Nước mắt hậu ly hôn

(PLO) - Sau hơn chục năm đầu gối tay ấp, xét thấy mâu thuẫn trầm trọng nên vợ chồng bị cáo quyết định ra tòa làm thủ tục ly hôn. Dù được pháp luật giải quyết dứt điểm về tình cảm nhưng sau đó cả hai lại vẫn ăn ở với nhau như chưa hề có cuộc chia ly. Để rồi, xuất phát từ việc nợ nần tiền bạc, người chồng bạc nghĩa đã vung dao định sát hại vợ…
 Tái hợp nhưng quên đăng ký kết hôn
Thời còn hương lửa mặn nồng, vợ chồng Ngô Duy Nguyên - Lê Thị Huê (cùng trú tại xã Bình Thuận, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) chung lưng đấu cật làm ăn nên gia đình cũng có của ăn, của để. Chồng  mở quán bán hàng tạp hóa ở đường liên xã, chị Huê đảm đang  tháo vát, lại ăn nói có duyên nên bán đắt hàng, có đồng ra, đồng vào trang trải gia đình. 
Nguyên là người khỏe mạnh, hiền lành, chịu khó làm ăn, không rượu chè, cờ bạc nên làm được bao nhiêu đều đưa về cho vợ vun thu tổ ấm. Nhược điểm lớn nhất của Nguyên là bản tính cục cằn, có phần thô lỗ, trái ngược với cô vợ xinh xắn, khéo léo. Để lo cho vợ con có cuộc sống đầy đủ, Nguyên chấp nhận công việc vất vả và phải đi làm ăn xa nhà. 
Trở về nhà sau những chuyến làm thuê cực nhọc, Nguyên thấy vợ ăn mặc tươm tất, vui vẻ tươi cười với khách hàng thì thấy “chướng tai, gai mắt”. Thêm vào đó, Nguyên cũng được nghe những người xấu xúi bẩy về việc những khi mình đi làm xa, vợ ở nhà có điều tiếng ong ve không tốt nên nảy lòng ghen tuông. Tình cảm vợ chồng họ vì vậy mà lục đục, bất hòa; vốn tính cục cằn nên Nguyên đã dùng bạo lực “xử lý” vợ.   
Đỉnh điểm mâu thuẫn là vào tháng 10/2013, vợ chồng Nguyên đã đưa đơn ly hôn và được TAND huyện Văn Chấn (tỉnh Yên Bái) giải quyết dứt điểm về tình cảm. Tuy về pháp luật thì hai người đã “đường ai nấy đi” nhưng sau đó, Nguyên và chị Huê vẫn chung sống như vợ chồng. Hàng xóm vẫn thấy Nguyên đi làm thuê, đi lấy hàng về cho chị Huê bán quán, hai người vẫn ăn cùng mâm, ngủ cùng giường. Và cũng như thời điểm còn mặn nồng, làm được bao nhiêu tiền Nguyên đều đưa cho chị Huê cất giữ. Tính từ thời điểm sau ly hôn, Nguyên đưa chị Huê tổng số tiền khoảng 12 triệu đồng. 
Đoạn nghĩa vợ chồng
Tái hợp chưa được bao lâu thì vợ chồng Nguyên lại xảy ra mâu thuẫn. Quen thói trước kia, Nguyên định “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ nhưng chị Huê cảnh báo: hai người giờ đã ly hôn, không còn là vợ chồng nên Nguyên không có quyền đánh đập, xúc phạm chị Huê. 
Chính vì hai người không còn là vợ chồng nên giờ đây chị Huê có quyền quan hệ với ai tùy thích, Nguyên không có quyền can thiệp. Nếu Nguyên cố tình vi phạm, chị Huê sẽ yêu cầu công an “gô cổ” Nguyên lại. Anh chồng đuối lý, cay đắng nhận ra mình bị rơi vào thế yếu nên đề nghị vợ trả lại số tiền 12 triệu đồng mà mình đã “gửi” vợ từ thời điểm sau ly hôn để rồi sẽ cắt đứt dứt điểm, “tiền bạc phân minh, ái tình sòng phẳng”. 
