Ngồi thu lu trong vành móng ngựa chờ HĐXX vào công đường xử án, bị cáo Phạm Văn Trịnh cố ngoái đầu về phía sau tìm sự bấu víu tình cảm của người thân.
Thấy bố mắt mờ vì tuổi già không thể nhận ra mình, anh con trai ngồi cuối góc phòng xử án tiến lại gần cha. Hai cha con nhìn nhau trong nước mắt. "Bố có tội với mẹ và các con. Giết người phải đền mạng, nếu bố lĩnh án tử hình, con nhớ viết đơn lên trên xin tha tội chết cho bố". Bị cáo Trịnh nghẹn ngào cầu cứu con trai.
Nửa cuộc đời được gặp cha vài lần
Từng lời nói của cha già phạm trọng tội như hàng vạn mũi kim xuyên thấu lồng ngực anh Đoàn- người con trai cả quê mùa (SN 1973, trú tại huyện Chương Mỹ, TP. Hà Nội) của bị cáo Trịnh. Thời gian như ngừng trôi, hai bố con nhìn nhau như thể cả trăm năm buồn tủi tích tụ lên đôi mắt người bố. Bất giác, con trai bị cáo Trịnh quay sang tôi hỏi nhỏ: "Bố em liệu có bị kết án tử hình không anh? Cả đời em chỉ được gặp bố vài lần, chúng em chưa một lần được phụng dưỡng bố theo đúng nghĩa tình cha con". Nói đến đây, giọng anh Đoàn nghẹn lại.
Như tìm được sự cảm thông, người đàn ông 40 tuổi đã chia sẻ về gia cảnh của mình cho tôi nghe. Theo lời kể của anh Đoàn, cách đây 40 năm, bố mẹ anh cưới nhau tại quê nhà Chương Mỹ, Hà Nội. Khi anh lên một tuổi, bố anh (bị cáo Phạm Văn Trịnh SN 1951, trú tại xã Phước Bình, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai) có dính dáng đến pháp luật, bị bắt đi cải tạo giam giữ ở tỉnh Yên Bái. “Gần 7 năm sống xa gia đình, bố bỗng trở về nhà và ly hôn với mẹ để đi theo một người đàn bà khác ở cùng huyện. Hôn nhân tan vỡ, trụ cột chính trong gia đình không còn, mẹ tôi bế em tôi về nhà bà ngoại, bỏ lại tôi sống thui thủi một mình với ông bà nội”.
Anh Đoàn kể giọng buồn buồn. Vì ông bà nội đều già cả, gia đình lại trong cảnh nghèo khó nên chỉ nuôi cháu nội học hết lớp 4 trường làng thì cho nghỉ học. Từ đây Phạm Văn Đoàn vào đời bằng hai bàn tay trắng, quanh năm suốt tháng làm ruộng và nghề thợ rèn truyền thống ở quê nhà. Ở tuổi 30, anh Đoàn lập gia đình nhưng vẫn không có nhà để ở. Hai vợ chồng phải thuê một ki ốt nhỏ tại chợ Đông Phương Yên để sinh sống. Hơn chục năm làm việc miệt mài, kiếm nhặt từng đồng bạc lẻ, cuối cùng Phạm Văn Đoàn đã có tiền mua đất làm nhà, chấm dứt những ngày tháng sống nhờ vào ông bà nội.
Bị cáo ngoái lại phía sau tìm người thân |
Mặc dù có vợ đảm, con cái đề huề (gái đầu, trai sau), nhưng trong lòng anh Phạm Văn Đoàn luôn khắc khoải nhớ về người bố mấy năm liền không thấy về thăm nhà. Anh đâu biết rằng, bố mình (ông Phạm Văn Trịnh) lại dính dáng đến pháp luật, khiến bà vợ hai và hai đứa con cùng cha khác mẹ cũng lâm vào cảnh khốn khó trăm bề. Người cha của anh đã gây trọng tội giết người, khiến làng quê rúng động trong một thời gian dài.
