thai, sinh con quyền lợi của đứa trẻ sinh ra sẽ được bảo đảm”, theo bà Tâm.

Từ những vướng mắc thực tế, Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán - TANDTC có hiệu lực từ 1/7/2024 đã có quy định hướng dẫn về vấn đề ly hôn trong tình huống mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Cụ thể, chồng của người nhờ mang thai hộ không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi người mang thai hộ đang có thai. Bên cạnh đó, chồng của người đang mang thai hộ cũng không có quyền yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn khi vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi... Quy định này được xây dựng trên cơ sở bảo đảm quyền lợi của người vợ và đứa trẻ trong bối cảnh không hiếm các trường hợp cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo như hiện nay.

Bảo vệ cho người mẹ và trẻ em

Cũng theo hướng dẫn của Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán - TANDTC, với trường hợp vợ đang có thai, được giải thích là “khoảng thời gian vợ mang trong mình bào thai và được cơ sở y tế có thẩm quyền xác định cho đến thời điểm sinh con hoặc thời điểm đình chỉ thai nghén”; chồng không được quyền ly hôn dù vợ có thai với ai. Quy định này nhằm bảo vệ sức khỏe tâm lý và thể chất của người vợ cũng như đứa con chưa chào đời. Thai kỳ là giai đoạn nhạy cảm đối với phụ nữ, đòi hỏi sự ổn định và hỗ trợ từ người chồng để bảo đảm thai nhi phát triển tốt nhất. Nếu chồng đơn phương ly hôn trong giai đoạn này, nó có thể gây ra những ảnh hưởng tiêu cực nghiêm trọng đến sức khỏe của cả mẹ và con...

Như vậy, theo tinh thần của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và Nghị quyết 01 thì chồng không được ly hôn khi vợ nuôi con dưới 12 tháng tuổi kể cả đó là con ruột hay không. Bởi trẻ nhỏ cần sự chăm sóc đặc biệt và sự hiện diện của cả hai cha mẹ là rất quan trọng cho sự phát triển toàn diện của trẻ. Quy định này nhằm bảo đảm rằng trẻ được hưởng đầy đủ tình cảm và sự chăm sóc từ cả cha lẫn mẹ trong những năm tháng đầu đời.

Có thể nói, Nghị quyết 01/2024/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán - TANDTC được ban hành đã tháo gỡ nhiều trường hợp vướng mắc trong các mối quan hệ hôn nhân - gia đình.

Người vợ có quyền đơn phương ly hôn?

Đơn cử như vụ việc của chị P.T.M (ở phường Long Bình Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai). Ba năm trước, khi con chung của vợ chồng chị P.T.M và anh T.V.P mới 2 tháng tuổi, anh P đã đơn phương xin ly hôn vợ vì lý do vợ chồng thường xuyên gây gổ, đánh chửi nhau. Tuy nhiên, yêu cầu đơn phương ly hôn của anh P không được tòa án chấp nhận vì chị M đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi. Chị M kể, thời gian sau đó, chị thường xuyên bị chồng đánh đập nên đã chủ động xin ly hôn, nhưng lúc này chồng của chị lại không đồng ý. Chị M thắc mắc không biết pháp luật có cho phép chị đơn phương ly hôn với chồng hay không.

Trao đổi về thắc mắc của chị M, Luật sư Ngô Văn Định - Trung tâm Tư vấn pháp luật thuộc Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai cho biết, Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 không cho phép chồng yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi. Tuy vậy, Luật không cấm vợ đang có thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi đơn phương ly hôn. Do đó, chị M có quyền đơn phương ly hôn chồng. Lý do đơn phương xin ly hôn của chị nếu có thêm căn cứ người chồng có hành vi bạo lực gia đình thì tòa án sẽ thụ lý giải quyết. “Pháp luật chỉ hạn chế quyền đơn phương ly hôn của người chồng nhằm bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ. Còn đối với người vợ, dù đang có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi vẫn được quyền đơn phương xin ly hôn khi bị chồng bạo lực gia đình”, theo Luật sư Định.

Đọc thêm