Tuy nhiên, chị vợ đáo để kiên quyết không trả lại 12 triệu đồng đó, cho rằng đó là khoản tiền “phí” mà anh này phải trả cho chừng ấy tháng trời ăn ở cùng chị ta. Sau lần cãi vã đó, Nguyên hậm hực bỏ đi; sau đó còn nhiều lần trở về đòi số tiền 12 triệu đồng nhưng chị Huê vẫn không trả.  
Bức xúc về tình cảm và tiếc của nên khoảng 16h ngày 13/02/2014, Nguyên nghĩ quẩn sẽ đến quán hàng của chị Huê để đòi tiền lần nữa, nếu vợ cũ không trả thì Nguyên sẽ sát hại chị này rồi tự vẫn. Để chuẩn bị cho việc này, Nguyên chuẩn bị sẵn một con dao nhọn dài 41cm và mua 1 lọ thuốc trừ sâu tới quán hàng của chị Huê. Lúc này chị Huê đóng cửa quán, nghỉ trong nhà nên buộc Nguyên phải gọi cửa. 
Khi mở cửa quán, chị Huê thấy gã chồng cũ mặt đằng đằng sát khí, tay cầm con dao nhọn lăm lăm nên hiểu ngay ra cơ sự, chị vùng bỏ chạy. Nguyên đuổi theo đến cửa quán và chém chị Huê một nhát vào lưng. Người vợ cũ vừa chạy vừa kêu cứu nhưng đã bị Nguyên đuổi kịp, chém tiếp một nhát vào đầu. Sau đó chị này chạy vào buồng nhà hàng xóm kêu cứu nhưng Nguyên vẫn đuổi sát sạt, chém tiếp hai nhát vào đầu và vai khiến nạn nhân gục xuống. 
Nghĩ là chị Huê đã chết nên Nguyên quẳng dao, lấy lọ thuốc trừ sâu trong túi ra dốc vào miệng định tự tử. Nhưng gã chồng hèn nhát sợ uống cả lọ thuốc trừ sâu sẽ chết  nên chỉ uống non nửa lọ rồi về nhà nằm chờ người đến cứu.
Về phía nạn nhân Lê Thị Huê, sau đó được đưa đi cấp cứu kịp thời nên may mắn thoát chết, chỉ bị tổn hại sức khỏe 12%. Mặc dù vậy, hành vi của Nguyên dùng dao là hung khí nguy hiểm tấn công vào những vị trí trọng yếu của cơ thể như đầu, mặt, vai, truy sát đến cùng nhằm tước đoạt tính mạng nạn nhân nên Ngô Duy Nguyên vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “Giết người”. 
Tại phiên tòa sơ thẩm mới đây, bị cáo Nguyên thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Bị cáo tỏ ra ăn năn hối cải vì hành vi nông nổi của mình đã làm đứt đoạn tình nghĩa vợ chồng và khiến bản thân bị cáo phải trả giá đắt. 
TAND tỉnh Yên bái xét thấy bị cáo phạm tội xuất phát từ đời sống tình cảm có phần phức tạp, hành vi phạm tội của bị cáo là chưa đạt, ngoài ra bố đẻ của bị cáo được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì và bị cáo được người bị hại xin giảm nhẹ hình phạt; tuy nhiên, bị cáo vừa bị xử phạt hành chính xong lại phạm tội với mức độ rất nghiêm trọng nên cần phải cách ly bị cáo ra khỏi đời sống xã hội trong một thời gian tương xứng mới đủ để cải tạo, do vậy, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Yên Bái đã tuyên phạt bị cáo Ngô Duy Nguyên 11 năm tù về tội “Giết người”./.

Đọc thêm