Trả thù xưa, 21 năm trốn nã vẫn không thoát
Cách đây 21 năm (tối 17/9/1991), Phạm Văn Trịnh cùng em trai đến uống rượu giải sầu tại một quán bún thịt chó trong làng. Khi rượu đã ngà ngà say, Trịnh trông thấy ông Trần Linh bước vào quán. Mối thù xưa trỗi dậy làm người Trịnh nóng bừng bừng. Ngược dòng thời gian vào năm 1980, Trịnh gây ra một vụ đánh nhau nên bị dân quân tự vệ lùng bắt. Trong lúc chạy trốn, Trịnh bị ông Linh (khi đó làm xã đội phó xã Đông Phương, huyện Chương Mỹ) dùng súng bắn trúng gót chân gây thương tích khá nặng. Sau đó Trịnh bị UBND tỉnh Hà Sơn Bình (cũ) đưa đi cải tạo 3 năm.
Trong khi đi cải tạo, Trịnh có nghe dư luận phong thanh chuyện vợ mình có quan hệ bất chính với ông Trần Linh. Nhớ lại chuyện xưa, Trịnh nói với sang bàn ông Linh: "Mày còn nợ tao, trước kia làm xã đội phó, mày bắn tao, bắt tao đi cải tạo". Hai bên lời qua tiếng lại, Trịnh đi ra chõng tre ngồi uống nước. Sẵn có hơi men trong người, Trịnh cầm dao nhọn của nhà hàng đâm một nhát trúng ngực trái ông Trần Linh. Trịnh dắt xe đạp ra khỏi quán định đi về nhà thì ông Linh ôm ngực loạng choạng lao tới.
Sẵn con dao nhọn trong tay, Trịnh đâm một nhát nữa trúng ngực phải ông Linh làm người đàn ông này tử vong. Gây án xong, Trịnh thay tên, đổi họ, lấy tiếp bà vợ thứ ba, sinh được một người con và cư trú tại huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai. Tháng 7/2012, Phạm Văn Trịnh bị công an bắt theo lệnh truy nã, kết thúc 21 năm trốn chạy.
Tại công đường TAND TP. Hà Nội hôm 14/5, bị cáo Phạm Văn Trịnh tóc bạc trắng, người gầy rộc như một que củi. Trả lời câu hỏi: "Bị cáo nghĩ gì khi dùng dao nhọn đâm chết người?" của chủ tọa phiên tòa, bị cáo Trịnh lắp bắp: "Lúc đó bị cáo không nghĩ được gì, đầu óc ngu xuẩn quá mới làm những việc chẳng hiểu nổi. Bị cáo không lường trước được hậu quả lại nghiêm trọng như vậy" (làm ông Linh tử vong - PV). Vị chủ tọa hỏi tiếp: "Tại sao hơn 21 năm qua, bị cáo không ra đầu thú?" - "Vào thời điểm đó, ở tỉnh Hòa Bình có một người bị chết đuối, công an nghi đó là bị cáo nên bị cáo nghĩ lệnh truy nã sẽ bị hủy bỏ".
Được nói lời sau cùng, bị cáo Phạm Văn Trịnh cúi đầu xin HĐXX cho được sống (trước đó VKSND TP. Hà Nội đề nghị xử bị cáo án tử hình) để có cơ hội chuộc lại lỗi lầm của mình gây ra cho gia đình bị hại Trần Linh. Cuối phiên xét xử, HĐXX tuyên phạt bị cáo Trịnh án tử hình.
Ám ảnh...
Khi dẫn giải ra xe thùng về trại giam, bị cáo Phạm Văn Trịnh gượng cười với vợ con. Nhưng có lẽ trong tâm trí người đàn ông tội lỗi này không thể không ám ảnh bởi những lời của người vợ cả mà mình đã bỏ rơi đang xin tòa tha tội chết cho mình: "...Xin tòa cho chúng tôi được sống vài năm có bố, con cái tôi có vài năm được sống với ông nội". Bất giác, bị cáo Trịnh nước mắt giàn giụa những giọt nước mắt hối lỗi muộn màng.
Theo Thiên Long/ Người đưa tin
(Tên nhân vật đã được thay đổi)